Hà Nội

Thuốc điều trị bệnh sỏi mật

04-01-2020 15:47 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Bệnh sỏi mật thường có các triệu chứng (đau thượng vị, đầy bụng, nôn ói...) dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác về đường tiêu hóa.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sỏi mật sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa do sự hình thành sỏi trong túi mật gây ra. Đây là một bệnh lý rất thường gặp, có khoảng 20% dân số trên thế giới từng mắc phải.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân:

Trong cơ thể, mật được gan sản xuất ra và dự trữ trong túi mật. Mật có vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa các chất béo. Khi mật chứa quá nhiều cholesterol hay sắc tố mật, sẽ dần dần hình thành các tinh thể được gọi là sỏi mật. Sỏi mật là những hạt sỏi cứng có kích thước thay đổi từ vài milimét đến vài centimét. Thành phần chủ yếu của sỏi mật là cholesterol, muối mật và calcium.

Hiện nay y học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh sỏi mật. Tuy nhiên có một số yếu tố thuận lợi gây ra bệnh:

- Béo phì.

- Chế độ ăn giàu chất béo.

- Tuổi tác: càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh.

- Giới tính: nữ giới dễ mắc bệnh hơn nam giới.

- Dược phẩm: thuốc ngừa thai, thuốc giảm lipid (clofibrat, fenofibrat)… khi sử dụng thời gian dài sẽ gia tăng nguy cơ bệnh sỏi mật.

- Rối loạn mỡ máu.

Phân loại:

Bệnh sỏi mật được chia làm 2 dạng tùy thuộc theo thành phần của sỏi mật: sỏi cholesterol hay sỏi sắc tố mật.

Sỏi cholesterol bao gồm ít nhất 60% là cholesterol và thường gặp ở các nước Tây Âu và Mỹ.

Sỏi sắc tố mật thành phần chủ yếu là calcium bilirubinat, có màu nâu hoặc đen do có nồng độ sắc tố mật cao và chiếm tỉ lệ trên 90% bệnh sỏi mật ở người châu Á.

 sỏi mật

Triệu chứng:

Triệu chứng của bệnh sỏi mật rất đa dạng: từ mức độ nhẹ người bệnh không nhận biết chỉ phát hiện tình cờ khi đi khám bệnh, đến cảm giác đau ở vùng thượng vị, đầy bụng và trong trường hợp nghiêm trọng người bệnh đau bụng dữ dội, buồn nôn, ói…

Bệnh sỏi mật nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng vàng da (do sỏi làm tắc nghẽn ống dẫn mật), viêm túi mật… và trong trường hợp hiếm gặp là ung thư túi mật.

Thuốc điều trị

Hiện nay có 2 phương pháp để điều trị bệnh sỏi mật:

Ngoại khoa: phẫu thuật cắt bỏ túi mật trong trường hợp bệnh sỏi mật thường hay tái phát.

Nội khoa: sử dụng thuốc để làm tan sỏi mật và quá trình điều trị diễn ra trong một thời gian dài. Phương pháp này thường được áp dụng cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật.

Axít ursodeoxycholic là hoạt chất chủ yếu được sử dụng làm thuốc điều trị bệnh sỏi mật. Thuốc này được chỉ định điều trị trong trường hợp sỏi mật có số lượng ít hay sỏi mật không cản quang tia X, có đường kính <15mm và chức năng túi mật còn tốt.

Trong tự nhiên, axít ursodeoxycholic là một axít mật có trong thành phần của mật.

Cơ chế tác dụng:

Axít ursodeoxycholic có tác dụng làm giảm sự sản sinh cholesterol từ gan và ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol từ ruột, tạo điều kiện thuận lợi làm tan các sỏi thận được hình thành do sự tích tụ cholesterol.

Tác dụng phụ:

- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, ói…

- Ngứa, phát ban.

- Mệt mỏi, chóng mặt…

Chống chỉ định:

- Không sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

- Không sử dụng cho bệnh nhân có tổn thương thực thể ở gan, dạ dày, ruột.

- Không sử dụng cùng lúc với các thuốc antacid, charcoal, colestipol, colestyramin… vì gây ra tương tác làm giảm hoạt tính.

Đối với bệnh sỏi mật, việc phòng ngừa là hết sức quan trọng. Một chế độ ăn uống cân bằng ít chất béo, tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, tránh béo phì… sẽ góp phần giảm thiểu các yếu tố thuận lợi làm phát sinh bệnh sỏi mật!


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn