Hà Nội

Thuốc điều trị bệnh rách võng mạc

20-11-2024 17:31 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Điều trị rách (bong) võng mạc chủ yếu bằng phẫu thuật. Tuy nhiên việc dùng thuốc cũng đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị nguyên nhân gây bong võng mạc.

1. Các thuốc điều trị rách võng mạc

  • Thuốc lợi tiểu: Nhóm ức chế carbonic anhydrase.(acetazolamid).
  • Corticoid toàn thân và tại chỗ.
  • Nhóm thuốc bổ mắt : Viatmin nhóm A,B,E, Omega.

Rách võng mạc là một tình trạng nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời bằng y học hiện đại. Trong đông y, việc chữa bệnh bong võng mạc mắt tập trung vào việc cải thiện tuần hoàn máu, cân bằng năng lượng trong cơ thể và hỗ trợ sức khỏe mắt.

Đông y có thể được xem như một phương pháp hỗ trợ, cải thiện sức khỏe chung của mắt, nhưng không nên là phương pháp điều trị chính. Nếu nghi ngờ mắc bệnh bong võng mạc, bệnh nhân cần đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị ngay lập tức.

2. Tác dụng của thuốc

Acetazolamid: Acetazolamid là chất ức chế carbonic anhydrase. Ức chế enzyme này làm giảm tạo thành ion hydrogen và bicarbonat từ carbon dioxyd và nước, làm giảm khả năng sẵn có những ion này dùng cho quá trình vận chuyển tích cực. Vì vậy, Acetazolamid làm giảm sản xuất thủy dịch và có tác dụng hạ nhãn áp, hạn chế sự tiến triển nặng thêm của bong võng mạc.

Thuốc điều trị bệnh rách võng mạc- Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa nhãn cầu và vết rách võng mạc.

Corticoid: Bong xuất tiết do viêm màng bồ đào gây ra có thể cho đáp ứng với corticoid đường toàn thân, có tác dụng chống viêm, giảm xuất tiết.

Nhóm thuốc bổ mắt: Đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và hoạt động trao đổi chất của cơ thể, giúp bảo vệ dây thần kinh mắt khỏi các gốc tự do, tăng cường thị lực, giảm sưng viêm, mỏi mắt, đỏ mắt, giúp bảo vệ các tế bào của bạn (bao gồm cả các tế bào mắt) không bị lão hóa và bảo vệ chúng khỏi bị phá hủy bởi các gốc tự do.

3. Tác dụng phụ của thuốc

3.1. Tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu

  • Mệt mỏi, hoa mắt, chán ăn.
  • Thay đổi vị giác.
  • Sốt, ngứa, dị cảm, trầm cảm, buồn nôn, nôn, bài tiết acid uric giảm trong nước tiểu, bệnh gút có thể nặng lên, giảm kali máu tạm thời, tiểu ra tinh thể, sỏi thận, giảm tình dục (tình trạng hiếm gặp).

3.2. Tác dụng phụ của corticoid

Trên hệ tiêu hóa: Corticoid gây viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày - tá tràng, niêm mạc dạ dày và thậm chí là xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra có thể gây viêm tụy cấp nhưng rất hiếm gặp. Những biến chứng này thường gặp trên những bệnh nhân dùng phối hợp kháng viêm không steroid.

Trên hệ thần kinh: Xảy ra khi sử dụng corticoid liều cao. Người bệnh có biểu hiện triệu chứng như: hưng phấn, rối loạn giấc ngủ, nói sảng, hoang tưởng, trầm cảm. Nếu bệnh nhân có tiền sử tâm thần thì có thể gây rối loạn thần cấp.

Nhiễm trùng: Do tình trạng ức chế miễn dịch làm giảm sức đề kháng của cơ thể nếu bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng cơ hội với các vi khuẩn thường gặp, và có thể bùng phát lao tiềm ẩn trước đó. Tình trạng nhiễm virus như zona, thủy đậu, herpes trở thành cấp tính. Nhiễm nấm candida, aspergillus,...

3.3. Tác dụng phụ nhóm thuốc bổ mắt

Dầu cá, vitamin có thể tốt cho mắt, giúp bổ sung dưỡng chất có lợi, nhưng sử dụng dài ngày có thể gây phản tác dụng, như dùng omega, vitamin A liều cao sẽ gây độc cho gan, loãng xương, tiêu chảy, buồn nôn, teo dây thần kinh thị giác…

Thuốc điều trị bệnh rách võng mạc- Ảnh 2.

Cùng với thuốc, các loại thực phẩm tốt cho mắt.

4. Chống chỉ định

4.1. Chống chỉ định thuốc lợi tiểu (acetazolamid)

  • Suy gan, thận hoặc thượng thận nặng.
  • Không dung nạp được sulfamid.
  • Có tiền sử đau quặn thận.
  • Phụ nữ có thai.
  • Bệnh Addison.
  • Giảm K, Na huyết.
  • Dùng dài ngày (glôcôm mạn, góc hẹp, sung huyết).

4.2. Chống chỉ định cortioid

Chống chỉ định với thuốc corticosteroids bao gồm quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, sử dụng đồng thời vaccine sống hoặc vaccine sống giảm độc lực (khi sử dụng liều ức chế miễn dịch), nhiễm nấm toàn thân, loãng xương, tăng đường huyết không kiểm soát trong đái tháo đường, tăng nhãn áp, nhiễm trùng khớp, tăng huyết áp không kiểm soát,viêm loét giác mạc do herpes simplex và bệnh thủy đậu.

Các chống chỉ định tương đối khác bao gồm bệnh loét dạ dày tá tràng, suy tim sung huyết và nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn không đáp ứng với thuốc kháng sinh.

4.3. Chống chỉ định nhóm thuốc bổ mắt

Với những người có cơ địa nhạy cảm hoặc mẫn cảm với các thành phần của thuốc thì không nên tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

Trong quá trình bạn sử dụng thuốc mà gặp bất kỳ tác dụng phụ do thuốc gây ra thì nên ngưng sử dụng thuốc và gặp bác sĩ.

5. Những lưu ý khi dùng thuốc

5.1. Nhóm thuốc lợi tiểu acetazolamid

Ở một số người có nguy cơ cao như người già, bị đái tháo đường, hoặc đang tình trạng nhiễm acid máu khi dùng thuốc này cần theo dõi ion đồ ở máu, đường huyết và acid uric huyết.

Thuốc chuyển vào sữa mẹ, nhưng cho tới nay chưa thấy ảnh hưởng xấu đến trẻ.

Các vận động viên thể dục thể thao cần lưu ý là các biệt dược kể trên có chứa hoạt chất dễ gây ra phản ứng dương tính khi thử test doping.

5.2. Nhóm thuốc corticoid

Người bệnh có thể áp dụng một số cách dưới đây để giảm thiểu tác dụng phụ do sử dụng corticoid sau khi trao đổi với bác sĩ điều trị:

  • Sử dụng liều lượng thấp hoặc ngắt quãng.
  • Sử dụng corticoid tại chỗ nếu có thể.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
  • Ăn một chế độ ăn ít muối và/hoặc giàu kali.
  • Giảm liều từ từ khi ngừng điều trị nếu bạn đã sử dụng corticoid trong thời gian dài. Điều này cho phép tuyến thượng thận của bạn có thời gian để điều chỉnh.
  • Với thuốc corticoid đường uống: nên dùng thuốc sau bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa (kích ứng dạ dày).

5.3. Những lưu ý khi dùng nhóm thuốc bổ mắt

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ hoặc trong tờ hướng dẫn sử dụng.
  • Đối với các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, trẻ em cần hỏi ý kiến bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng các sản phẩm thuốc bổ mắt.
  • Không sử dụng đối với những người mẫn cảm bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Ngưng sử dụng trong các trường hợp xảy ra tác dụng phụ.
  • Bảo quản thuốc bổ mắt phù hợp, thông thường ở nơi khô ráo, tránh tiếp xúc trực tiếp ánh sáng mặt trời.
  • Không nên ỷ lại vào thuốc bổ mắt, bản thân bạn cần có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp để giúp mắt được nghỉ ngơi và phục hồi.
Thuốc điều trị bệnh rách võng mạc- Ảnh 3.

Thường xuyên đi khám mắt, nhất là khi có nguy cơ cao bị rách võng mạc.

6. Tai biến y khoa liên quan đến thuốc

6.1. Thuốc lợi tiểu

Sử dụng acetazolamid quá liều, trong thời gian dài có thể làm tăng đường huyết, tăng đường máu, nhiễm acid, tăng nguy cơ bị bệnh gút. Ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.

6.2. Thuốc corticoid

Loét dạ dày – tá tràng: Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân dùng corticosteroid kéo dài hoặc kết hợp với NSAIDs do cơ chế tăng tiết dịch vị và giảm tiết chất nhầy tiêu hóa.

Tăng đường huyết: Các corticosteroid hoạt động theo cơ chế phân giải Glycogen thành glucose và tăng tân tạo đường từ protid. Do vậy, nếu dùng thuốc lâu dài, người bệnh có thể giảm dung nạp glucose, giảm đáp ứng insulin, tăng nguy cơ đái tháo đường và các bệnh tim mạch kèm theo.

Rối loạn dịch và chất điện giải: Corticosteroid liều cao gây giữ natri, nước, tăng thải kali dẫn đến tình trạng phù và nhược cơ.

Rối loạn tâm thần: Các rối loạn tâm thần thường gặp là trầm cảm, hưng phấn, mất ngủ, thay đổi tâm trạng thất thường, thay đổi tính cách…

6.3. Nhóm thuốc bổ mắt

Đã có rất nhiều trường hợp dùng bị phản ứng phụ như ngứa mắt, nóng rát, dị ứng gây đỏ mắt, viêm bờ mi, sung huyết kết mạc…

Bệnh rách võng mạc mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịBệnh rách võng mạc mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS – Rách (bong) võng mạc mắt là một bệnh lý nhãn khoa vô cùng nguy hiểm. Khi phát hiện, người bệnh cần phải thăm khám, kiểm tra chính xác để có thể kịp thời điều trị và cấp cứu.


BS Nguyễn Thị Mai
Khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Ý kiến của bạn