Bệnh lao da và mô dưới da là nhiễm trùng da do vi khuẩn gây bệnh lao phổi Mycobacterium tuberculosis (M. tuberculosis) gây ra. Hiệu quả điều trị lao da và mô dưới da phụ thuộc vào khả năng miễn dịch của từng bệnh nhân, sức khỏe tổng thể, giai đoạn bệnh, loại tổn thương da, mức độ tuân thủ của bệnh nhân, thời gian điều trị và các tác dụng phụ nào gặp phải...
1. Các thuốc trong điều trị lao da và mô dưới da
Thuốc kháng sinh đơn lẻ thông thường không tiêu diệt được vi khuẩn lao. Để điều trị lao da và mô dưới da cần dùng kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh đặc biệt trong vài tháng. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn ở thường kéo dài 6 tháng.
Đầu tiên, phương pháp này bao gồm kết hợp bốn loại thuốc kháng sinh trong 2 tháng, đó là isoniazid, rifampicin, pyrazinamide và ethambutol. Sau đó, tiếp tục dùng rifampicin và isoniazid trong 4 tháng nữa. Phác đồ điều trị có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại vi khuẩn mắc phải và bộ phận nào của cơ thể bị ảnh hưởng.

Lao da và mô dưới da là bệnh lao ngoài phổi, được xếp vào loại bệnh da hiếm gặp.
1.1. Isoniazid
Tác dụng: Isoniazid là thuốc chống lao hàng đầu và đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh lao da và mô dưới da. Thuốc được sử dụng như một phần của phác đồ đa thuốc để ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc và loại bỏ hiệu quả vi khuẩn lao.
Tác dụng phụ: Mặc dù isoniazid thường được dung nạp tốt, nhưng nó có thể gây ra độc tính với gan (theo dõi xét nghiệm chức năng gan), bệnh lý thần kinh ngoại biên (ngăn ngừa bằng cách bổ sung pyridoxine - vitamin B6), các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn).
1. 2. Rifampicin
Tác dụng: Rifampicin cũng là thuốc chống lao hàng đầu được sử dụng để điều trị bệnh lao da. Thuốc là một phần của liệu pháp kết hợp để ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc.
Tác dụng phụ: Mặc dù có hiệu quả, rifampicin có một số tác dụng phụ cần theo dõi như độc tính với gan; nước tiểu, mồ hôi và nước mắt đổi màu đỏ/cam; vấn đề về đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy); hội chứng giống cúm (sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ).
Nên uống thuốc khi bụng đói (trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ) để hấp thụ tốt hơn; không nên dùng với thuốc kháng axit vì chúng làm giảm hấp thụ.
1. 3. Pyrazinamid
Tác dụng: Pyrazinamide tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh lao. Thuốc được sử dụng cùng với các loại thuốc chống lao khác để điều trị bệnh.
Tác dụng phụ tiềm ẩn như: Độc tính với gan (có thể gây tổn thương gan, theo dõi men gan thường xuyên), tăng axit uric máu (có thể gây đau khớp giống bệnh gout), các vấn đề về đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, chán ăn), phát ban da và nhạy cảm với ánh sáng.

Cần uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
1. 4. Ethambutol
Tác dụng: Ethambutol kết hợp với các thuốc chống lao khác giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa sự phát triển của tình trạng kháng thuốc.
Tác dụng phụ khi dùng ethambutol có thể gặp: Viêm dây thần kinh thị giác (mờ mắt, mù màu, khó nhìn thấy màu đỏ-xanh lục), bệnh lý thần kinh ngoại biên (tê, ngứa ran ở tay và chân), các vấn đề về đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, chán ăn), đau khớp (hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở một số bệnh nhân).
Thuốc nên uống một lần mỗi ngày, tốt nhất là khi bụng đói để hấp thụ tốt hơn.
2. Lưu ý khi dùng thuốc
Để điều trị lao da và mô dưới da an toàn, hiệu quả, cần lưu ý:
- Việc điều trị lao da và mô dưới da cần kiên trì, có thể nhiều tháng hoặc nhiều năm.
- Không khuyến khích điều trị bằng thuốc đơn lẻ.
- Bệnh lao kháng nhiều thuốc đã trở thành một vấn đề đáng kể trên toàn thế giới. Thời gian cần điều trị lâu hơn (18–24 tháng) bằng thuốc lao hàng thứ hai, do đó, cần theo dõi chặt chẽ. Ở bệnh lao kháng thuốc, cần kết hợp các loại thuốc hàng thứ hai, dựa trên thử nghiệm nhạy cảm với thuốc.
Các thuốc được sử dụng gồm: Bedaquiline, linezolid, levofloxacin hoặc moxifloxacin, cycloserine; có thể dùng một số thuốc tiêm (như amikacin, kanamycin hoặc capreomycin) trong các trường hợp nặng.
- Tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ: Một số trường hợp điều trị không thành công là do không dùng thuốc đúng cách và đều đặn. Do đó, điều quan trọng là phải tuân thủ các hướng dẫn về thuốc, ngay cả khi người bệnh cảm thấy khỏe hơn nhiều sau vài tuần, vẫn phải hoàn thành toàn bộ liệu trình điều trị.
- Tái khám đúng lịch giúp kiểm tra xem bệnh lao da có đáp ứng với phương pháp điều trị hay không và xác định xem có bất kỳ tác dụng phụ nào của phương pháp điều trị hay không.
- Thiết lập thói quen dùng thuốc điều trị lao theo chỉ dẫn và uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
- Khi có bất thường trong thời gian uống thuốc cần báo cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cảnh báo nguy cơ lao phổi tiến triển nặng khi tự ý điều trị.