Thuốc điều trị bệnh suy tim cấp

26-08-2024 11:06 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh nhân suy tim cấp hầu hết cùng mắc một số bệnh khác và thường phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Do vậy người bệnh cần có những hiểu biết nhất định để tránh những sai lầm đáng tiếc khi sử dụng thuốc.

1. Thuốc điều trị bệnh suy tim cấp phổ biến

Hầu hết bệnh nhân suy tim cấp tính đều có biểu hiện của triệu chứng suy tim mạn tính nặng hơn. Ngay sau khi giai đoạn cấp tính ổn định, có nhiều loại thuốc có thể được kê đơn. Đã có nhiều tiến bộ trong y học về việc sản xuất các thuốc cho thấy hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong cho các bệnh nhân suy tim.

Về tổng thể, thuốc điều trị bệnh suy tim cấp gồm các loại:

  • Thuốc ức chế men chuyển.
  • Thuốc chẹn beta.
  • Thuốc ức chế chất đồng vận chuyển natri-glucose 2.
  • Thuốc đối kháng Aldosterone.
  • Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin.
  • 2. Tác dụng của thuốc điều trị bệnh suy tim cấp

    Các thuốc điều trị bệnh suy tim cấp có những tác dụng cụ thể như sau:

    • Thuốc ức chế men chuyển: Gây giãn mạch máu, làm giảm cả tiền tải và hậu tải, giảm gánh nặng cho tim, thuốc giúp cải thiện tiên lượng và giảm triệu chứng ở bệnh nhân suy tim mạn.
    • Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta giao cảm được sử dụng rộng rãi trong điều trị suy tim, giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Thuốc có tác dụng hạn chế sự kích thích thái quá của hệ thần kinh giao cảm, giúp kiểm soát nhịp tim, giảm áp lực trong tim.
    Thuốc điều trị bệnh suy tim cấp- Ảnh 1.

    Có nhiều thuốc để hỗ trợ điều trị bệnh suy tim cấp.

    • Thuốc ức chế chất đồng vận chuyển natri-glucose 2: Thuốc được sử dụng trong điều trị đái tháo đường, làm tăng đào thải đường và muối qua nước tiểu bằng cách ức chế tái hấp thu glucose và natri ở ống thận. Thuốc giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện chức năng tim, từ đó giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân suy tim.
    • Thuốc đối kháng aldosterone: Thuốc thường được dùng ở các bệnh nhân có triệu chứng mức độ từ vừa đến nặng hoặc có các dấu hiệu suy tim. Thuốc giúp làm giảm nguy cơ suy tim tiến triển, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân suy tim.
    • Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin: Thuốc có tác dụng giảm huyết áp, tăng thải natri, nhờ đó giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và nhập viện do suy tim.

    3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh suy tim cấp

    Đối với bệnh suy tim cấp, khi sử dụng thuốc điều trị có thể có các tác dụng phụ như:

    • Thuốc ức chế men chuyển: Tác dụng phụ là mệt mỏi, chóng mặt, ho khan, da ngứa hoặc phát ban, tiêu chảy.
    • Thuốc chẹn beta: Tác dụng phụ như mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim chậm.
    • Thuốc đối kháng aldosterone: Tác dụng phụ là gây nữ hóa tuyến vú (mô tuyến vú tăng sản ở nam giới) và đau vú ở nữ giới, chu kỳ kinh nguyệt không đều và chảy máu âm đạo sau mãn kinh, rối loạn chức năng cương dương.
    • Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin: Tác dụng phụ là mệt mỏi, chóng mặt, ho khan, da ngứa hoặc phát ban, tiêu chảy, hiếm khi sưng mặt, lưỡi, tay hoặc chân…
    Thuốc điều trị bệnh suy tim cấp- Ảnh 2.

    Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh suy tim cấp cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

    4. Chống chỉ định khi sử dụng thuốc điều trị suy tim cấp

    Các loại thuốc điều trị bệnh suy tim cấp có một số chống chỉ định như sau:

    • Thuốc ức chế men chuyển: Chống chỉ định đối với người huyết áp thấp, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai.
    • Thuốc chẹn beta: Chống chỉ định với người suy tim đang ở giai đoạn mất bù, nhịp chậm, hen phế quản...
    • Thuốc đối kháng aldosterone: Chống chỉ định với người suy thận nặng, tăng kali máu.
    • Thuốc ức chế kép neprilysin và angiotensin: Chống chỉ định đối với người có tiền sử phù mạch với thuốc ACEI, suy thận, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai...

    5. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị suy tim cấp

    Những lưu ý khi sử dụng thuốc:

    • Các biện pháp nội khoa vẫn là phương pháp điều trị hỗ trợ hoặc là chọn lựa chủ yếu để điều trị bệnh suy tim, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
    • Có nhiều nguyên nhân gây suy tim, nên điều trị nội khoa phải bao gồm: Các thuốc điều trị nguyên nhân gây suy tim, thuốc điều trị triệu chứng và thuốc điều trị các biến chứng của suy tim.
    Thuốc điều trị bệnh suy tim cấp- Ảnh 3.

    Cần có những hiểu biết nhất định để tránh những sai lầm đáng tiếc khi sử dụng thuốc.

    • Ngoài ra, bệnh nhân suy tim hầu hết cùng mắc một số bệnh khác và thường phải sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau. Do vậy người bệnh cũng cần có những hiểu biết nhất định để tránh những sai lầm đáng tiếc khi sử dụng thuốc.
    • Người bệnh cần uống thuốc đúng, đủ, đều vào giờ cố định để tránh quên thuốc. Giữ các toa thuốc cẩn thận vào nơi dễ nhớ, dễ tìm để có thể tra cứu khi quên liều dùng, thời điểm dùng, cách dùng.
    • Không dùng chung toa thuốc với người bệnh khác dù cùng mức độ suy tim, cùng triệu chứng. Không tự ý tăng/giảm/ngừng thuốc.
    • Khi uống thuốc thấy triệu chứng không giảm hoặc xuất hiện các biểu hiện bất thường, cần tái khám hoặc gọi ngay cho bác sĩ.

    6. Nguyên tắc điều trị bệnh suy tim cấp

    Các nguyên tắc gồm:

    • Điều trị càng sớm càng tốt.
    • Xác định sớm nguyên nhân trong vòng 60 - 120 phút kể từ khi nhập viện.
    • Điều trị dựa theo triệu chứng.
    • Theo dõi sát tình trạng lâm sàng để thay đổi phác đồ kịp thời.
    Suy tim cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhSuy tim cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

    SKĐS - Suy tim cấp là tình trạng triệu chứng suy tim khởi phát đột ngột hoặc từ từ khiến người bệnh phải đi khám ngoài kế hoạch hoặc nhập viện cấp cứu. Suy tim cấp là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở người trên 65 tuổi.



    ThS.BS Trần Khôi Nguyên
    Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế
    Ý kiến của bạn