Người ta cho rằng, những biến đổi về kinh tế - xã hội, thay đổi lối sống, chế độ ăn, tăng cân... là những yếu tố nguy cơ gây bệnh dạ dày.
Trào ngược dạ dày - thực quản (TNTQ) là để chỉ sự trào ngược dịch ở dạ dày lên thực quản. Phần lớn những bệnh nhân bị bệnh TNTQ chỉ có những triệu chứng nhẹ, thỉnh thoảng mới xuất hiện nên thường không đi khám bệnh. Những người có triệu chứng vừa hay nặng kéo dài thường là người có tuổi, bị viêm thực quản nặng hoặc có những biến chứng như hẹp thực quản, thực quản Barrett.
TNTQ có triệu chứng gì?
Cảm giác nóng bỏng sau xương ức giữa ngực, hay xảy ra sau bữa ăn hoặc lúc cúi mình về phía trước, hoặc lúc nằm ngửa; đau nóng rát khu trú ở bụng trên... Ban đêm bị đau, khó chịu, nếu ngồi dậy hoặc nâng cao đầu thì đỡ. Giảm triệu chứng khi uống các thuốc chống acid.
Ợ chua cũng là một triệu chứng đặc trưng của bệnh TNTQ.
Các biểu hiện ở phổi: khó thở ban đêm do hít phải dịch vị acid vào phế quản ít gặp, nhưng nặng. Có khi có cơn như hen suyễn.
Đau ngực: TNTQ là nguyên nhân thông thường nhất của đau ngực không do bệnh tim. Đau thường sau bữa ăn hoặc ban đêm; đau kéo dài nhiều giờ, sau xương ức, không lan sang bên. Đau giảm sau khi uống thuốc chống acid; khởi phát đau có liên quan tới một đợt trào ngược dịch vị acid. Có khi đau rõ rệt ở ngực do trào ngược chứ không phải chỉ là cảm giác nóng. Đau giống như cơn đau thắt ngực dễ lầm với bệnh lý động mạch vành.
Triệu chứng ít gặp hơn là ợ từng đợt, nấc, thiếu máu nhược sắc do viêm thực quản chảy máu rỉ rả...
Điều trị thế nào?
Điều trị bệnh TNTQ cần dựa trên cơ sở bệnh sinh. Biểu hiện lâm sàng mỗi người một khác, có người triệu chứng thì rầm rộ nhưng lại không có tổn thương thực thể, có người không có triệu chứng lại có thực quản ngắn Barrett, hoặc hẹp. Thông thường bệnh nhân hay có viêm trợt thực quản ở đoạn nối tâm vị - thực quản. Điều trị từng bước nhằm các mục tiêu: kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng sống; làm liền sẹo các tổn thương nếu có; kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng. Các biện pháp điều trị bao gồm: thay đổi lối sống, điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và các thủ thuật khác.
Điều trị nội khoa
Dùng các thuốc ức chế bơm proton (PPI): Hiện nay, xu hướng điều trị ngay từ đầu bằng các thuốc này với liều chuẩn hằng ngày, trong 2 - 4 ngày đầu. Bệnh nhân thường đáp ứng tốt, giảm triệu chứng nhanh, đa số ổn định lâu, liền sẹo loét. Các thuốc trong nhóm này có thể kể đến là:
Omeprazole viên 20mg, có tác dụng ức chế tiết acid mạnh, có thể tạo ra vô toan. Các triệu chứng lâm sàng hết ngay từ những ngày đầu khi dùng thuốc. Tuy nhiên omeprazole có thể làm giảm acid kéo dài dẫn đến làm tăng gastrin máu. Mức gastrin sẽ trở về bình thường vài tuần sau khi ngưng thuốc. Các tác dụng phụ thường thấy là tiêu chảy, táo bón, đau đầu.
Lansoprazole là thuốc ức chế bơm proton thế hệ thứ hai, sau 8 tuần điều trị tỷ lệ liền sẹo loét dạ dày đạt 89 - 92% và diệt vi khuẩn HP 21 - 43%. Tác dụng phụ ít gặp, chủ yếu là nhức đầu, buồn nôn, đi ngoài.
Pantoprazole là thuốc được dung nạp tốt giúp liền sẹo nhanh, ít tác dụng phụ.
Rabeprazole có tác dụng ức chế tiết acid mạnh hơn omeprazole. Thuốc nhanh chóng kiểm soát acid. Tác dụng phụ thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.
Esomeprazole có tác dụng ức chế tiết acid kéo dài nhờ trong công thức có đồng phân quang học S không bị chuyển hóa bởi hệ men cytochrom P450 trong gan. Thuốc ít tác dụng phụ, chủ yếu là nhức đầu, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.
Trường hợp có nhiễm Helicobacter pylori (HP): có thể diệt HP với phác đồ 3 thuốc ngắn ngày, sau đó tiếp tục điều trị với thuốc ức chế bơm proton dài ngày, tùy sự đáp ứng của người bệnh.
Điều trị ngoại khoa
Những trường hợp điều trị nội khoa không kết quả, có thể xét điều trị phẫu thuật, làm một cái van dạ dày ở quanh phần thực quản thấp. Hiện nhiều nhà phẫu thuật ưa dùng phương pháp “Nissen mềm” qua soi ổ bụng. Kết quả cũng tương tự như phẫu thuật mở, đạt hiệu quả chống trào ngược 80 - 90%. Song phẫu thuật cũng có nguy cơ tử vong và cũng có tới 30% số người sau mổ có triệu chứng nặng nề như chướng hơi, nuốt khó, không ợ được.
Thay đổi lối sống
Bệnh nhân cần thay đổi tư thế nằm (gối đầu cao khoảng 15cm hoặc kê vai cao 25cm); tránh tư thế cúi lâu, tránh nằm ngửa ngay sau bữa ăn và trong khoảng 3 giờ; giảm chênh lệch áp lực bụng - thực quản bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no, không mặc quần áo chật, tránh béo phì...; ăn giảm chất béo, tránh ăn sôcôla, tỏi, mỡ, rượu, bia, gia vị cay, cà ri. Đồ uống có pH thấp như rượu vang đỏ có thể làm tăng triệu chứng, thuốc lá làm năng thêm trào ngược và có nguy cơ gây ung thư.
Không nên uống các thuốc làm giảm áp lực cơ thắt dưới như: theophylline, thuốc chẹn bêta, chẹn alpha, ức chế calci, các dẫn chất nitré, các thuốc chống tiết cholin, chống parkinson, thuốc an thần. Tránh dùng aspirin, các thuốc giảm đau không steroid khác vì thường làm nặng thêm viêm thực quản.