Thuốc điều trị bệnh suy tuyến yên

28-11-2024 15:20 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị cụ thể. Bệnh nhân thường được điều trị nguyên nhân kết hợp với liệu pháp thay thế hormone để bù lượng hormone tuyến yên thiếu hụt trong cơ thể.

1. Các thuốc điều trị bệnh suy tuyến yên

Các thuốc điều trị suy tuyến yên chính là nói đến liệu pháp hormone thay thế trong trường hợp có suy tuyến đích.

Các hormone dùng để điều trị suy tuyến yên trong trường hợp có suy tuyến đích:

  • Điều trị suy thượng thận với Hydrocortisone hoặc Prednisolon.
  • Điều trị suy giáp với hormone giáp.
  • Điều trị suy sinh dục do suy tuyến yên với các hormone Estrogen (đối với nữ) hay Testosteron (đối với nam).

Suy tuyến yên trong y học cổ truyền thường được hiểu là suy yếu hoặc rối loạn chức năng của tuyến yên, có thể dẫn đến nhiều triệu chứng mệt mỏi, giảm năng lượng, rối loạn kinh nguyệt và tăng cân.

Theo y học cổ truyền, điều này thường liên quan đến sự mất cân bằng của các yếu tố như âm dương, khí huyết. Các triệu chứng có thể được xem là do thận hư, tỳ vị yếu hoặc huyết hư tùy thuộc vào biểu hiện của bệnh ở mỗi người.

Điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền thường căn cứ trên thể bệnh từng người bệnh mà kê đơn thuốc, chủ yếu là bù đắp sự mất cân bằng của các yếu tố: âm dương, khí như: bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng của các tạng phủ liên quan và điều chỉnh lối sống.

Các phương pháp như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và sử dụng thuốc đông y cũng thường được áp dụng. Các bài thuốc của đông y chỉ hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh.

2. Tác dụng của thuốc điều trị suy tuyến yên

2.1 Hormone điều trị suy thượng thận: Hydrocortison

Suy tuyến yên gây giảm tiết ACTH, làm suy thượng thận. Nhóm thuốc thay thế hormone tuyến thượng thận cortisol là hydrocortisone hoặc glucocorticoid khác giúp cải thiện triệu chứng của suy thượng thận. Thuốc và liều lượng thay đổi tùy mức độ nặng nhẹ, đáp ứng lâm sàng, tình trạng stress nếu có. Liều không đủ sẽ làm triệu chứng thiếu hụt cortisol (mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói…) kéo dài hoặc bệnh tái phát. Dùng liều thấp nhất mà người bệnh không có triệu chứng của suy thượng thận mà vẫn duy trì cảm giác ngon miệng, huyết áp, điện giải ổn định.

Thuốc điều trị bệnh suy tuyến yên- Ảnh 1.

Các hormone tuyến yên tiết ra và vai trò đối với cơ thể người.

2.2 Hormone điều trị suy giáp: Levothyroxin

Levothyroxine được sử dụng để thay thế hormone tuyến giáp, trong trường hợp người bệnh suy tuyến yên giảm tiết hormone TSH gây suy giáp. Thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai. Mục tiêu điều trị là nồng độ FT4 huyết thanh về đạt mức bình thường cao và hết các triệu chứng lâm sàng của suy giáp.

2.3 Hormone điều trị suy sinh dục do suy tuyến yên

Bao gồm testosterone ở nam và estrogen ở nữ và progesterone (hormone an thai).

Testosterone được cung cấp dưới dạng tiêm, thuốc viên, miếng dán hoặc gel. Điều chỉnh thuốc để đưa nồng độ Testosterone về bình thường.

Estrogen thường được cung cấp dưới dạng thuốc viên, gel hoặc miếng dán. Phối hợp với Progesteron nếu bệnh nhân không bị cắt tử cung. Ngừng thuốc khi bệnh nhân tới tuổi mãn kinh.

3. Tác dụng phụ của thuốc

3.1 Tác dụng phụ khi dùng Hydrocortison

  • Phù, tăng huyết.
  • Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
  • Loãng xương, teo cơ.
  • Xuất hiện hội chứng giả Cushing ở các mức độ khác nhau, chậm lớn ở trẻ em, không đáp ứng thứ phát của vỏ thượng thận và tuyến yên, đặc biệt trong thời gian stress.
  • Tăng cân.
  • Loét dạ dày tá tràng, ruột non, chảy máu vết loét.
  • Gây hưng phấn quá độ, lú lẫn, trầm cảm khi ngừng thuốc.
  • Tình trạng viêm da tiếp xúc, teo da, gây chậm lành sẹo (rất hiếm gặp).

3.2 Tác dụng phụ khi dùng Levothyroxin

  • Thường xuyên gặp: Giảm cân, lo lắng, dễ bị kích thích, tiêu chảy, bụng cứng, đổ mồ hôi, tim đập nhanh, nhịp tim không đều, đau ngực, run rẩy, đau đầu, mất ngủ, không chịu nổi nhiệt, sốt.
  • Không thường gặp: Tóc rụng.
  • Hiếm khi gặp: Dị ứng, tăng chuyển hóa, suy tim, loãng xương, gây liền sớm đường khớp sọ ở trẻ em, u giả ở não trẻ em.
Thuốc điều trị bệnh suy tuyến yên- Ảnh 2.

Cùng với thuốc điều trị, thực phẩm tốt cho tuyến yên giàu protein.

3.3 Tác dụng phụ khi dùng các hormone sinh dục Testosteron và Estrogen

Mặc dù liệu pháp testosterone rất hiệu quả trong việc kiểm soát chứng suy sinh dục nhưng vẫn có một số tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm: Các vấn đề về da (mụn trứng cá), giảm số lượng tinh trùng, vô sinh, bệnh đa hồng cầu (cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu), rối loạn tuyến tiền liệt… Bên cạnh đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về tác hại đối với tim mạch của testosterone. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng một số bằng chứng cho thấy liều lượng cao làm tăng nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim , đột quỵ, thay đổi tâm trạng, trầm cảm,...

Liệu pháp estrogen có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung. Nguy cơ này sẽ giảm đi khi dùng cùng với progesteron. Progesteron là một hormone thiết yếu, chuẩn bị cho tử cung sẵn sàng mang thai, đồng thời ảnh hưởng đến huyết áp, tâm trạng và chất lượng giấc ngủ. Progesterone và các loại thuốc hoạt động tương tự được gọi chung là progestin có sẵn ở nhiều dạng: Viên nén, miếng dán, kem bôi âm đạo hoặc thuốc đạn hoặc dưới dạng dụng cụ tử cung. Sự hiện diện của progestin làm giảm nguy cơ ung thư tử cung so với chỉ dùng estrogen (trừ khi đã cắt bỏ tử cung).

Mặc dù hiệu quả, những liệu pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ, bao gồm kinh nguyệt không đều, đầy hơi, đau ngực, nhức đầu, thay đổi tâm trạng và buồn nôn…

4. Chống chỉ định

4.1 Chống chỉ định khi dùng Hydrocortison

  • Người dị ứng với Hydrocortison.
  • Đối tượng nhiễm khuẩn nặng (ngoại trừ sốc nhiễm khuẩn hoặc lao màng não), nhiễm virus, nhiễm nấm.
  • Không dùng cho đối tượng đang dùng vaccine sống giảm độc lực.

4.2 Chống chỉ định khi dùng Levothyroxin

  • Dị ứng với levothyroxin hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
  • Đối tượng là bệnh nhân bị suy thượng thận không hồi phục.
  • Có tuyến giáp hoạt động quá mức tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp (nhiễm độc giáp), nhân tuyến giáp lớn, bướu cổ lâu năm và có mức TSH bình thường thấp.
  • Bệnh nhân bị suy tim mất bù, suy mạch vành, loạn nhịp mất kiểm soát.
  • Không sử dụng levothyroxin cho những bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp nhưng vẫn có mức TSH (thyrotropin) máu bình thường.

4.3 Chống chỉ định khi dùng Testosteron/Estrogen

Testosterone chống chỉ định trong các trường hợp sau: Phụ nữ đang mang thai hay đang cho con bú. Nam giới bị ung thư biểu mô (carcinoma) vú hay ung thư tuyến tiền liệt. Trẻ em dưới 15 tuổi. Nam giới mắc một số rối loạn tâm thần, đặc biệt là hung hãn. Tình trạng hạ calci huyết. Mẫn cảm với thuốc hoặc với các thành phần khác của thuốc. Tiền sử hoặc hiện tại có khối u ở gan.

Estrogen không được sử dụng trong các trường hợp những người trong gia đình có bà, mẹ, chị em bị ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Những người ra huyết âm đạo nhưng chưa rõ nguyên nhân, có khối u ở tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, mắc các bệnh về gan mật, đang mang thai, có các khối u lành và ác tính ở vú, lạc nội mạc tử cung, người mắc bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, tiểu đường, bệnh Lupus ban đỏ... Người mắc bệnh tăng huyết áp.

Thuốc điều trị bệnh suy tuyến yên- Ảnh 3.

Bệnh nhân suy tuyến yên thường điều trị bằng liệu pháp hormone.

5. Lưu ý khi dùng thuốc

5.1 Lưu ý khi dùng Hydrocortison

Thận trọng khi dùng thuốc Hydrocortisone trên những đối tượng:

  • Loét đường tiêu hóa, mới nối ruột, tăng huyết áp, mắc các bệnh về tim, mắc bệnh tuyến giáp, suy gan, suy thận, đái tháo đường, lao, đục thủy tinh thể, nhược cơ, người có nguy cơ loãng xương, động kinh.
  • Dùng liều cao, kéo dài hoặc dùng cho trẻ: Quan tâm đến nguy cơ ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận.
  • Nếu dùng thuốc ngoài da: Tránh tiếp xúc với kết mạc mắt hoặc dùng trên vết thương hở, không nên băng kín.
  • Trẻ < 12 tuổi: Dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Trường hợp dùng trong thời gian dài: Lưu ý nguy cơ tăng áp lực nội nhãn và giảm thị lực.

5.2 Lưu ý khi dùng Levothyroxin

Levothyroxin an toàn cho phụ nữ có thai, phụ nữ có thai bị suy giáp điều trị bằng Levothyroxin phải làm xét nghiệm FT4 và TSH cách 6-8 tuần trong suốt thời gian mang thai để theo dõi tình hình sức khỏe và chỉnh liều thuốc vì nhu cầu hormone tuyến tăng lên trong suốt thai kỳ

Levothyroxin an toàn cho phụ nữ cho con bú do lượng thuốc tiết vào sữa mẹ rất ít. Phụ nữ cho con bú được điều trị Levothyroxin không nên tự ý ngưng thuốc hay giảm liều để duy trì nồng độ hormone giúp duy trì nguồn sữa mẹ.

Thận trọng khi sử dụng đối với người bệnh cao tuổi.

Không cần chỉnh liều đối với những người bệnh có suy thận.

5.3 Lưu ý khi dùng Testosteron/Estrogen

Liệu pháp hormone thay thế là con dao hai lưỡi, có những tác dụng lớn nhưng cũng có nhiều tác hại. Nếu dùng không đúng chỉ định và điều trị kéo dài, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm. Do vậy lưu ý khi điều trị cần dùng đúng liều chỉ định, không được tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc mà không có quyết định của bác sĩ điều trị. Thông báo với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe đang có như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy thận hoặc suy gan, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến hoặc ung thư vú.

Suy tuyến yên: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịSuy tuyến yên: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS - Bệnh suy tuyến yên xuất hiện khi cơ quan này có trạng thái hoạt động yếu đi, làm cho hormone sản xuất không đủ cho nhu cầu thực tế của cơ thể. Đây được xem là một bệnh lý khá ít gặp.


BS CKI Lê Thị Mai Phương
Khoa Quốc tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Ý kiến của bạn