1. Các thuốc điều trị tăng huyết áp thứ phát
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp thứ phát sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý gây ra. Các nhóm thuốc điều trị cũng giống như nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp nói chung. Tùy theo ngưỡng huyết áp, tình trạng bệnh lý đi kèm cũng như đặc điểm của người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn nhóm thuốc và liều lượng phù hợp, bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: có nhiều nhóm thuốc, tuy nhiên nhóm thuốc thường dùng là lợi tiểu Thiazid. Tác dụng phụ có thể gây rối loạn điện giải.
- Thuốc chẹn Beta giao cảm: Bisoprolol, metoprolol... cần dùng liều thấp rồi tăng dần.
- Thuốc chẹn kênh Calci: Có thể gây tác dụng phụ phù chân, nhịp tim nhanh phản ứng.
- Thuốc ức chế men chuyển ACE/ Thuốc ức chế thụ thể Angiotensin. Nhóm ức chế men chuyển tác dụng phụ có thể gây ho khan.
- Tăng huyết áp thai kỳ thuốc ưu tiên lựa chọn là nhóm Methyldopa, kế tiếp là nhóm chẹn kênh Calci như Nifedipin, không dùng nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể.
Đông y không chữa được tăng huyết áp thứ phát và cũng không thể giúp người bệnh giảm lượng thuốc phải sử dụng. Thuốc đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị nhưng không thể thay thế thuốc tây y trong điều trị tăng huyết áp thứ phát.
Việc sử dụng các vị thuốc đông y để hạ huyết áp phù hợp trong trường hợp huyết áp tăng nhẹ. Sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp theo đông y có thể giúp giảm thiểu việc phải sử dụng nhiều loại thuốc từ tây y, nhưng không thể thay thế hoàn toàn.
Khi sử dụng bài thuốc theo thang, cần được thăm khám bởi bác sĩ đông y để xác định nguyên nhân và dùng bài thuốc phù hợp. Tuy nhiên, một số vị thuốc không nên sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, do đó cần chú ý khi lựa chọn.
Ngoài việc sử dụng các vị thuốc, nên kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt để có thể kiểm soát tốt huyết áp. Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục. Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để có thể theo dõi được đáp ứng điều trị với thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải được bác sĩ thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.
2. Tác dụng của thuốc
2.1. Nhóm lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu có tác dụng loại bỏ nước và natri khỏi cơ thể. Nhờ đó, giúp giảm thể tích dịch lên thành động mạch và làm giảm huyết áp. Các loại thuốc lợi tiểu bao gồm hydroclorothiazid, indapamid, furosemid, sprironolacton, amilorid, triamteren. Thuốc lợi tiểu thường được sử dụng với các loại thuốc khác trong điều trị tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu thiazide kết hợp với thuốc lợi tiểu giữ kali có hiệu quả như đơn trị liệu ức chế calci trong quản lý tăng huyết áp. Đồng thời, tỷ lệ hạ kali máu ít hơn so với đơn trị liệu bằng hydrochlorothiazide.
2.2. Nhóm chẹn beta giao cảm
Cơ chế của thuốc chẹn thụ thể beta-adrenergic là ức chế thụ thể beta giao cảm ở tim, mạch ngoại vi, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc được lựa chọn điều trị tăng huyết áp trong các bệnh cảnh: sau nhồi máu cơ tim, suy tim mức độ ổn định, suy chức năng thất trái không có triệu chứng, kiểm soát tần số thất trong rung nhĩ, kiểm soát cơn đau thắt ngực, đau đầu kiểu Migraine và các rối loạn khác. Thuốc có tác dụng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi. Tuy nhiên, thuốc sẽ giảm tác dụng đối với bệnh nhân trên 65 tuổi và có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ và các biến chứng nói chung.
2.3. Nhóm chẹn kênh calci
Thuốc chẹn kênh calci có tác dụng ngăn chặn calci đi vào tế bào của tim và động mạch, cho phép các động mạch thư giãn và mở ra, giúp tim bơm máu đi khắp cơ thể dễ dàng hơn, nhờ đó giúp ổn định huyết áp.
Thuốc chẹn kênh calci cũng được chỉ định cho bệnh nhân đau thắt ngực, nhịp tim nhanh, đau nửa đầu, bệnh nhân cao tuổi… mà không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.
Thuốc chẹn kênh calci có thể có tác dụng ngắn hoặc tác dụng kéo dài. Thuốc chẹn kênh calci tác dụng ngắn không được sử dụng để điều trị huyết áp cao vì có thể tăng nguy cơ tử vong do đau tim.
2.4. Nhóm ức chế men chuyển/ức chế thụ thể
Thuốc ức chế men chuyển: (AECi) được xem là lựa chọn đầu tay trong điều trị bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành… Thuốc có tác dụng giúp các mạch máu giãn ra, giảm kháng lực mạch, và hạ huyết áp. Trong quá trình điều trị tăng huyết áp bằng thuốc ức chế men chuyển, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc đều đặn mỗi ngày.
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II làm giảm huyết áp theo cơ chế tương tự như cơ chế của thuốc ức chế men chuyển angiotensin. Thuốc trực tiếp ngăn chặn hoạt động của angiotensin II, khiến các tiểu động mạch co lại và giúp giảm huyết áp. Các loại thuốc chẹn thụ thể angiotensin thường được kê đơn bao gồm: Candesartan (Atacand), Losartan (Cozaar), Valsartan (Diovan). Do tác động trực tiếp nên thuốc chẹn thụ thể angiotensin có thể ít gây tác dụng phụ hơn so với thuốc ức chế men chuyển angiotensin.
2.5. Thuốc hạ áp Methyl dopa
Thuốc hạ áp Methyl dopa là nhóm thuốc được lựa chọn đầu tiên cho điều trị tăng huyết áp ở phụ nữ có thai do các bằng chứng về sự dung nạp và an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Alpha methyldopa hạ huyết áp tác dụng lên thần kinh trung ương thông qua cơ chế giảm sức cản ngoại vi trong khi không ảnh hướng đến cung lượng tim và không giảm tưới máu tử cung. Alpha methyldopa có hiệu quả sau uống 60-90 phút , tác dụng có thể kéo dài đến 10-12h. Methyldopa qua rau thai với số lượng rất ít.
3. Tác dụng phụ
- Nhóm lợi tiểu: Rối loạn điện giải, đi tiểu thường xuyên, bệnh gút, chuột rút...
- Nhóm chẹn beta giao cảm: nhịp tim chậm, mệt mỏi, chóng mặt, khởi phát cơn hen (suyễn), rối loạn cương dương...
- Nhóm chẹn kênh Calci: Phù chân, táo bón, đau đầu, nhịp tim nhanh phản ứng...
- Nhóm ức chế men chuyển/ức chế thụ thể: tăng kali, suy giảm chức năng thận. Riêng nhóm ức chế men chuyển có thêm tác dụng phụ gây ho khan.
- Thuốc hạ áp Methyl dopa: tác dụng phụ trầm cảm, mệt mỏi, khô miệng , một số tác dụng phụ hiếm gặp như thiếu máu tan máu và viêm gan.
4. Chống chỉ định
- Thuốc lợi tiểu: chống chỉ định trong các trường hợp quá mẫn với các thành phần của thuốc, rối loạn điện giải nặng, hạ huyết áp hoặc thiếu dịch. Nhóm lợi tiểu giữ kali không dùng trong các trường hợp suy thận mạn có kèm theo tăng kali máu.
- Thuốc chẹn beta giao cảm: chống chỉ định trong các trường hợp nhịp tim chậm, block nhĩ thất độ cao, suy tim cấp, sốc tim, cơn hen phế quản hoặc co thắt phế quản nặng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mức độ nặng, biểu hiện giảm tưới máu chi.
- Thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể: chống chỉ định trong các trường hợp: hẹp động mạch thận hai bên, hẹp khít van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại có hẹp đường ra thất trái, phụ nữ có thai và cho con bú, tăng kali máu. Thận trọng với các trường hợp suy thận, không dùng khi creatinin máu >220umol/l.
- Thuốc chẹn kênh Calci: Thuốc chẹn kênh Calci nhóm DHP dùng để điều trị tăng huyết áp chống chỉ định với các trường hợp hẹp van động mạch chủ nặng, bệnh cơ tim phì đại có hẹp đường ra thất trái, suy tim nặng, đau ngực không ổn định đe dọa nhồi máu cơ tim.
- Thuốc Methyl dopa: Bệnh nhân mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Bệnh gan đang hoạt động như viêm gan cấp và xơ gan đang tiến triển. Rối loạn chức năng gan liên quan đến điều trị bằng methyldopa trước đây.
5. Những lưu ý khi dùng
5.1. Thuốc lợi tiểu
Hạ Natri máu: thường không có triệu chứng, bệnh nhân nên theo dõi Natri khi điều trị bằng thuốc lợi tiểu. Lợi tiểu thiazid thường liên quan đến hạ Natri nhiều hơn lợi tiểu quai nhưng cả hai đều có khả năng gây ra hạ Natri máu. Các yếu tố nguy cơ gây hạ Natri máu bao gồm: tuổi cao, giới tính nữ, sử dụng các thuốc chống trầm cảm.
Hạ Kali máu: Là biến chứng thường gặp khi điều trị thuốc lợi tiểu. Mức độ hạ liên quan đến liều dùng. Sử dụng kết hợp thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể có thể làm giảm tình trạng hạ Kali máu.
5.2. Thuốc chẹn Beta giao cảm
Cần theo dõi nhịp tim khi sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm.
Thuốc chẹn beta-adrenergic có thể gây ra tác dụng phụ là rối loạn cương dương. Vì vậy, cần theo dõi và báo với bác sĩ nếu có dấu hiệu nghi ngờ rối loạn cương dương khi sử dụng thuốc.
Cần thận trọng theo dõi các biểu hiện hạ đường huyết vì thuốc chẹn beta-adrenergic có thể che dấu các dấu hiệu này.
Không nên sử dụng thuốc nếu bệnh nhân bị trầm cảm nặng.
Người bệnh thường dễ nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời và điều kiện thời tiết lạnh khi sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm.
Không nên ngưng sử dụng thuốc chẹn beta đột ngột mà phải giảm liều từ từ theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tăng huyết áp hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn nhịp tim.
Bệnh nhân hen (suyễn) không nên dùng thuốc chẹn beta vì chúng có thể co thắt phế quản.
5.3. Thuốc chẹn kênh Calci
Sử dụng thuốc theo đúng liều lượng, số lần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Hầu hết các thuốc chẹn kênh calci có thể dùng với thức ăn hoặc sữa, tuy nhiên hãy đọc thông tin trên nhãn sản phẩm và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện. Tránh uống nước bưởi trong thời gian điều trị bằng thuốc chẹn kênh calci, vì bưởi ngăn cản sự phân hủy và loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể. Điều này có thể làm tăng độc tính hoặc giảm hiệu quả điều trị.
5.4. Thuốc ức chế men chuyển /ức chế thụ thể
Ngừng thuốc khi có tình trạng giảm neutrophil < 1000/mm3, suy thận cấp hoặc độ lọc cầu thận giảm > 30%, tăng kali máu (K > 5,5 mmol/l), phù mạch. Không uống thuốc ức chế men chuyển cùng với thuốc sacubitril/valsartan. Không dùng thuốc ức chế men chuyển phối hợp với aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường.
5.5. Thuốc hạ áp Methyl dopa
Tăng huyết áp thai kỳ thuốc ưu tiên lựa chọn là nhóm Methyldopa, kế tiếp là nhóm chẹn kênh Calci như Nifedipin, không dùng nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể.