Thuốc điều trị bệnh rối loạn hoảng sợ

31-10-2024 14:31 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ. Tùy vào tình trạng bệnh, sức khỏe tổng thể và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp.

1. Các thuốc điều trị bệnh rối loạn hoảng sợ

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ. Trước đây, nhóm thuốc này được sử dụng rất rộng rãi để điều trị rối loạn hoảng sợ nhất là clomipramin. Các thuốc này dùng điều trị bệnh rối loạn hoảng sợ nhằm mục đích ngăn chặn cơn hoảng sợ kịch phát chứ không phải dùng để cải thiện khí sắc.

Hiện nay thuốc chống trầm cảm 3 vòng được sử dụng điều trị rối loạn hoảng sợ khi thuốc SSRI không có kết quả hoặc do bệnh nhân không dung nạp với thuốc SSRI.

Phác đồ điều trị cơ bản cho bệnh nhân bằng clomipramin viên 25mg như sau:

  • Tuần 1: Tối 1 viên (25mg).
  • Tuần 2: Tối 2 viên (50mg).
  • Từ tuần thứ 3 trở đi: Tối 3 viên (75mg).

Duy trì liều 75mg/ngày trong 6 tháng, sau đó giảm xuống 50mg/ngày và duy trì liều này trong ít nhất 30 tháng nữa.

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin

Thuốc điều trị bệnh rối loạn hoảng sợ- Ảnh 1.

Rối loạn hoảng sợ là bệnh thuộc nhóm rối loạn lo âu, đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ kịch phát, xuất hiện đột ngột và mạnh mẽ.

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI) có hiệu quả cao trong điều trị rối loạn hoảng sợ. Thuốc có thể dùng đơn độc hoặc có thể dùng phối hợp với benzodiazepin khi cần.

Tất cả các SSRI như paroxetin, citalopram, escitalopram, fluvoxamin, fluoxetin và sertralin có hiệu quả cho rối loạn hoảng sợ. Paroxetin có tác dụng nhanh và dung nạp tốt hơn các thuốc khác. Các bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ đặc biệt nhậy cảm với các tác dụng phụ của SSRI, đặc biệt là fluoxetin. Vì vậy họ cần được khởi đầu điều trị với liều lượng nhỏ và tăng liều từ từ. Cụ thể như sau:

  • Tuần 1: dùng 1/2 liều điều trị.
  • Tuần 2 trở đi: dùng đủ liều điều trị.

Cơn hoảng sợ kịch phát sẽ giảm dần và hết sau 8-12 tuần. Sau khi hết cơn hoảng sợ, cần duy trì liều thuốc trong tối thiểu 36 tháng.

Liều lượng trung bình của các thuốc:

  • Paroxetin: 40mg/ngày.
  • Escitalopram: 20mg/ngày.
  • Fluoxetin: 40mg/ngày.
  • Sertralin: 100mg/ngày.
  • Fluvoxamin: 200mg/ngày.

Thuốc SSRI cũng có một số tác dụng phụ chủ yếu là trên hệ tiêu hóa (dạ dày, ruột) gây đầy bụng, buồn nôn, nôn… cho bệnh nhân trong thời gian đầu dùng thuốc. Để tránh hiện tượng này, nên bắt đầu bằng liều thấp (5-10mg fluoxetin, 10mg paroxetin và escitalopram, 25mg với sertralin và fluvoxamin mỗi ngày), uống thuốc sau bữa ăn.

Một số trường hợp bệnh nhân dung nạp kém, có thể phối hợp SSRI với thuốc benzodiazepin trong tuần đầu tiên điều trị để giảm tác dụng phụ của SSRI. Các thuốc benzodiazepin hay dùng điều trị kết hợp là rivotril (1-2mg/ngày), seduxen (5-20mg/ngày), lexomil (3-6mg/ngày), tranxen (10-20mg/ngày).

Các benzodiazepin

Bromazepam cho kết quả tốt ở 75% số trường hợp rối loạn hoảng sợ. Hiệu quả xuất hiện nhanh chóng sau khi dùng thuốc với liều 3-6mg/ngày, các triệu chứng được cải thiện ngay trong tuần lễ đầu điều trị.

Clonazepam cũng cho kết quả tương tự trong điều trị giai đoạn cấp của rối loạn hoảng sợ liều 1-2mg/ngày. Khi điều trị kéo dài bằng clonazepam cũng gây ra phụ thuộc thuốc và rất khó ngừng thuốc vì gây ra hội chứng cai.

Nói chung điều trị bằng benzodiazepin chỉ khi điều trị bằng thuốc SSRI và chống trầm cảm 3 vòng không có kết quả, bởi vì nếu dùng kéo dài sẽ gây quen thuốc và gây ra hội chứng cai.

Để khắc phục tình trạng phụ thuộc thuốc, người ta phối hợp benzodiazepin và thuốc chống trầm cảm SSRI (ví dụ phối hợp clonazepam và sertralin) trong thời gian đầu điều trị, cơn hoảng sợ kịch phát sẽ nhanh chóng bị khống chế. Khi SSRI đó có hiệu quả điều trị, người ta giảm dần liều benzodiazepin và cắt hẳn.

Ví dụ cụ thể:

Tuần 1: 1. Sertralin 100mg x 1/2 viên/uống tối; 2. Clonazepam 2mg x 1/2 viên/sáng 1/4v, tối 1/4v.

Tuần 2-8: 1. Sertraline 100mg x 1 viên/tối; 2. Clonazepam 2mg x 1/4 viên/tối.

Tuần 9-12: 1. Sertralin 100mg x 1 viên/tối; 2. Clonazepam 2mg x 1/8 viên/tối.

Sau đó: 1. Sertralin 100mg x 1 viên/tối.

Các thuốc khác

Venlafaxin phối hợp giữa ức chế serotonin-noradrenalin, có thể cắt được cơn tấn công hoảng sợ kịch phát ngay ở liều thuốc thấp 50-75mg/ngày. Thuốc venlafaxin có hiệu quả trên cả những trường hợp các thuốc SSRI cho kết quả kém.

2. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý

Thuốc điều trị bệnh rối loạn hoảng sợ- Ảnh 2.

Điều trị bằng liệu pháp nhận thức cho bệnh nhân có cơn hoảng sợ kịch phát kịch phát là giúp bệnh nhân nâng cao nhận thức sự việc...

Liệu pháp nhận thức và liệu pháp hành vi

Liệu pháp này cho kết quả tốt cả trên các ám ảnh xa lánh và cơn hoảng sợ kịch phát. Điều trị này bao gồm kỹ thuật cho bệnh nhân tiếp xúc dần dần với các tình huống thực tế của cuộc sống mà họ muốn xa lánh, bắt đầu với các tình huống ít gây lo âu dần tiến tới các tình huống gây lo âu nhiều, dần dần bệnh nhân sẽ có tiến bộ rõ rệt với các ám ảnh xa lánh và có thể đạt hiệu quả tối đa với các cơn hoảng sợ kịch phát.

Kỹ thuật chủ yếu của biện pháp hành vi trong điều trị cơn hoảng sợ kịch phát kịch phát là tập thở để kiểm soát tình trạng tăng thông khí cấp tính và mạn tính. Ngoài ra bệnh nhân học các bài tập và cách thư giãn… Nếu điều trị bằng liệu pháp hành vi tốt có đến 80% số bệnh nhân hết cơn hoảng sợ kịch phát sau 12 tuần.

Điều trị bằng liệu pháp nhận thức cho bệnh nhân có cơn hoảng sợ kịch phát kịch phát là giúp bệnh nhân nâng cao nhận thức sự việc, học cách giải thích, giảm cảm giác thảm họa, giảm tác dụng khó chịu phối hợp trong cơn hoảng sợ kịch phát kịch phát. Sau 1 năm điều trị bằng biện pháp nhận thức, có đến 90% số bệnh nhân hết cơn hoảng sợ kịch phát. Họ hết đánh trống ngực, chóng mặt hoặc hết lo sợ bị nhồi máu cơ tim.

Liệu pháp động thái tâm lý

Sau khi điều trị cắt cơn hoảng sợ kịch phát kịch phát bằng thuốc, một số bệnh nhân vẫn có thái độ cẩn trọng quá mức. Để khắc phục các rối loạn đánh giá và hành vi của bệnh nhân, người ta sử dụng biện pháp động thái tâm lý truyền thống. Liệu pháp này có thể có kết quả tốt trên một số bệnh nhân.

Các dấu hiệu mâu thuẫn vô thức xuất hiện trên bệnh nhân rối loạn hoảng sợ dẫn đến các rối loạn lo âu phối hợp trong rối loạn hoảng sợ kịch phát. Tuy nhiên, các bác sĩ đều thống nhất rằng liệu pháp này không thể đóng vai trò chủ đạo trong điều trị rối loạn hoảng sợ kịch phát vì hiệu quả không ổn định. Có bệnh nhân cho kết quả, có bệnh nhân không có hiệu quả gì với liệu pháp này.

Khi kết hợp bằng thuốc chống trầm cảm và liệu pháp động thái tâm lý cho bệnh nhân rối loạn hoảng sợ kịch phát trong 9 tháng, người ta nhận thấy tỷ lệ tái phát giảm đi. Liệu pháp động thái tâm lý cần tiến hành 2 lần/tuần trong tối thiểu 3 tháng.

Các triệu chứng hoảng sợ kịch phát, lo âu, trầm cảm cũng giảm đi nhiều. Như vậy, liệu pháp động thái tâm lý không thay thế điều trị bằng thuốc. Nhưng khi kết hợp với thuốc chống trầm cảm hiệu quả điều trị rối loạn hoảng sợ kịch phát cao hơn so với chỉ điều trị bằng thuốc.

3. Tư vấn cho bệnh nhân

Khuyên bệnh nhân làm các bước sau đây khi một cơn hoảng sợ kịch phát xuất hiện:

  • Ngồi tại chỗ cho đến khi cơn hoảng sợ kịch phát qua đi.
  • Tập trung vào việc chế ngự lo âu song không cần quan tâm đến các triệu chứng về cơ thể.
  • Tiến hành thở chậm, thư giãn, không thở quá sâu hay quá nhanh (tăng thông khí) vì có thể gây ra các triệu chứng cơ thể của cơn hoảng sợ kịch phát. Việc kiểm soát nhịp thở làm giảm các triệu chứng cơ thể này.
Thuốc điều trị bệnh rối loạn hoảng sợ- Ảnh 3.

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn hoảng sợ, người bệnh nên thay đổi lối sống sinh hoạt hay thực hiện các liệu pháp tâm lý học.

  • Tự nhủ rằng đó là một cơn hoảng sợ kịch phát, các cảm giác và ý nghĩ sợ hãi sẽ mau chóng qua đi. Chú ý vào thời gian đang trôi qua trên đồng hồ. Cảm giác của bệnh nhân có thể là lâu, nhưng thực ra chỉ kéo dài trong vài phút.
  • Xác định những nỗi lo đó bị khuếch đại và xuất hiện trong cơn hoảng sợ kịch phát (ví dụ: bệnh nhân cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim).
  • Thảo luận cách đương đầu với nỗi lo trong cơn hoảng sợ kịch phát đó (ví dụ: bệnh nhân tự nhủ tôi không bị nhồi máu cơ tim, đó chỉ là một cơ hoảng sợ kịch phát và sẽ qua đi trong vài phút).
  • Các nhóm tự giúp đỡ lẫn nhau có thể giúp bệnh nhân chế ngự được cơn hoảng sợ kịch phát và vượt qua được cơn sợ hãi của mình.

4. Phòng ngừa rối loạn hoảng sợ

Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị rối loạn hoảng sợ, người bệnh nên thay đổi lối sống sinh hoạt hay thực hiện các liệu pháp tâm lý học. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn:

  • Liệu pháp tâm lý học trị liệu.
  • Luyện tập thể dục mỗi ngày.
  • Chăm sóc giấc ngủ.
  • Tránh thức uống chứa caffeine hoặc chất kích thích.
  • Luyện tập hít thở sâu.

Với những cách trên sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh, giảm căng thẳng, mệt mỏi và cuộc sống trở lên nhẹ nhàng thoải mái hơn.

Rối loạn hoảng sợ sau biến cố lớn phải làm sao?Rối loạn hoảng sợ sau biến cố lớn phải làm sao?

SKĐS - Rối loạn hoảng sợ đặc trưng bởi các cơn hoảng sợ có tính chất kịch phát, xuất hiện đột ngột và vô cùng mạnh mẽ. Bệnh nhân có cảm tưởng sắp chết, cho rằng mình bị nhồi máu cơ tim, hoặc mất kiểm soát bản thân. Cơn hoảng sợ kịch phát thường hay tái phát, kéo dài từ 5 - 20 phút, đôi khi kéo dài 1 giờ.

Nên Đi Bộ Bao Nhiêu Km Mỗi Ngày Để Cơ Thể Khỏe Đẹp? | SKĐS


BSCKII. Nguyễn Cảnh Hùng
Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An.
Ý kiến của bạn