1. Các thuốc điều trị suy tĩnh mạch chân
Hiện nay, các thuốc đặc hiệu điều trị suy tĩnh mạch có rất ít và hiệu quả không cao (nghĩa là thuốc không chữa dứt điểm được bệnh).
Việc dùng thuốc chủ yếu là các thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch để giúp lưu thông dòng máu tốt hơn. Để duy trì tối đa hiệu quả của thuốc, điều trị phải chia làm nhiều đợt, lâu dài. Bệnh nhân cần kiên trì uống thuốc tối thiểu là 6 tháng.
Bệnh nhân suy van tĩnh mạch mạn tính có thể được chỉ định thuốc trợ tĩnh mạch nhằm cải thiện triệu chứng, giảm viêm, giảm phù nề.
Thuốc thường được dùng là daflon. Nếu bệnh nhân bị loét tĩnh mạch lớn, kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định flavonoid hoặc pentoxifilline phối hợp với điều trị áp lực. Các thuốc diosmin hoặc hesperidin có thể dùng điều trị tình trạng chuột rút và phù…
Tùy theo từng trường hợp và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể kê thêm một số các loại thuốc: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống đông…
2. Tác dụng của thuốc điều trị bệnh suy tĩnh mạch chân
Thuốc tác dụng tĩnh mạch (TM) có hiệu quả điều trị phù và các triệu chứng cơ năng khác của bệnh lý STM chi dưới. Thường là phân đoạn Flavonoid vi tinh khiết hoặc MPFF. Nghiên cứu chỉ ra rằng những loại thuốc này có thể làm giảm triệu chứng và sưng tấy do suy giãn TM.
2.2 Cơ chế tác dụng chung
Hiệu quả chống phù nề: Giảm tính thấm của mao mạch, cải thiện tuần hoàn bạch huyết, giảm phù theo tư thế. Tăng cường trương lực. Giảm vòng xoắn bệnh lý của quá trình viêm: Hạn chế bạch cầu bám dính vào thành TM và van TM, hạn chế giải phóng các yếu tố viêm, các phân tử bám dính bạch cầu và tổng hợp prostaglandin. Daflon là hỗn hợp flavonoid phân đoạn, bao gồm hai thành phần là diosmin và hesperidin. Thời gian sử dụng theo khuyến nghị từ 3-6 tháng.
Thuốc trợ tĩnh mạch chỉ điều trị một số triệu chứng, dấu hiệu của chứng giãn tĩnh mạch mà không điều trị được tình trạng trào ngược trong tĩnh mạch. Do đó, phương pháp này chỉ giúp giảm triệu chứng tạm thời khi sử dụng mà không có bất kỳ vai trò chữa bệnh nào và được sử dụng khi bệnh nhân không thể can thiệp và mong muốn trì hoãn can thiệp.
2.3 Thuốc chống huyết khối như warfarin, rivaroxaban…
Tác dụng: Thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ ứ máu, làm mềm và phân tán ứ đọng có tác dụng điều trị tốt trên tổn thương da.
2.4 Thuốc chống viêm và giảm đau
Tác dụng: Đau và khó chịu do giãn tĩnh mạch có thể được kiểm soát bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, meloxicam, naproxen... hoặc thuốc giảm đau như: paracetamol, aspirin. Thuốc aspirin có thể giúp giảm đau và sưng do sưng chân và giảm hình thành cục máu đông do máu tích tụ trong tĩnh mạch.
2.5. Điều trị suy tĩnh mạch chân bằng Đông y
Điều trị suy tĩnh mạch chân bằng phương pháp Đông y hiện nay rất phổ biến, với hai phương pháp là dùng thuốc và không dùng thuốc.
2.5.1 Đối với phương pháp không dùng thuốc
Thường áp dụng cho người mới phát hiện bệnh hoặc bị nhẹ với thay đổi thói quen sinh hoạt, không để tăng cân, thường xuyên tập luyện khí công, xoa bóp, bấm huyệt cho chân...
2.5.2 Đối với biện pháp dùng thuốc
Để điều trị giãn tĩnh mạch chân, người bệnh sẽ được các thầy thuốc tư vấn, đưa ra những lời khuyên dựa trên triệu chứng, để có thể sử dụng những liều thuốc, bài thuốc phù hợp với từng người.
Các loại thuốc thường dùng trong điều trị suy tĩnh mạch chân bằng Đông y thường là các vị thuốc thảo dược có tác dụng bổ khí huyết (như huyền sâm, hoàng kỳ...); tiếp đến là các vị thuốc hoạt huyết (như hồng hoa phòng chống đông máu, đan sâm, đương quy...); nhóm vị thuốc hành khí, thông mạch (như xuyên khung, vẩy tê tê dùng cho bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch, ứ trệ mạch máu); nhóm vị thuốc cho bệnh nhân đã bắt đầu bị phù và củng cố thành mạch máu (như xích thược, hạ khô thảo, hoa hòe...).
Bên cạnh đó cũng có những loại thuốc đã được chế sẵn dựa trên biểu hiện và mức độ bệnh chung của nhiều bệnh nhân để người dùng có thể dễ dàng tìm hiểu và sử dụng.
Bài thuốc 'Đào hồng tứ vật thang' hỗ trợ điều trị suy tĩnh chân
- Tác dụng: Ích khí, bổ huyết, dưỡng hoạt huyết, phá ứ, tán kết, tán thũng; chủ trị suy tĩnh mạch chân, viêm tắc tĩnh mạch chi.
- Thành phần: Sinh địa 16g, thục địa 12g, đương quy 24g, xích thược 24g, xuyên khung 16g, đào nhân 16g, hồng hoa 16g, đan sâm 24g, hoàng kỳ 16g, hòe hoa 24g, hạt dẻ 32g, hạt mít 32g, rễ - quả nhàu 32g, hạ khô thảo (cải trời) 32g.
- Cách dùng: Cho 1,5 lít nước sạch vào thang thuốc. Đun đến sôi sau đó đun nhỏ lửa cho sôi lăn tăn trong 45-60 phút, còn khoảng 0,5 lít thuốc. Chia uống 3 lần trong ngày, sau khi ăn 30 phút.
Uống thuốc khi còn ấm. Nếu nguội hâm lại hoặc cho thêm chút nước sôi vào uống ấm và uống liên tục trong 30 ngày. Hoặc tán mịn, hoàn viên, uống liên tục trong 3 tháng.
3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị suy tĩnh mạch chân
Tác dụng phụ của thuốc trợ tĩnh mạch: Trong quá trình sử dụng, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy…), rối loạn nhịp tim (tim đạp nhanh, chóng mặt…), viêm da, ngứa ngáy…
Tác dụng phụ của thuốc chống huyết khối: Trong quá trình dùng thuốc, nếu thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu sau đây, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị: Bầm tím dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, phân có màu nâu đen, rong kinh, rong huyết, đau bụng kèm nôn…
Tác dụng phụ của Thuốc chống viêm và giảm đau: Sử dụng thuốc có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ trên đường tiêu hóa (như loét hoặc thủng dạ dày tá tràng, chảy máu đường tiêu hóa), hại gan (đối với paracetamol).
4. Chống chỉ định thuốc điều trị suy tĩnh mạch chân
Người bệnh không sử dụng thuốc trợ tĩnh mạch khi quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Bệnh nhân suy thận nặng, suy gan nặng, tình trạng xuất huyết đang tiến triển (xuất huyết do loét dạ dày tá tràng), dị ứng với các thành phần của thuốc chống huyết khối.
Người bệnh có tiền sử dị ứng nặng hoặc phản ứng quá mẫn cảm với thành phần của thuốc, người suy gan, suy thận... không sử dụng thuốc chống viêm và giảm đau.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc
Trong điều trị nội khoa, tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể dùng một số thuốc hỗ trợ quá trình điều trị như: Thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc chống huyết khối…
Việc kết hợp giữa thuốc chống huyết khối và thuốc chống viêm được sử dụng khi xảy ra các biến chứng như viêm tĩnh mạch huyết khối và loét ở chứng giãn tĩnh mạch.
Hiểu rõ về thuốc: Đảm bảo bạn hiểu rõ về thuốc mình đang sử dụng, bao gồm cách sử dụng, tác dụng phụ có thể xảy ra.
Thực hiện tái khám định kỳ theo lịch hẹn: Tái khám để đánh giá an toàn và hiệu quả điều trị.
Bảo quản thuốc đúng cách: Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, và tránh ánh nắng trực tiếp. Đảm bảo rằng thuốc được lưu trữ ở ngoài tầm với của trẻ em.
6. Tai biến y khoa liên quan đến thuốc điều trị suy tĩnh mạch chân
Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần theo dõi, phát hiện các bất thường xảy ra như:
- Rối loạn dạ dày với (các triệu chứng thường gặp như tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn, có thể viêm đại tràng);
- Rối loạn hệ thần kinh (chóng mặt đau đầu, khó chịu);
- Rối loạn về da và mô dưới da (phát ban, ngứa, sẩn ngứa, có thể gây phù Quincke. Đây là tình trạng sưng đột ngột vùng mặt, môi, miệng, lưỡi hoặc họng gây khó thở).
Để tránh kích ứng đường tiêu hóa có thể uống thuốc trong bữa ăn. Ngoài ra, nếu người bệnh đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác cần cho bác sĩ biết để bác sĩ có lời khuyên thích hợp tránh sự tương tác bất lợi do thuốc gây ra. Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu kỹ thêm về thuốc và những lưu ý cần thiết khi sử dụng.
Không tự ý sử dụng, ngừng sử dụng hoặc thay đổi liều lượng mà không có sự hướng dẫn từ chuyên gia y tế.