Hà Nội

Thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em

04-10-2024 18:23 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh tim bẩm sinh có thể được điều trị bằng phẫu thuật cho các trường hợp vừa đến nặng. Thông thường, thuốc nội khoa được chỉ định để kiểm soát triệu chứng và cải thiện chức năng tim trước, trong và sau phẫu thuật. Đối với những trường hợp quá nặng không thể phẫu thuật, điều trị nội khoa bằng thuốc sẽ được ưu tiên.

    1. Danh mục thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh

Danh mục thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh bao gồm nhiều loại thuốc nhằm kiểm soát triệu chứng và cải thiện chức năng tim. Dưới đây là một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị các vấn đề liên quan đến tim bẩm sinh:

- Thuốc lợi tiểu;

- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors);

- Thuốc chẹn beta (Beta-blockers);

- Thuốc chống đông máu (Anticoagulants);

- Thuốc trợ tim (Cardiac glycosides);

- Thuốc giãn mạch (Vasodilators);

- Prostaglandin E1 (Alprostadil);

- Thuốc chẹn kênh canxi (Calcium channel blockers);

- Thuốc chống loạn nhịp (Antiarrhythmics).

Các thuốc này cần được kê đơn và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch, do việc điều trị bệnh tim bẩm sinh phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

    2. Tác dụng thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh

Thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh có nhiều tác dụng khác nhau nhằm kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Dưới đây là tác dụng chính của từng nhóm thuốc:

Thuốc lợi tiểu (Diuretics):

- Giúp loại bỏ lượng nước dư thừa và muối ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu, làm giảm áp lực lên tim và phổi. Thuốc lợi tiểu giảm triệu chứng phù và khó thở, thường gặp ở người bị suy tim do bệnh tim bẩm sinh.

- Giảm phù, giảm khó thở, cải thiện chức năng tim.

Thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em- Ảnh 1.

Bệnh tim bẩm sinh làm dòng máu di chuyển không hiệu quả.

Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors):

- Giãn mạch, làm giảm huyết áp và giảm gánh nặng cho tim. Thuốc cũng có khả năng bảo vệ cơ tim, giảm nguy cơ suy tim tiến triển.

- Giảm huyết áp, cải thiện lưu thông máu, bảo vệ tim khỏi tổn thương.

Thuốc chẹn beta (Beta-blockers):

- Làm chậm nhịp tim và giãn mạch, giảm sức cản ngoại vi, giúp giảm nhu cầu oxy của cơ tim. Điều này giúp tim hoạt động hiệu quả hơn trong các tình trạng loạn nhịp hoặc suy tim.

- Giảm nhịp tim, kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ đau thắt ngực và loạn nhịp.

Thuốc chống đông máu (Anticoagulants):

- Ngăn chặn hình thành cục máu đông, từ đó giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc tắc mạch máu.

- Ngăn ngừa huyết khối, giảm nguy cơ tắc mạch, bảo vệ tim và não.

Thuốc trợ tim (Cardiac glycosides):

- Tăng cường sức co bóp của cơ tim, giúp tim bơm máu hiệu quả hơn. Thuốc này được sử dụng trong trường hợp suy tim hoặc rối loạn nhịp tim.

- Cải thiện chức năng bơm máu của tim, giảm triệu chứng suy tim, điều chỉnh nhịp tim.

Thuốc giãn mạch (Vasodilators):

- Giãn nở mạch máu, giúp giảm sức cản tuần hoàn và giảm áp lực lên tim. Điều này giúp giảm gánh nặng cho tim, cải thiện lưu thông máu.

- Giảm huyết áp, cải thiện lưu thông máu, giảm triệu chứng đau ngực.

Prostaglandin E1 (Alprostadil):

- Giúp duy trì ống động mạch (ductus arteriosus) mở ở trẻ sơ sinh có bệnh tim bẩm sinh phụ thuộc ống cho đến khi có thể thực hiện các can thiệp phẫu thuật.

- Duy trì ống động mạch đảm bảo tuần hoàn cho trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh phụ thuộc ống trước khi có thể thực hiện các can thiệp phẫu thuật.

Thuốc chẹn kênh canxi (Calcium channel blockers):

- Giãn cơ tim và mạch máu, giảm huyết áp, từ đó cải thiện lưu thông máu và giảm gánh nặng cho tim. Thuốc này cũng giúp kiểm soát nhịp tim và ngăn chặn loạn nhịp.

- Kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ đau thắt ngực, điều trị loạn nhịp.

Thuốc chống loạn nhịp (Antiarrhythmics):

- Điều chỉnh nhịp tim bất thường về nhịp xoang.

- Kiểm soát và duy trì nhịp tim bình thường, giảm nguy cơ biến chứng tim do loạn nhịp.

    3. Tác dụng phụ thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh

Bên cạnh tác dụng điều trị thì các thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ, và mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào từng loại thuốc và tình trạng của bệnh nhân. Dưới đây là các tác dụng phụ phổ biến của các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh tim bẩm sinh:

Thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em- Ảnh 2.

Việc dùng thuốc có thể giúp điều hòa nhịp tim của bạn.

Thuốc lợi tiểu (Diuretics): Tác dụng phụ, mất cân bằng điện giải (như thiếu kali, natri), gây yếu cơ và chuột rút; tụt huyết áp, chóng mặt, và ngất xỉu; tăng đường huyết; và tăng axit uric, có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm bệnh gout.

Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors): Tác dụng phụ như, ho khan kéo dài; tụt huyết áp và chóng mặt; tăng kali máu, có thể gây rối loạn nhịp tim; suy thận hoặc làm nặng thêm bệnh thận có sẵn; và phản ứng dị ứng hiếm gặp, như phù mạch (sưng môi, mặt, họng).

Thuốc chẹn beta (Beta-blockers): Tác dụng phụ làm nhịp tim chậm, gây mệt mỏi, chóng mặt, ngất; hạ huyết áp quá mức; rối loạn giấc ngủ, ác mộng; triệu chứng suy tim trở nên tệ hơn ở một số bệnh nhân; tăng cân, cảm giác lạnh ở tay chân.

Thuốc chống đông máu (Anticoagulants): Tác dụng phụ, như nguy cơ chảy máu nghiêm trọng (chảy máu nội tạng, chảy máu đường tiêu hóa, xuất huyết não). Có thể dễ bầm tím, chảy máu không ngừng khi bị thương. Phát ban da, dị ứng và loét dạ dày (khi dùng kéo dài hoặc liều cao).

Thuốc trợ tim (Cardiac glycosides - Digoxin): Tác dụng phụ như, ngộ độc Digoxin (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, mờ mắt, nhức đầu). Nhịp tim quá chậm hoặc quá nhanh, nguy hiểm nếu không được theo dõi cẩn thận. Mất khẩu vị, mệt mỏi, yếu cơ.

Thuốc giãn mạch (Vasodilators): Tác dụng phụ, làm hạ huyết áp quá mức, gây chóng mặt, ngất; đau đầu, buồn nôn; tăng nhịp tim phản xạ (nhịp tim nhanh hơn do giảm huyết áp). Giữ nước và gây phù ở một số trường hợp.

Prostaglandin E1 (Alprostadil): Tác dụng phụ như, suy hô hấp; hạ huyết áp; co giật, sốt và đỏ da hoặc phát ban, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

Thuốc chẹn kênh canxi (Calcium channel blockers): Tác dụng phụ, hạ huyết áp quá mức, chóng mặt, ngất; phù chân, mắt cá chân; Nhịp tim chậm, táo bón và đau đầu, đỏ mặt.

Thuốc chống loạn nhịp (Antiarrhythmics): Tác dụng phụ như rối loạn nhịp tim nặng hơn; hạ huyết áp, chóng mặt. Tổn thương phổi (đặc biệt là với Amiodarone). Vấn đề về gan và thận và rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy.

4. Chống chỉ định thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh

Chống chỉ định của các thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh tùy thuộc vào từng nhóm thuốc và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Dưới đây là các chống chỉ định phổ biến của các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh tim bẩm sinh:

Thuốc lợi tiểu (Diuretics):

- Tụt huyết áp, bệnh nhân đang có huyết động không ổn định

- Mất cân bằng điện giải nặng (như hạ kali máu, hạ natri máu).

- Dị ứng với thuốc nhóm sulfonamide (nếu dùng thuốc lợi tiểu như furosemide).

Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors):

- Phụ nữ mang thai (có nguy cơ gây dị tật thai nhi).

- Phù mạch di truyền hoặc do thuốc.

- Hẹp động mạch thận hai bên hoặc hẹp động mạch thận một bên ở bệnh nhân chỉ có một thận chức năng.

- Tăng kali máu.

Thuốc chẹn beta (Beta-blockers):

- Nhịp tim chậm (bradycardia) hoặc bloc nhĩ-thất độ cao (nhịp tim quá chậm hoặc không đều).

- Suy tim nặng hoặc không kiểm soát được.

- Hen suyễn nặng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

- Hạ huyết áp nặng.

Thuốc chống đông máu (Anticoagulants):

- Bệnh nhân có nguy cơ chảy máu cao (như loét dạ dày tá tràng, chảy máu nội tạng).

- Bệnh nhân có tiền sử xuất huyết nội sọ.

- Thiếu máu nặng.

- Phụ nữ mang thai (đặc biệt là trong trường hợp dùng Warfarin).

Thuốc trợ tim (Cardiac glycosides - Digoxin):

- Blốc nhĩ-thất cấp độ cao không có máy tạo nhịp tim.

- Nhịp tim quá chậm hoặc nhịp tim không đều do hội chứng Sick Sinus.

- Hạ kali máu hoặc hạ magnesi máu không được kiểm soát (nguy cơ ngộ độc Digoxin).

- Bệnh cơ tim phì đại gây tắc nghẽn.

Thuốc giãn mạch (Vasodilators):

- Hạ huyết áp nghiêm trọng.

- Suy tim nặng mà không có sự kiểm soát y tế.

- Phụ nữ mang thai (đối với một số loại thuốc giãn mạch).

- Nhịp tim nhanh chưa được kiểm soát.

Prostaglandin E1 (Alprostadil):

- Dị ứng với Alprostadil.

- Bệnh nhân có triệu chứng bệnh phổi nặng hoặc suy hô hấp.

- Cẩn trọng ở trẻ sơ sinh có vấn đề về đông máu.

Thuốc chẹn kênh canxi (Calcium channel blockers):

- Huyết áp thấp (hạ huyết áp nặng).

- Suy tim sung huyết nặng.

- Hội chứng Sick Sinus không có máy tạo nhịp.

- Blốc nhĩ - thất độ hai hoặc ba không có máy tạo nhịp.

Thuốc chống loạn nhịp (Antiarrhythmics):

- Blốc nhĩ - thất cấp độ cao không có máy tạo nhịp.

- Hạ huyết áp nghiêm trọng.

- Suy tim không kiểm soát hoặc suy tim nặng.

- Các bệnh lý về phổi nghiêm trọng (đặc biệt với Amiodarone).

5. Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh

Khi dùng thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh, cần có một số lưu ý để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh các biến chứng không mong muốn. Dưới đây là những lưu ý quan trọng:

- Dùng đúng liều, đúng thời gian quy định, không tự ý thay đổi liều lượng, bỏ thuốc, hoặc ngừng thuốc đột ngột vì có thể gây biến chứng nghiêm trọng.

- Thông báo ngay cho bác sĩ nếu quên uống thuốc hoặc uống quá liều.

- Thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, mệt mỏi, khó thở, phù nề, hoặc thậm chí là rối loạn nhịp tim. Nếu gặp phải các triệu chứng này, cần báo ngay cho bác sĩ để được điều chỉnh liều hoặc thay đổi loại thuốc.

- Các triệu chứng của ngộ độc thuốc như buồn nôn, nhịp tim chậm, chóng mặt, hoặc khó thở cần được xử lý ngay lập tức.

- Thường xuyên kiểm tra chức năng thận, gan và nồng độ điện giải (như kali, natri) khi sử dụng các thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim hoặc thuốc chống đông máu.

- Bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu cần theo dõi thường xuyên chỉ số đông máu (INR) để đảm bảo liều lượng phù hợp và tránh nguy cơ chảy máu.

- Báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược mà bạn đang sử dụng để tránh tương tác thuốc, có thể làm giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ.

- Một số thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp, hoặc Digoxin có thể tương tác với nhiều thuốc khác, do đó cần thận trọng.

- Giảm muối: Cần hạn chế ăn muối vì muối có thể làm tăng giữ nước, gây gánh nặng cho tim.

- Uống đủ nước: Điều này đặc biệt quan trọng với người dùng thuốc lợi tiểu, nhưng cũng cần tránh uống quá nhiều nước nếu có chỉ định hạn chế dịch từ bác sĩ.

- Việc điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em cần phải thận trọng hơn so với người lớn. Trẻ em có thể phản ứng khác với thuốc và liều lượng cần được điều chỉnh dựa trên cân nặng và tình trạng sức khỏe.

- Gia đình cần giám sát chặt chẽ việc dùng thuốc của trẻ và báo cáo bất kỳ dấu hiệu bất thường nào cho bác sĩ ngay lập tức.

Không ngừng thuốc đột ngột: việc ngừng thuốc đột ngột, đặc biệt là các thuốc như thuốc chẹn beta, thuốc chống loạn nhịp hoặc thuốc chống đông máu, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như nhịp tim bất thường, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu có chỉ định ngừng thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn giảm liều từ từ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

6. Tai biến y khoa liên quan đến thuốc thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh

Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm việc sử dụng thuốc không đúng cách, tương tác thuốc, tác dụng phụ nặng hoặc do bệnh lý nền của bệnh nhân. Dưới đây là các tai biến y khoa phổ biến có thể xảy ra liên quan đến thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh:

Thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em- Ảnh 3.

Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Ngộ độc Digoxin (thuốc trợ tim): Sử dụng Digoxin với liều cao hoặc ở bệnh nhân có suy thận (do giảm khả năng thải trừ thuốc), hạ kali máu, hoặc sử dụng đồng thời với thuốc lợi tiểu mà không kiểm soát điện giải.

Biểu hiện: Buồn nôn, nôn, chán ăn; Nhịp tim chậm hoặc loạn nhịp tim (nguy hiểm nhất là rung thất hoặc blốc nhĩ-thất). Mờ mắt, nhìn thấy quầng sáng hoặc màu xanh vàng.

Xuất huyết nặng do thuốc chống đông máu (Warfarin, Heparin): Quá liều thuốc chống đông máu hoặc dùng thuốc mà không theo dõi chỉ số INR (International Normalized Ratio) thường xuyên.

Biểu hiện: Chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu mũi, nướu răng; xuất huyết nội tạng, xuất huyết não (nguy hiểm tính mạng). Bầm tím dễ dàng, xuất hiện các vết bầm lớn không rõ nguyên nhân.

Hạ huyết áp nghiêm trọng do thuốc giãn mạch hoặc thuốc chẹn beta: Sử dụng quá liều hoặc cơ thể phản ứng quá mức với thuốc, đặc biệt ở bệnh nhân có suy tim hoặc chức năng gan thận kém.

Biểu hiện: Huyết áp giảm quá mức, chóng mặt, ngất; sốc do tụt huyết áp, có thể dẫn đến suy thận hoặc tổn thương cơ quan khác.

Rối loạn nhịp tim do thuốc chống loạn nhịp (Amiodarone, Flecainide): Sử dụng liều cao hoặc kéo dài thuốc chống loạn nhịp, đặc biệt ở bệnh nhân có bệnh lý về phổi, gan hoặc thận.

Biểu hiện: Rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn, có thể gây rung thất hoặc tử vong đột ngột; độc tính trên phổi (viêm phổi do Amiodarone), độc tính trên gan.

Tăng kali máu do thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) hoặc thuốc lợi tiểu giữ kali: Sử dụng thuốc mà không theo dõi nồng độ kali máu, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận hoặc dùng đồng thời với thuốc bổ sung kali hoặc các thuốc khác gây tăng kali.

Biểu hiện: Yếu cơ, mệt mỏi; rối loạn nhịp tim nguy hiểm, có thể gây ngừng tim. Ngứa, tê hoặc cảm giác kim châm ở tay chân.

Co giật và suy hô hấp do Prostaglandin E1 (Alprostadil): Phản ứng phụ nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh khi dùng Alprostadil để duy trì tuần hoàn trong trường hợp hẹp động mạch phổi hoặc bệnh tim bẩm sinh.

Biểu hiện: Co giật.; suy hô hấp, khó thở, ngừng thở. Sốt cao, đỏ da.

Tụt nhịp tim quá mức do thuốc chẹn beta: Quá liều hoặc bệnh nhân có nhịp tim chậm sẵn có, dùng đồng thời với các thuốc khác làm chậm nhịp tim.

Biểu hiện: Nhịp tim rất chậm, dưới 50 nhịp/phút; chóng mặt, ngất, mệt mỏi nặng. Có thể dẫn đến ngừng tim.

Tương tác thuốc: Sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc có thể gây tương tác, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả điều trị.

Biểu hiện: Các triệu chứng khác nhau tùy vào tương tác thuốc, từ rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp đến tổn thương gan, thận.

Kết luận: Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị bệnh tim bẩm sinh có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Việc theo dõi chặt chẽ quá trình điều trị, kiểm tra định kỳ và quản lý tác dụng phụ là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Tim bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trịTim bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

SKĐS - Bệnh Tim bẩm sinh là các dị tật của cơ tim, buồng tim, van tim các mạch máu lớn và hệ thần kinh tim xảy ra ngay từ lúc còn ở thời kỳ bào thai và vẫn còn tồn tại sau sinh.


BS. Đặng Thị Hà Phương
Khoa Tim mạch Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Ý kiến của bạn