Hà Nội

Thuốc điều trị bệnh lỵ amip đường ruột

16-09-2024 07:38 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lỵ amip đường ruột xảy ra do sự xâm nhập của ký sinh trùng Entamoeba histolytica. Bệnh có thể không có triệu chứng, hoặc gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như tiêu chảy, đau bụng... Việc dùng thuốc điều sớm và kịp thời giúp tránh gây ra các hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe.

Lỵ amip đường ruột chủ yếu là lây gián tiếp, một người bệnh có thể thải qua phân vài triệu kén, có khi 300 triệu kén. Liều để nhiễm bệnh khoảng 1.000 kén, có khi chỉ 1 kén.

Ngoài môi trường, kén sống rất lâu, trong phân lỏng 12 ngày, trong đất 10-20 ngày, trong nước 10-30 ngày. Nước dưới 50 độ, hóa chất chlor, iode nồng độ thấp không diệt được kén.

Người nhiễm amip khi nuốt phải kén trong thức ăn bị nhiễm, nước uống không chín; ruồi, côn trùng trung gian truyền bệnh nguy hiểm. Thấy 3/4 ruồi trong nhà người bị lỵ amip có mang kén (kén có thể sống ở chân ruồi 48 giờ).

Ngoài ra, ký sinh trùng còn lây trực tiếp từ người sang người do tay bẩn, kén có thể tồn tại 5 phút ở bàn tay, 45 phút dưới móng tay.

Dán, chuột, chó, lợn cũng mang kén amip nhưng ít khi truyền bệnh cho người.

Bệnh còn lây qua đường tình dục ở những trường hợp đồng tính luyến ái nam.

Người bệnh sau khi nuốt kén một thời gian dài hay ngắn tùy vào một số điều kiện như: Lao động quá sức, suy giảm miễn dịch... mà có người trở thành người mang trùng hay bị bệnh nặng...

Lỵ amip đường ruột có nhiều thể, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.

Thuốc điều trị bệnh lỵ amip đường ruột- Ảnh 1.

Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập đường ruột gây ra tình trạng viêm nhiễm.(Ảnh minh họa)

1. Nguyên tắc dùng thuốc điều trị lỵ amip đường ruột

Đối với bệnh lỵ amip đường ruột, tại vùng có bệnh lưu hành, tình trạng người mang bào nang không triệu chứng rất phổ biến. Tại vùng không có bệnh lưu hành, người mang bào nang không triệu chứng phải được điều trị bằng các thuốc diệt amip tại ruột để giảm nguy cơ lây truyền và dự phòng tình trạng amip thể cấp tính (xâm nhập).

Thuốc điều trị bệnh lỵ amip đường ruột- Ảnh 2.

Tiêu chảy nhiều lần trong ngày, buồn nôn, nhức đầu.. .là những triệu chứng thường thấy ở người bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Tất cả người mắc lỵ amip đườn ruột xâm nhập, trước tiên cần điều trị toàn thân với metronidazol, sau đó dùng một thuốc diệt amip đường ruột để loại trừ bất kỳ amip nào còn sống sót tại đại tràng.

Diloxanide furoate được sử dụng rộng rãi nhất để diệt amip trong lòng ruột.

Điều trị với diloxanide furoate được đánh giá có hiệu quả nếu trong bệnh phẩm phân không tìm thấy E. histolytica trong vòng 1 tháng. Vì vậy, cần theo dõi xét nghiệm nhiều lần bệnh phẩm (phân) để đánh giá đáp ứng điều trị.

Trong các trường hợp lỵ amip nặng, dùng tetracyclin kết hợp với một thuốc diệt amip làm giảm nguy cơ bội nhiễm, thủng ruột và viêm phúc mạc.

2. Các thuốc thường dùng điều trị lỵ amip đường ruột

2.1. Kháng sinh metronidazol điều trị lỵ amip đường ruột:

Là thuốc đại diện chống vi khuẩn và ký sinh trùng đơn bào, dùng trong điều trị bệnh amip thể cấp tính xâm nhập và thể kén.

+ Tác dụng:

Đối với bệnh lỵ amip cấp (xâm nhập), người lớn và trẻ em có thể dùng thuốc trong 5-10 ngày. Liều lượng theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm. Sau đó điều trị bằng thuốc diệt amip tại ruột (như diloxanid).

Nếu không thể dùng đường uống, có thể dùng đường truyền tĩnh mạch tới khi bệnh nhân có thể điều trị bằng đường uống cho đủ liều, sau đó điều trị bằng thuốc diệt amip tại ruột.

Đối với dạng viên nén metronidazol, người bệnh cần phải nuốt với nước trong hoặc sau bữa ăn.

Dạng hỗn dịch metronidazol phải uống 1 giờ trước bữa ăn.

+ Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh metronidazol:

  • Thường gặp: Chán ăn, buồn nôn, nôn, vị kim loại khó chịu, tưa lưỡi và rối loạn tiêu hóa....
  • Ít gặp: Giảm lượng bạch cầu.
  • Hiếm gặp: Động kinh, mất bạch cầu hạt, nhức đầu, ngứa, phát ban da, phồng rộp ra, nước tiểu sẫm màu, dẫn đến bệnh đa dây thần kinh ngoại vi…
- Lưu ý:
  • Người bệnh cần dừng thuốc khi bị lú lẫn, chóng mặt.
  • Cần kiểm tra công thức bạch cầu là cần thiết ở người bị chứng rối loạn tạo máu hoặc chữa trị bằng liều cao, kéo dài.
  • Người bị suy gan nặng cần giảm liều khi dùng metronidazol.
  • Trường hợp không thể kiểm soát các tác dụng phụ, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám.

+ Chống chỉ định:

Người có tiền sử quá mẫn với metronidazol hoặc những dẫn chất nitro-imidazol khác.

2.2. Diloxanid:

+ Tác dụng:

Là thuốc được chọn để điều trị amip Entamoeba histolytica đã chuyển sang thể kén và không có triệu chứng lâm sàng ở những vùng không có dịch bệnh lưu hành.

Thuốc cũng được dùng sau khi đã điều trị bằng metronidazol để diệt amip thể hoạt động ở trong ruột.

- Ðiều trị người bệnh mang kén amip không triệu chứng:

Người lớn có thể dùng thuốc trong 10 ngày (liều lượng theo hướng dẫn sử dụng hoặc theo chỉ định của bác sĩ). Nếu cần, điều trị có thể kéo dài đến 20 ngày. Đối với trẻ em, uống liền 10 ngày. Nếu cần, có thể dùng thêm đợt khác.

- Ðiều trị lỵ amip cấp:

Cần dùng thuốc metronidazol trước, tiếp theo bằng diloxanid furoat, cách dùng như trên.

+ Tác dụng phụ khi dùng thuốc:

Khi dùng thuốc, đầy hơi là triệu chứng thường gặp nhất ở hầu hết người dùng.

Ngoài ra, thuốc còn gây chán ăn, nôn, co cứng bụng, thậm chí gây tiêu chảy...

Bên cạnh dùng thuốc diệt amip, nếu người bệnh đau bụng nhiều do co thắt đại tràng có thể điều trị kết hợp bằng các thuốc giảm đau, giãn cơ như atropin, papaverin... Tuy nhiên cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

    Thuốc điều trị bệnh lỵ amip đường ruột- Ảnh 3.

    Khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. (Ảnh minh họa).

2.3. Tinidazole:

+ Tác dụng:

Tinidazole thường được chỉ định sử dụng trong những trường hợp nhiễm trùng kỵ khí đường tiêu hóa, diệt amip...

Có thể dùng thuốc trước hoặc sau ăn đều không ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên để tránh kích ứng dạ dày, nên sử dụng kèm với thức ăn và cần uống cả viên thuốc với 1 ly nước đầy.

Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, hoặc liều thấp hơn so với chỉ định.

+ Tác dụng phụ cần lưu ý:

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn và thường gặp hơn nếu uống thuốc vào lúc đói, biểu hiện có thể kể đến như:

  • Buồn nôn;
  • Chán ăn;
  • Miệng có vị kim loại;
  • Tiêu chảy;
  • Ngứa;
  • Nổi mề đay;
  • Phù thần kinh mạch;
  • Nhức đầu;
  • Chóng mặt;
  • Giảm bạch cầu hạt...

+ Chống chỉ định:

Những người bệnh đang mắc những vấn đề như rối loạn tạo máu hay có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, rối loạn thần kinh thực thể…

Ngoài ra, khi bệnh nhân bị lỵ amip có biểu hiện đau nặng, có thể được sử dụng thêm thuốc giảm đau, giãn cơ trơn như atropin, smecta, papaverin...

2.4. Flagentyl

+ Tác dụng:

Flagentyl là thuốc trị ký sinh trùng dùng để điều trị bệnh amip cấp và lỵ amip không triệu chứng.

Thuốc uống vào đầu bữa ăn.

Nếu quên uống 1 liều thuốc flagentyl, người bệnh nên uống liều này càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra.

Tuy nhiên, nếu đã gần tới thời điểm dùng liều kế tiếp thì bệnh nhân nên bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo đúng như kế hoạch từ trước.

Nếu cần thêm thông tin, người bệnh có thể hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.

+ Tác dụng phụ có thể gặp là:

  • Buồn nôn;
  • Đau dạ dày;
  • Miệng có vị kim loại;
  • Viêm lưỡi;
  • Viêm miệng;
  • Mày đay.
  • Hiếm gặp:
  • Chóng mặt;
  • Rối loạn thần kinh cảm giác và vận động;
  • Giảm bất thường bạch cầu trong máu (hồi phục sau khi ngừng dùng).

+ Chống chỉ định:

  • Không dùng chung với rượu, disulfiram.
  • Không dùng ở người có tiền sử rối loạn thể tạng máu.
  • Dị ứng với dẫn xuất imidazole. Phụ nữ có thai & cho con bú.

3. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị lỵ amip đường ruột

Để điều trị bệnh lỵ amíp đường ruột đạt hiệu quả cao, việc chọn lựa loại thuốc gì, hàm lượng cụ thể như thế nào nhất thiết phải do thầy thuốc chỉ định cụ thể. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc để tránh những tác dụng không mong muốn của các loại thuốc diệt amíp.

Để phòng lỵ amip đường ruột, chủ yếu là:

  • Vệ sinh ăn uống, tránh để lây nhiễm kén amip vào thức ăn, nước uống.
  • Khi dùng rau quả tươi phải rửa sạch, khử khuẩn hoặc xử lý bằng tia cực tím để diệt kén amip.
  • Những người mang kén amip cần được điều trị bằng metronidazol.
  • Khi bị amip cấp tính cần điều trị đúng, dứt điểm, tránh bệnh thành mạn tính và gây biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe...
  • Lỵ amip đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừaLỵ amip đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừa

    Lỵ amip là tình trạng nhiễm trùng đường ruột xảy ra do sự xâm nhập của ký sinh trùng Entamoeba histolytica. Bệnh có thể dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, sốt và đau bụng cấp, nhiều trường hợp còn có triệu chứng không rõ ràng.


DS. Nguyễn Thị Hằng
Ý kiến của bạn