1. Các thuốc phòng, điều trị bệnh thông liên nhĩ phổ biến
Bác sĩ chuyên khoa tim mạch cho rằng, khi trẻ sinh ra mắc bệnh thông liên nhĩ, điều trị bằng thuốc uống không thể làm cho lỗ thông này tự đóng lại được. Tuy nhiên, đối với những trường hợp bệnh cụ thể, thuốc đóng vai trò điều trị triệu chứng và vấn đề kèm theo.
Các loại thuốc phòng, điều trị bệnh thông liên nhĩ như:
- Thuốc chống đông máu (ví dụ warfarin) và thuốc chống tiểu cầu (ví dụ aspirin).
- Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim: Digoxin, thuốc chẹn beta (ví dụ metoprolol, propranolol).
- Thuốc điều trị suy tim: Thuốc lợi tiểu, digoxin hoặc thuốc ức chế men chuyển.
- Thuốc điều trị tăng áp mạch máu phổi ví dụ bosentan.
- Thuốc nâng cao thể trạng, dự phòng hay điều trị bội nhiễm (đặc biệt là viêm phổi): Các loại vitamin, Fe, Calci, khoáng chất, kháng sinh.
2. Vai trò của thuốc điều trị bệnh thông liên nhĩ
- Mục đích khi sử dụng thuốc đối với một số trường hợp người bệnh thông liên nhĩ để điều trị triệu chứng, điều trị các vấn đề kèm theo, ví dụ như rối loạn nhịp tim, tăng áp mạch máu phổi, suy tim, dự phòng huyết khối.
- Thuốc cũng được kê để điều trị các vấn đề kèm theo như chờ để đóng lỗ thông bằng dụng cụ/phẫu thuật hoặc để giảm nguy cơ biến chứng sau khi đóng lỗ thông.
- Vì biểu hiện triệu chứng thường xuất hiện rất chậm ở độ tuổi 20-30, triệu chứng hồi hộp liên quan đến rối loạn nhịp tim là biến chứng đầu tiên. Trong các trường hợp này, điều trị thuốc uống có vai trò phần nào với các thuốc chống loạn nhịp tim như chẹn calci hay chẹn bêta.
- Khi phát hiện chậm với các triệu chứng tăng áp lực mạch máu phổi, điều trị nội khoa có tính chất hỗ trợ chờ phẫu thuật với các thuốc giãn mạch (ức chế men chuyển, nitrates), tăng co bóp cơ tim (digoxin), lợi tiểu.
- Đặc biệt ở một số trường hợp ở trẻ em dưới 2 tuổi đã có biểu hiện rất sớm với các triệu chứng như suy dinh dưỡng, khó thở thường xuyên, phù phổi, điều trị nội khoa có tính chất hỗ trợ, chống bội nhiễm, nâng cao tổng trạng chờ đóng lỗ thông bằng dụng cụ hay phẫu thuật.
3. Các tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị bệnh thông liên nhĩ
Khi sử dụng thuốc điều trị thông liên nhĩ có thể có tác dụng phụ như:
- Trẻ nhỏ, trẻ lớn hay người lớn khi điều trị với các nhóm thuốc trên có thể một số tác dụng phụ tùy thuộc vào loại thuốc, cơ địa nhạy cảm của mỗi người.
- Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc điều trị tăng áp mạch máu phổi (ví dụ bosentan) như: phù, sưng mặt hay tay chân, tăng men gan, dị ứng.
- Một số thuốc giãn mạch hay lợi tiểu có thể gây hạ huyết áp, ngất, rối loạn điện giải, mất nước.
- Thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho khan, phù mạch, hạ huyết áp, hay suy thận.
- Thuốc trợ tim (ví dụ như digoxin) có thể gây rối loạn nhịp tim, nôn, buồn nôn, đau đầu.
- Điều quan trọng cần lưu ý nữa là các thuốc điều trị rối loạn nhịp tim khi sử dụng có thể gặp tác dụng phụ như tăng nguy cơ loạn nhịp tim, biểu hiện hồi hộp hơn hay hụt hơi. Ngoài ra cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc chẹn thụ thể hay kháng sinh.
- Các nhóm thuốc chống đông máu hay chống tiểu cầu, tác dụng phụ đáng lo ngại nhất là chảy máu có nhiều mức độ và có nhiều vị trí khác nhau như chảy máu chân răng, chảy máu dưới da biểu hiện các vết bầm tím, đi cầu ra máu, tiểu ra máu.
- Do vậy bố mẹ và người thân cần phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường khi bệnh nhân đang dùng thuốc, và cần báo cho bác sĩ sớm.
4. Các nguyên tắc khi điều trị bệnh thông liên nhĩ
Theo bác sĩ, điều quan trọng mà bố mẹ hay người thân cần phải hiểu rằng là không phải tất cả các loại thuốc đều an toàn cho mọi bệnh nhân.
Một số biện pháp dự phòng, nguyên tắc khi dùng thuốc điều trị bệnh thông liên nhĩ:
- Thực hiện dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ: Luôn tuân theo hướng dẫn về liều lượng, tần suất và thời gian dùng thuốc. Không bao giờ điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Lưu giữ thông tin về các loại thuốc: Theo dõi tất cả các loại thuốc được kê đơn, bao gồm tên, liều lượng và tần suất.
- Theo dõi các biến chứng và tác dụng phụ: Thông báo bất kỳ triệu chứng bất thường nào của con bạn cho bác sĩ.
- Cẩn thận với các tương tác thuốc: Một số loại thuốc có thể tương tác với nhau, gây ra các tác dụng phụ. Phải thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc không kê đơn và thực phẩm bổ sung, mà con bạn đang dùng thêm.
- Hiểu các rủi ro: Mỗi loại thuốc đều có một số rủi ro. Điều quan trọng là phải hiểu lợi ích và rủi ro của từng loại thuốc được kê đơn cho trẻ. Yêu cầu bác sĩ giải thích các rủi ro và lợi ích của từng loại thuốc.
- Tái khám định kỳ theo lời dặn để các bác sĩ kiểm tra các tác dụng phụ hay tác dụng điều trị của thuốc và điều chỉnh thuốc khi cần.
- Việc quản lý bệnh nhân tim bẩm sinh nói chung hay thông liên nhĩ nói riêng đòi hỏi sự nỗ lực chung giữa người bệnh và các bác sĩ.
5. Những lưu ý khi dùng thuốc phòng, điều trị bệnh thông liên nhĩ
- Hầu hết các thuốc điều trị bệnh thông liên nhĩ cần được các bác sĩ chuyên khoa kê đơn, tùy vào mỗi thể bệnh và mức độ nặng nhẹ của bệnh, mà bác sĩ sẽ cho trẻ sử dụng các loại thuốc khác nhau.
- Những thuốc này nếu dùng không đúng chỉ định, đều có thể có hại cho trẻ.
- Bố mẹ cần lưu ý chỉ được cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự động ngưng thuốc sẽ khiến bệnh nặng hơn, cũng không tự động tăng hoặc giảm liều thuốc vì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
- Trong khi dùng thuốc nếu trẻ xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường, gia đình cần thông báo ngay cho bác sĩ.