Thuốc điều trị bệnh mất trí nhớ

14-10-2024 10:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mặc dù hiện tại không có loại thuốc nào có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược chứng mất trí nhớ, nhưng một số loại thuốc có thể tạm thời giúp cải thiện trí nhớ và suy nghĩ.

1. Một số nhóm thuốc hay dùng khi điều trị bệnh mất trí nhớ

Một số loại thuốc dưới đây được sử dụng cho bệnh nhân mất trí nhớ:

  • Thuốc điều trị suy thoái thần kinh: Hay dùng là donepezil, rivastigmine, galantamine... có tác dụng làm tăng nồng độ acetylcholine. Đây là các chất ức chế cholinesterase được dùng cho bệnh sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer vì chúng làm gia tăng dẫn truyền thần kinh. Hoạt chất memantine hay dùng cho người bị lú lẫn vừa và nặng vì có tác dụng bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương.
  • Thuốc giãn mạch ngoại biên và hoạt hóa não: Hay dùng là co-dergocrine, flunarizine, isoxsuprine, naftidrofuryl, nicergoline…Đặc biệt chất ginkgo biloba hay được khuyên dùng vì có nguồn gốc tự nhiên (cao khô chiết xuất từ lá cây bạch quả) và có tính ôxy hóa.
  • Thuốc hướng thần kinh, thuốc bổ thần kinh: Hay dùng là idebenone, piracetam, pyritinol. Các thuốc này có tác dụng bảo vệ não khỏi tình trạng giảm ôxy huyết đến não và tăng cường tiêu thụ glucose tại não. Tuy nhiên, cần chú ý nếu bệnh nhân có vấn đề về gan và thận thì không được sử dụng nhóm này. Một số ADR (phản ứng có hại) cũng nên được cảnh báo trước để bệnh nhân theo dõi khi dùng thuốc.
  • Các vitamin A, D và E: Đây là các vitamin có tác dụng chống ôxy hóa và làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh lú lẫn.
Thuốc điều trị bệnh mất trí nhớ- Ảnh 1.

Dùng thuốc cải thiện trí nhớ phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.

2. Tác dụng của thuốc giúp cải thiện trí nhớ

2.1 Nhóm thuốc điều trị suy thoái thần kinh:

Các thuốc điều trị suy thoái thần kinh là thuốc dùng theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân không nên sử dụng thuốc với lượng lớn hơn/nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định để tránh nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.

Một số tác dụng phụ của các thuốc điều trị suy thoái thần kinh cần đặc biệt lưu ý:

- Thuốc donepezil

Trong quá trình sử dụng donepezil, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ do thuốc gây ra như:

Mất ngủ, nhức đầu, cảm thấy bị đau, mệt mỏi, choáng váng, rối loạn giấc mơ, dễ bị kích động, tình trạng ảo giác, bị trầm cảm, lú lẫn, dễ xúc động, rối loạn nhân cách, sốt, ngủ lơ mơ, ngủ rên nhiều, trở nên hung hăng, cảm thấy lo âu, bị khó nói, hoang tưởng, bồn chồn, dễ bị kích thích, chóng mặt.

Tăng hoặc hạ huyết áp, cảm thấy đau vùng ngực, chảy máu, ngất, rung tâm nhĩ, điện tâm đồ cho kết quả bất thường, phù, suy tim, phù ngoại biên, giãn mạch.

Các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, ho tăng lên, khó thở, viêm họng, viêm phổi.

Bệnh lý về đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, bị sụt cân nhiều, đau bụng, táo bón, khó tiêu, đau vùng thượng vị, đại tiện mất chủ động, viêm dạ dày - ruột, đau răng.

Bệnh lý về da liễu như xuất hiện các vết thâm tím, eczema, ngứa, ban, loét da, mày đay.

Cơ thể mất nước, tăng lipid máu, giảm khảt năng tình dục.

Bệnh lý về đường tiết niệu: Hay đi tiểu, đái dầm, viêm bàng quang, tiểu tiện ra máu, tiểu tiện đêm, glucose niệu.

Co cứng cơ, đau lưng, viêm khớp, mất điều phối, dễ bị gãy xương...

Bệnh lý thị giác như nhìn mờ, đục kích thích mắt.

-Thuốc rivastigmine

Thuốc rivastigmine có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

Rivastigmine liên quan đến một số phản ứng phụ nghiêm trọng đối với đường tiêu hóa như nôn, buồn nôn, biếng ăn và giảm cân.

Do đặc tính dược động học, ức chế cholinesterase làm tăng tiết acid dạ dày do tăng hoạt tính cholinergic. Do vậy bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ đối với các triệu chứng hoặc xảy ra chảy máu dạ dày. Bệnh nhân có tiền sử viêm loét hoặc đang điều trị với các NSAIDs sẽ có nguy cơ tăng các triệu chứng này.

 Rivastigmine là một chất ức chế cholinesterase, làm giãn cơ trong quá trình gây mê.

Do rivastigmine làm tăng hoạt tính cholinergic nên nó cũng có ảnh hưởng đến nhịp tim. Vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ ở bệnh nhân có bệnh tim mạch đặc biệt là người có hội chứng rò tâm thất trên.

Giống như các thuốc khác làm tăng hoạt tính của cholinergic, rivastigmine phải được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử hen suyễn hoặc nghẽn đường hô hấp.

- Thuốc galantamine

Thuốc galantamine có thể gây một số tác dụng phụ như:

Khi dùng thuốc galantamine gặp phản vệ dị ứng như phát ban, sưng môi, lưỡi, mặt hoặc họng cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Ngưng dùng thuốc và liên hệ ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp phải tình trạng sau: Tim đập chậm, đau tức ngực; Choáng váng muốn xỉu; Xuất hiện máu ở phân hoặc nước tiểu; Nổi ra chất có màu như bã cà phê; Ho ra máu; Tiểu buốt, khó tiểu, vô niệu hoặc tiểu rất ít; Nhầm lẫn, suy nhược cơ thể; Khát nước, da khô nóng; Ăn không ngon miệng, đau dạ dày; Nước tiểu tối màu, phân màu đất sét, bị vàng da hoặc mắt.

Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn như: Mệt mỏi, buồn ngủ, chóng mặt; Đau đầu, mờ mắt, nước mũi chảy; Trầm cảm, mất ngủ; Buồn nôn, chán ăn, sụt cân; Khó chịu trong miệng.

Tác dụng phụ của thuốc Memantine thường gặp: Buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, tăng huyết áp, táo bón, khó thở, tăng trị các số khi thực hiện xét nghiệm chức năng gan, quá mẫn, rối loạn khả năng thăng bằng. Tác dụng phụ của thuốc Memantine hiếm gặp: Co giật.

2.2 Nhóm thuốc giãn mạch ngoại biên và hoạt hóa não

Khi dùng các thuốc trong nhóm này, người bệnh cần tuy đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ và theo dõi, nếu thấy bị dị ứng (nổi mề đay, buồn nôn...) với bất cứ thành phần nào của thuốc thì cần thông báo cho bác sĩ/dược sĩ ngay để được tư vấn.

2.3 Nhóm thuốc hướng thần kinh, thuốc bổ thần kinh

Mặc dù các thuốc trong nhóm này là thuốc thông dụng, nhưng thuốc vẫn có thể gây nên một số tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ) mà người dùng thuốc cần biết. Đó là có thể gây bồn chồn, bứt rứt, kích thích, lo âu hoặc gây rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, khó ngủ, hay thức giấc, ngủ gà), mệt mỏi, choáng váng, rối loạn tiêu hóa ở một số trường hợp. Các tác dụng phụ này thường xảy ra ở một số người sử dụng lần đầu, nếu ngưng thuốc có thể hết. Tuy nhiên, khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có biện pháp xử lý thích hợp.

3. Chống chỉ định và những lưu ý khi sử dụng thuốc hay dùng khi mất trí nhớ

Suy giảm hay mất trí nhớ do tuổi tác không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các thuốc nói trên cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng để phù hợp với thể trạng của người bệnh.

Dùng các thuốc hỗ trợ đúng cách giúp cho hoạt hóa não và tránh suy thoái thần kinh sẽ làm cho trí nhớ không bị suy giảm ngày càng tồi tệ.

Việc dùng các thuốc này cho đối tượng đặc biệt hay quên cần có sự giám sát chặt chẽ của người nhà hoặc nhân viên y tế.

Trong khi dùng thuốc, nếu thấy trí nhớ thay đổi bất thường, bệnh nhân cần thông báo kịp thời để bác sĩ có hướng xử lý, can thiệp. Bạn có thể được giảm liều dùng hoặc thay thế sang loại thuốc khác không gây tác dụng phụ làm giảm trí nhớ.

Việc nên làm là khuyến cáo bệnh nhân nghỉ ngơi, thư giãn và sinh hoạt điều độ với sự giám sát của người thân hoặc nhân viên y tế nếu là người bệnh cao tuổi. Tập thể dục điều độ, tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với tuổi già giúp cho bớt căng thẳng và duy trì các mối quan hệ xã hội có tác dụng tốt để làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ. Tránh lạm dụng caffeine hoặc rượu.

4. Lưu ý về những loại thuốc có thể gây mất trí nhớ

Một số loại thuốc sau đây khi sử dụng trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ làm mất trí nhớ:

  • Nhóm thuốc an thần Benzodiazepin (Diazepam, lorazepam, triazolam…): Nhóm thuốc này thường được chỉ định trong điều trị rối loạn lo âu, mất ngủ… Do tác dụng của thuốc làm suy giảm hoạt động của não bộ, suy yếu các tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến việc chuyển đổi trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn, nên khi sử dụng một thời gian dài sẽ gây ra mất trí nhớ.
  • Nhóm thuốc statin giảm mỡ trong máu (Atorvastatin, lovastatin, simvastatin…): Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm lượng cholesterol trong máu, đồng thời cũng làm giảm lượng cholesterol trong não. Cholesterol ở trong não có vai trò quan trọng kết nối các tế bào thần kinh với nhau. Vì vậy, khi sử dụng nhóm thuốc statin trong một thời gian dài, làm giảm lượng cholesterol trong não, ảnh hưởng đến trí nhớ của người sử dụng.
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitryptilin, nortryptilin, imipramin...): Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế sự hoạt động của serotonin và norepinephrine (những chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong não), nên khi sử dụng nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ làm mất trí nhớ.
  • Nhóm thuốc cao huyết áp chẹn (Atenolol, propanolol, timolol…): Nhóm thuốc này thường được chỉ định trong điều trị cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực… Khi sử dụng trong một thời gian dài, các thuốc chẹn thường gây ra mất trí nhớ do ức chế hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh norepinephrin và epinephrine trong não.

Ngoài các thuốc trên, còn có nhiều loại thuốc khác cũng gây ra mất trí nhớ:

  • Thuốc giảm đau opioid (Hydrocodon, tramadol...).
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson (Apomorphin, pramipexole…).
  • Thuốc chống động kinh (Carbamazepine, gabapentin…).
Thuốc điều trị bệnh mất trí nhớ- Ảnh 2.

Thuốc điều trị bệnh có thể gây nguy cơ mất trí nhớ cần được sử dụng thận trọng.


4. Một số bài thuốc dân gian hỗ trợ cải thiện trí nhớ

Có nhiều loại thảo dược trong Đông y được sử dụng nhằm hỗ trợ cải thiện trí nhớ cho người bị suy giảm trí nhớ do tuổi tác hoặc một số chứng bệnh.

Bài 1: Long nhãn mang hương vị ngọt, có tính ấm, công dụng ích tâm tỳ, bổ khí huyết, kiện não ích trí được rất nhiều người sử dụng để điều trị chứng đãng trí. Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, long nhãn có khả năng điều chỉnh hoạt động của vỏ não và cải thiện khả năng ghi nhớ.

Cách dùng: Sử dụng 500g long nhãn, đường trắng 500g cho vào nồi đun lên rồi nấu thành cao đặc, rồi uống mỗi lần 10-15ml, ngày uống 2 lần.

Ngoài cách làm này bạn cũng có thể dùng long nhãn 15g, hồng táo 15g, gạo tẻ 50g, đổ chung vào nồi đem ninh thành cháo, khi ăn bạn có thể cho thêm một chút đường, ăn 2 lần/ngày. Nếu bạn sử dụng bài thuốc này thường xuyên sẽ thấy trí nhớ của bạn ngày càng tốt lên.

Bài 2: Hồ đào nhân, vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận cố tinh, ôn phế chỉ khái, ích khí dưỡng huyết, bổ não ích trí, nhuận tràng thông tiện. Hồ đào nhân có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều loại vitamin như B1, B2, C, E… và một lượng lớn photpholipid và lysine rất cần cho cấu trúc và hoạt động của não bộ.

Cách dùng: Ăn trực tiếp hàng ngày, ăn 1-2 trái hồ đào hay có thể cho các dược liệu gồm: hồ đào 250g, vừng đen 250g, đường đỏ 500g, hồ đào và vừng đen sao vàng, đường đỏ hòa với nước đun cô thành dạng keo rồi bỏ hồ đào và vừng đen vào cô tiếp một lát là được. Sau đó, bạn đổ chúng ra đĩa rồi để nguội rồi cắt ra thành từng miếng nhỏ, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 3 miếng.

Bài 3: Nhân sâm có vị ngọt, tính ấm, có công dụng đại bổ nguyên khí, định tâm ích trí nên điều trị chứng suy giảm trí nhớ rất tốt.

Cách dùng: Nhân sâm 10g, hạt sen bỏ tâm, đường phèn 30g, ba thứ cho vào bát đem chưng cách thủy trong 1 giờ rồi ăn cả nước lẫn cái, sử dụng thường xuyên để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bài 4: Đông trùng hạ thảo vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ hư tổn, ích tinh huyết. Đông trùng hạ thảo có tác dụng rất phong phú trong đó có tác dụng trấn tĩnh, tăng cường sức chú ý và nâng cao năng lực ghi nhớ.

Cách dùng: 10g đông trùng hạ thảo, tôm nõn 20g, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Bạn rửa sạch tất cả rồi cho vào nồi đất cùng với gừng tươi, đổ một lượng nước thích hợp, dùng lửa to cho sôi rồi đun trong 30 phút bằng lửa nhỏ, chế đủ gia vị, ăn nóng sử dụng 2 lần/ngày.

Bài 5: Hạt sen không những điều trị giấc ngủ tốt hơn mà còn có công dụng hỗ trợ tăng cường trí nhớ bởi hạt sen có vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh, dưỡng tâm an thần. 

Cách dùng: 20g hạt sen, long nhãn 20g, 30g đường phèn, ba thứ đem nấu chè ăn trong ngày.

Mất trí nhớ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và phòng bệnhMất trí nhớ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Mất trí nhớ là hội chứng lãng quên bất thường, khi bạn thường xuyên gặp khó khăn trong việc ghi nhớ những sự kiện mà trước đây bạn có thể nhớ lại. Nó có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hay đó là một số dạng của mất trí nhớ xảy ra khi tuổi tác của bạn già đi.


BS. Nguyễn Phương Nhi
Ý kiến của bạn