Thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp

22-03-2013 15:32 | Thông tin dược học
google news

Bệnh tăng nhãn áp (cườm nước, thiên đầu thống) gây ra do sự tăng áp suất ở mắt. Sự tăng áp suất ở mắt sẽ gâY nên sự tổn thương các dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù.

Bệnh tăng nhãn áp (cườm nước, thiên đầu thống) gây ra do sự tăng áp suất ở mắt. Sự tăng áp suất ở mắt sẽ gâY nên sự tổn thương các dây thần kinh thị giác và có thể dẫn đến mù.

Bình thường ở mắt sẽ có sự cân bằng áp suất giữa dịch mắt tiết ra và dịch mắt thoát đi. Khi quá trình cân bằng này bị xáo trộn: lượng dịch mắt thoát đi không kịp so với dịch mắt tiết ra sẽ gây ra sự tăng áp suất ở mắt.

Thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp 1
Thuốc nhỏ mắt là dạng thuốc chủ yếu trong điều trị tăng nhãn áp

Những nguyên nhân

Bệnh tăng nhãn áp có hai dạng thường gặp: bệnh tăng nhãn áp mãn và bệnh tăng nhãn áp cấp.

Bệnh tăng nhãn áp mãn (còn gọi là tăng nhãn áp góc mở): thường xảy ra ở người trên 40 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Bệnh diễn ra trong một thời gian dài mà thường không gây ra triệu chứng gì. Bệnh nhân đột ngột mắt bị mờ và mất dần thị lực.

Bệnh tăng nhãn áp cấp (còn gọi là tăng nhãn áp góc đóng): thường xảy ra với triệu chứng đau nhức ở đầu và mắt, mắt dần mờ đi và thường thấy những quầng sáng, có thể buồn nôn, ói...

Các nguyên nhân gây ra bệnh tăng nhãn áp:

- Do di truyền.

- Tuổi tác cao càng dễ mắc bệnh.

- Người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm về mắt...

Thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp

Thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp thường ở dạng thuốc nhỏ mắt và thuốc viên.

Thuốc nhỏ mắt: đây là dạng thuốc chủ yếu trong điều trị bệnh tăng nhãn áp, mà thành phần gồm có các nhóm thuốc sau:

Nhóm thuốc chẹn Beta (Beta Blockers): gồm có các hoạt chất như Timolol, Levobunolol, Betaxolol… có tác dụng làm giảm lượng dịch mắt tiết ra.

Cần lưu ý: thuốc nhỏ mắt nhóm này không sử dụng cho phụ nữ có thai. Người bị hen phế quản hoặc có bệnh lý về tim mạch. Các tác dụng phụ thường gặp là hạ huyết áp, nhịp tim chậm, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, trầm cảm...

Nhóm thuốc chủ vận Alpha (Alpha Agonist): gồm có các hoạt chất như: Apraclonidine, Bromonidine… có tác dụng vừa làm giảm lượng dịch mắt tiết ra vừa làm tăng lượng dịch mắt thoát đi.

Các tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, mệt mỏi, buồn ngủ, khô miệng...

Nhóm thuốc ức chế Carbonic Anhydrase: gồm có các hoạt chất như: Brinzolamide, Dozolamide... Nhóm thuốc này làm giảm áp suất ở mắt nhờ tác dụng giảm lượng dịch mắt tiết ra.

Các tác dụng phụ là gây bỏng rát, dị cảm và những khó chịu ở mắt...

Nhóm thuốc gây co đồng tử (Miotic): gồm có các hoạt chất như Pilocarpine, Ephinephrine... do tác dụng gây co đồng tử nên gia tăng dịch mắt thoát đi, làm giảm áp suất ở mắt.

Các tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, mắt mờ, bỏng rát mắt…

Nhóm thuốc tương tự Prostaglandin (Prostaglandin Analogs): gồm có các hoạt chất Latanoprost, Travaprost, Bimatoprost... Nhóm thuốc này có tác dụng làm gia tăng lượng dịch mắt thoát đi.

Các tác dụng phụ thường gặp là thay đổi màu mắt, ngứa mắt, dị cảm và mờ mắt...

Nhóm thuốc kết hợp mà thành phần là sự kết hợp giữa các nhóm thuốc với nhau, như sự kết hợp giữa nhóm thuốc chẹn Beta và nhóm thuốc chủ vận Alpha (Timolol và Brimonidine).

Thuốc viên:

Acetazolamide là một thuốc lợi tiểu có tác dụng ức chế enzyme Carbonic Anhydrase và thường được sử dụng dưới dạng thuốc viên trong điều trị bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp cứu, Acetazolamide còn được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch.

Tác dụng phụ của Acetazolamide là gây buồn ngủ, buồn nôn, đi tiểu nhiều, tê và gây cảm giác kiến bò ở tay và chân, sỏi thận...

DS. MAI XUÂN DŨNG



Ý kiến của bạn