Thuốc điều trị bệnh sa trực tràng

13-11-2024 17:28 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Điều trị bệnh sa trực tràng càng sớm càng tốt để cải thiện triệu chứng và tránh những nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe... Dưới đây là một số loại thuốc điều trị bệnh sa trực tràng.

1. Các thuốc điều trị bệnh sa trực tràng

Về tổng thể, thuốc điều trị sa trực tràng được chia thành 3 loại sau:

  • Thuốc nhuận tràng.
  • Thuốc giảm đau, chống viêm đường uống không steroid.
  • Thuốc đặt hậu môn.

Các phương pháp điều trị sa trực tràng bằng Đông y sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên hoặc châm cứu, để cải thiện căn nguyên gây bệnh, từ đó tăng cường sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều trị sa trực tràng bằng Đông y được chỉ định và hướng dẫn bởi thầy thuốc chuyên môn. Do đó, người bệnh nên đến cơ sở y học cổ truyền uy tín để được thăm khám và bốc thuốc điều trị phù hợp nhất.

2. Tác dụng của thuốc trị bệnh sa trực tràng

- Thuốc nhuận tràng: chứa Lactulose khi vào trong cơ thể sẽ bị phân hủy thành các acid hữu cơ, gây giảm pH ở đoạn giữa của kết tràng. Việc acid hóa môi trường trong ruột sẽ kích thích nhu động ruột tăng co bóp làm thức ăn nhuyễn, nát nên được hấp thu nhiều hơn làm giảm tình trạng táo bón của cơ thể.

- Thuốc giảm đau, chống viêm đường uống không steroid: có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm.

Thuốc điều trị bệnh sa trực tràng- Ảnh 1.

Một số loại thuốc giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng sa trực tràng.

- Thuốc đặt hậu môn: là thành phần có tính chất đóng vai trò như lớp niêm mạc, giúp làm lành vết thương ở các tổ chức niêm mạc bị phá hủy như trực tràng, hậu môn, búi trĩ bị tổn thương do cọ xát. Từ đó giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương. Đồng thời nó giúp nhuận tràng nhẹ, giảm ma sát ở hậu môn.

3. Tác dụng phụ của thuốc điều trị sa trực tràng

3.1. Tác dụng phụ của thuốc nhuận tràng

  • Thường gặp: Đầy hơi, khó tiêu, đi ngoài phân lỏng.
  • Hiếm gặp: Sụt cân nhẹ, ngứa ngáy, đau ở vùng hậu môn.

3.2. Tác dụng phụ của thuốc giảm đau, chống viêm đường uống không steroid thường gặp

  • Toàn thân: sốt, mỏi mệt.
  • Tiêu hóa: trưởng bụng, buồn nôn, nôn.

Ít gặp

  • Toàn thân: phản ứng dị ứng (đặc biệt co thắt phế quản ở người bệnh bị hen), viêm mũi, nổi mày đay.
  • Tiêu hóa: đau bụng, chảy máu dạ dày - ruột, làm loét dạ dày tiến triển.
  • Thần kinh trung ương: lơ mơ, mất ngủ, ù tai.
  • Mắt: rối loạn thị giác.
  • Tai: thính lực giảm.
  • Máu: thời gian máu chảy kéo dài.

Hiếm gặp

  • Toàn thân: phù, nổi ban, hội chứng Stevens-Johnson, rụng tóc, hạ natri.
  • Thần kinh trung ương: trầm cảm, viêm màng não vô khuẩn và hôn mê, nhìn mờ, rối loạn nhìn màu, giảm thị lực do ngộ độc thuốc.
  • Máu: giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu hạt, thiếu máu.
  • Tiêu hóa: rối loạn co bóp túi mật, các thử nghiệm thăm dò chức năng gan bất thường, nhiễm độc gan. Viêm ruột hoại tử, hội chứng Crohn, viêm tụy.
  • Tiết niệu - sinh dục: viêm bàng quang, đái ra máu, suy thận cấp, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư.
  • Da: nhạy cảm với ánh sáng, viêm da tróc vảy.
Thuốc điều trị bệnh sa trực tràng- Ảnh 2.

Bệnh nhân sa trực tràng nên ăn nhiều chất xơ để hạn chế nặng thêm bệnh.

3.3. Tác dụng phụ của thuốc đặt hậu môn

Khi dùng sản phẩm, người dùng có thể gặp cảm giác kích ứng nhẹ, hơi ngứa hoặc xót quanh vùng hậu môn nơi đặt thuốc. Tuy nhiên, những biểu hiện này không ảnh hưởng đến sức khỏe.

4. Chống chỉ định

4.1. Thuốc nhuận tràng

Không sử dụng thuốc cho các trường hợp:

  • Mẫn cảm hoặc có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
  • Bệnh nhân bị đau bụng không rõ nguyên nhân, bị các bệnh lý ở đại tràng, hoặc tắc ruột.
  • Bệnh nhân gặp tình trạng galactose máu hoặc phải kiêng galactose.

4.2. Thuốc giảm đau, chống viêm đường uống không steroid

  • Loét dạ dày tá tràng tiến triển.
  • Quá mẫn cảm với các thuốc chống viêm không steroid (hen, viêm mũi, nổi mày đay sau khi dùng aspirin).
  • Người bệnh bị hen hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, tiền sử loét dạ dày tá tràng, suy gan hoặc suy thận (mức lọc cầu thận dưới 30 ml/phút).
  • Người bệnh đang được điều trị bằng thuốc chống đông coumarin.
  • Người bệnh bị suy tim sung huyết (độ IV theo phân loại của NYHA), bị giảm khối lượng tuần hoàn do thuốc lợi niệu hoặc bị suy thận (tăng nguy cơ rối loạn chức năng thận).
  • Người bệnh mắc một trong nhóm bệnh mô liên kết (có nguy cơ bị viêm màng não vô khuẩn; cần chú ý là tất cả người bệnh bị viêm màng não vô khuẩn đều đã có tiền sử mắc một bệnh tự miễn).
  • Ba tháng cuối của thai kỳ.

4.3. Thuốc đặt hậu môn

Không dùng sản phẩm với bệnh nhân có các phản ứng đối với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc

5.1. Thuốc nhuận tràng

Đối với bệnh nhân bị táo bón không nên điều trị dài hạn, nếu sử dụng 1 thời gian mà không thấy giảm táo bón thì cần đến trung tâm y tế để được kiểm tra lại.

Thận trọng khi sử dụng liều cao đối với bệnh nhân đái tháo đường.

Sử dụng đúng liều theo chỉ định của nhân viên y tế ban đầu, không được tự ý tăng liều hoặc giảm liều để đạt được kết quả tốt nhất.

Đối với người vận hành máy móc, tài xế lái xe vẫn có thể sử dụng thuốc do thuốc không ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

5.2. Thuốc giảm đau, chống viêm đường uống không steroid

Tuân thủ liều lượng: Dùng đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn ghi trên bao bì. Không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng để tránh tác dụng phụ.

Uống ibuprofen sau khi ăn để giảm nguy cơ kích ứng dạ dày và các vấn đề liên quan đến tiêu hóa.

Không dùng thuốc quá 10 ngày để giảm đau hoặc 3 ngày để hạ sốt mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

5.3. Thuốc đặt hậu môn

Lưu ý xem kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng sản phẩm đúng cách.

Không dùng sản phẩm đã hết hạn hoặc những sản phẩm bị chảy nước do bảo quản sai cách.

Người bị trĩ, tổn thương hậu môn, trực tràng cần chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ và đại tiện một cách đều đặn. Tốt nhất nên thực hiện chế độ ăn lành mạnh, ăn nhiều chất xơ để dễ tiêu hóa và uống đủ nước, tránh ăn đồ cay nóng, nhiều gia vị.

Healit Rectan thường được chỉ định để dùng dài ngày. Tuy nhiên, thời gian dùng tối đa 30 ngày. Theo thông tin khuyến cáo từ nhà sản xuất, nếu không thấy hiệu quả khi dùng sản phẩm sau 7 ngày thì người dùng cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị.

6. Tai biến y khoa liên quan đến thuốc

6.1. Thuốc nhuận tràng

Tai biến y khoa liên quan đến thuốc nhuận tràng như lactulose thường hiếm gặp nhưng có thể xảy ra, đặc biệt khi dùng không đúng liều lượng hoặc không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Dưới đây là một số tai biến và tác dụng phụ có thể gặp:

Rối loạn điện giải

Dùng kéo dài lactulose hoặc quá liều có thể gây ra tiêu chảy, dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải (như giảm natri hoặc kali máu).

Tình trạng này có thể gây mệt mỏi, chóng mặt, chuột rút hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tim mạch và chức năng thận.

Đau bụng và đầy hơi

Một số người dùng lactulose có thể gặp tình trạng đầy hơi và đau bụng, đặc biệt trong những ngày đầu sử dụng. Các triệu chứng này thường giảm khi cơ thể quen với thuốc.

Tiêu chảy.

Sử dụng quá liều lactulose có thể dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng, gây mất nước và mất cân bằng điện giải như đã đề cập.

Tiêu chảy kéo dài có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc những người có tình trạng sức khỏe yếu.

Phản ứng dị ứng

Mặc dù hiếm, nhưng một số trường hợp có thể bị dị ứng với thuốc, với các biểu hiện như phát ban, ngứa, khó thở hoặc sưng mặt, môi, lưỡi.

Tác động lên người bị bệnh tiểu đường: Do thành phần lactulose có chứa đường, nên bệnh nhân tiểu đường cần thận trọng và phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để tránh ảnh hưởng đến mức đường huyết.

Khuyến nghị:

  • Luôn sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Báo cáo ngay cho bác sĩ nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài.
  • Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể trong suốt quá trình sử dụng thuốc để tránh mất nước và rối loạn điện giải.
Thuốc điều trị bệnh sa trực tràng- Ảnh 3.

Sờ thấy khối lồi ngoài hậu môn là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ sớm.

6.2. Thuốc giảm đau, chống viêm đường uống không steroid

Các thuốc giảm đau và chống viêm có thể gây ra một số tai biến y khoa nghiêm trọng nếu sử dụng không đúng cách hoặc ở liều cao, bao gồm:

  • Loét dạ dày - tá tràng, đau bụng và khó tiêu.
  • Nguy cơ đau tim và đột quỵ.
  • Tăng huyết áp.
  • Tổn thương thận, suy thận cấp.
  • Tổn thương gan.
  • Sốc phản vệ.

6.3. Thuốc đặt hậu môn

Các thuốc đặt hậu môn được đánh giá là an toàn và chưa ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng nào trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, ở một số người có độ nhạy cảm cao, có thể xuất hiện cảm giác kích ứng nhẹ quanh vùng hậu môn, như hơi ngứa hoặc xót. Những phản ứng này thường không nghiêm trọng và có thể tự hết sau một thời gian ngắn.

Dị ứng hoặc quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của sản phẩm: Nếu bạn có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc, nên tránh sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Tổn thương hoặc nhiễm trùng nặng tại vùng hậu môn – trực tràng: Trong trường hợp có nhiễm trùng nặng hoặc tổn thương nghiêm trọng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Sa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịSa trực tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS - Sa trực tràng là tình trạng một phần hay toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài qua lỗ hậu môn. Bệnh có nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có nhiều mức độ tiến triển. Vì vậy, các biện pháp điều trị cũng rất khác nhau.


BS Nguyễn Phú Tuấn
Khoa ngoại tổng hợp 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Ý kiến của bạn