Hà Nội

Thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp

15-03-2024 16:05 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Quyết định bắt đầu dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp sẽ dựa trên con số huyết áp cụ thể, tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh cá nhân của người bệnh… Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định và kết hợp chặt chẽ với bác sĩ để quản lý huyết áp tối ưu.

Bác sĩ có thể cho dùng một loại hoặc kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc để hạ huyết áp xuống mức an toàn.

1. Các thuốc điều trị tăng huyết áp

Dưới đây là 4 nhóm thuốc chủ yếu dùng trị tăng huyết áp:

1.1 Thuốc lợi tiểu thiazide

Thuốc lợi tiểu thường được sử dụng một mình hoặc phối hợp với các loại thuốc hạ huyết áp khác để tăng hiệu quả trị bệnh.

- Tác dụng của thuốc lợi tiểu

Ở người bệnh tăng huyết áp, lượng muối và nước dư thừa trong cơ thể khiến thành động mạch chịu thêm nhiều áp lực. Thuốc lợi tiểu sẽ tác động đến thận nhằm tăng lượng muối và nước thải ra khỏi cơ thể qua đường tiểu. 

Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng giúp thành động mạch co giãn nhiều hơn, máu lưu thông một cách dễ dàng hơn... nên giúp giảm huyết áp.

Một số thuốc lợi tiểu như:

  • Thuốc lợi tiểu nhóm thiazide: Hydrochlorothiazide, chlorothiazide, indapamide...
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali: Spironolactone, amiloride…
  • Thuốc lợi tiểu quai: Furosemid…

- Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu

  • Đi tiểu thường xuyên, mất nước điện giải (mệt mỏi, chuột rút, hạ huyết áp), mất kali…
  • Gây tăng kali máu đối với nhóm thuốc giữ kali…

- Chống chỉ định

+ Không dùng cho bệnh nhân bí tiểu, người mẫn cảm với các thành phần có trong thuốc, người bị dị ứng với các thuốc sulfonamid…

+ Phụ nữ mang thai: Thiazide qua được nhau thai, gây quái thai hoặc gây dị tật sơ sinh (giảm tiểu cầu, vàng da), do đó không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai.

+ Phụ nữ cho con bú: Thiazide được tiết qua sữa mẹ, tuy nhiên chưa xác định được chúng có hại hay không, mặc dù khi sử dụng liều cao có thể gây tắc sữa.

Thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp- Ảnh 1.

Người bệnh tăng huyết áp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

1.2 Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

- Tác dụng của thuốc ức chế men chuyển angiotensin 

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoạt động bằng cách kết hợp với men chuyển angiotensin I, làm giảm tốc độ chuyển đổi thành angiotensin II, một chất gây co mạch mạnh. Thông qua việc giảm angiotensin II, thuốc ức chế men chuyển có khả năng mở rộng mạch máu, giảm áp lực ngoại vi và hạ huyết áp.

Các thuốc này cũng thường được sử dụng để bảo vệ thận ở những người mắc bệnh thận và đái tháo đường, đồng thời cũng được sử dụng ở những người bị suy tim.

Các thuốc thường dùng: Captopril, enalapril, lisinopril, ramipril, benazepril, fosinopril…

- Tác dụng phụ của thuốc

  • Ho khan: Đây là một tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng loại thuốc này. Ho có thể kéo dài và khó chịu, khiến người bệnh phải chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác.
  • Phù mạch: Trong trường hợp này, cần ngừng thuốc ngay lập tức và can thiệp kịp thời.
  • Các tác dụng phụ khác: Tăng kali máu, hạ huyết áp đột ngột, đau đầu, mất vị giác, phát ban dát sần, giảm bạch cầu, chóng mặt, mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn...

- Chống chỉ định

  • Không dùng cho người mẫn cảm với thuốc
  • Người mang thai (nguy cơ tổn thương và tử vong cho thai nhi)
  • Bệnh nhân suy thận...
  • Bệnh nhân đau thắt ngực kèm suy tim vì ACE có thể làm tăng cơn đau...

1.3 Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB)

- Tác dụng của thuốc chẹn thụ thể angiotensin II 

ARB giúp giảm huyết áp bằng cách ức chế một loại hormon (angiotensin II) sản sinh từ trong thận. Angiotensin II làm tăng huyết áp bằng cách co động mạch và gây ra sự tiết một loại hormone khác có khả năng lưu muối, dẫn đến huyết áp tăng hơn nữa. Những thuốc này còn ngăn ngừa hormone angiotensin II gắn vào các thụ thể trong các mạch máu. Khi mạch máu được thư giãn, huyết áp sẽ giảm xuống. Tim sẽ bơm máu đến các cơ quan đích dễ dàng hơn.

Các thuốc thường dùng: Candesartan, losartan, valsartan…

- Tác dụng phụ của thuốc

  • Ho
  • Hạ huyết áp
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt
  • Yếu cơ, đau lưng

Các tác dụng phụ có thể xảy ra trong những ngày đầu sau khi sử dụng và có thể hết khi cơ thể làm quen với thuốc.

- Chống chỉ định

  • Không dùng cho người mẫn cảm với thuốc
  • Người mang thai (nguy cơ tổn thương và tử vong cho thai nhi)
  • Bệnh nhân suy thận
  • Bệnh nhân đau thắt ngực kèm suy tim hoặc tăng huyết áp...

1.4 Thuốc chẹn kênh canxi

- Tác dụng của thuốc chẹn kênh canxi

Thuốc chẹn kênh canxi ngăn canxi xâm nhập vào các tế bào cơ có trong mạch máu, gây giãn mạch và hạ huyết áp.

Các thuốc thường dùng: Amlodipin, diltiazem, felodipine, nifedipine…

- Tác dụng phụ

  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn
  • Dị ứng, phù ngoại biên
  • Táo bón
  • Chậm nhịp tim
  • Mệt mỏi…

- Chống chỉ định

+ Những bệnh nhân quá mẫn cảm với thuốc hoặc các thành phần của thuốc.

+ Các chống chỉ định khác bao gồm hội chứng suy nút xoang (trừ ở bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo), hạ huyết áp nặng, nhồi máu cơ tim cấp và sung huyết phổi.

+ Phù ngoại biên có thể xảy ra trong vòng 2 đến 3 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chẹn kênh canxi. Sử dụng thận trọng ở người suy thận và gan. Cân nhắc bắt đầu điều trị với liều thấp hơn.

1.5. Các thuốc khác

Ngoài ra còn một số nhóm thuốc khác cũng có thể làm giảm huyết áp và có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc liệt kê ở trên:

  • Thuốc chẹn alpha: Doxazosin
  • Thuốc chẹn beta: Metoprolol, atenolol…
  • Thuốc đối kháng Aldosterone: Aldactone, eplerenone, spironolactone…
  • Thuốc ức chế renin: Aliskiren
  • Thuốc tác dụng trung ương: Clonidine…

2. Lưu ý khi dùng thuốc trị tăng huyết áp

Thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp- Ảnh 2.

Không nên dùng nước hoa quả để uống thuốc trị tăng huyết áp.

- Tuân thủ đúng liều lượng và cách sử dụng thuốc: Khi được kê đơn thuốc điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng và cách sử dụng thuốc như được hướng dẫn bởi bác sĩ điều trị hoặc trong hướng dẫn sử dụng thuốc. Không tự tăng hoặc giảm liều thuốc. Vì giảm liều sẽ không đạt hiệu quả điều trị, còn tăng liều sẽ không làm tăng tác dụng chống tăng huyết áp mà có nguy cơ tăng tác dụng có hại của thuốc.

Nên uống thuốc vào một giờ cố định trong ngày. Điều này giúp đảm bảo thuốc hoạt động tốt nhất và giảm nguy cơ tác dụng phụ.

- Lưu ý tương tác thuốc: Thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây tương tác bất lợi với các thuốc khác và ngược lại. Do đó, khi đi khám, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, thậm chí ngay cả vitamin, thảo dược… để bác sĩ cân nhắc khi kê đơn tránh các tương tác thuốc bất lợi.

- Theo dõi tác dụng phụ của thuốc (nếu xảy ra), tình trạng sức khỏe và hiệu quả của thuốc: Để đảm bảo hiệu quả của thuốc cần định kỳ theo dõi tình trạng sức khỏe và huyết áp. Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ nào nếu gặp phải. Không tự ý ngừng thuốc đột ngột.

Dùng thuốc không đúng liều lượng, sai thời điểm hoặc ngừng thuốc điều trị huyết áp cao đột ngột có thể hết sức nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.

- Tránh uống rượu và chất kích thích: Uống rượu và sử dụng chất kích thích như thuốc lá, cocaine, ma túy có thể làm tăng huyết áp và giảm tác dụng của thuốc trị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trịTăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền và cách điều trị

SKĐS - Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tối đa ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg. Huyết áp thông thường của mỗi người ở mức 120/80 mmHg.

Mời độc giả xem thêm video:

Làm gì để giảm huyết áp?


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn