Thuốc điều trị bệnh do Cryptosporidium

24-07-2024 13:32 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh do Cryptosporidium gây tiêu chảy nghiêm trọng. Đối với một người khỏe mạnh có thể tự phục hồi, tuy nhiên, nhiễm trùng có thể nghiêm trọng ở người bị suy giảm miễn dịch và cần phải điều trị y tế.

1. Bệnh do Cryptosporidium là gì?

Bệnh do Cryptosporidium là bệnh đường ruột do một loại ký sinh trùng nguyên sinh thuộc chi Cryptosporidium gây ra. Ký sinh trùng này xuất hiện tự nhiên trong môi trường. Bệnh lây lan do vô tình tiếp xúc với phân của người hoặc động vật bị nhiễm trùng, bao gồm:

- Nuốt phải nước bị nhiễm ký sinh trùng. Ký sinh trùng có thể được tìm thấy trong hồ bơi, hồ, sông, suối, ao bị nhiễm nước thải hoặc phân.

- Ăn thực phẩm chưa nấu chín bị nhiễm ký sinh trùng.

- Nuốt phải ký sinh trùng bám trên bề mặt đồ đạc của người nhiễm bệnh.

- Chạm tay bị nhiễm bẩn vào miệng.

Thuốc điều trị bệnh do Cryptosporidium- Ảnh 1.

Bệnh do Cryptosporidium là một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng cryptosporidium gây ra.

Bệnh do Cryptosporidium thường không phải là một căn bệnh nghiêm trọng ở những người khỏe mạnh, nhưng nó có thể gây nguy hiểm đối với những người có hệ miễn dịch yếu.

Những người có nguy cơ là:

- Người bị nhiễm HIV/AIDS.

- Bệnh nhân ung thư, ghép tạng đang dùng một số loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

- Những người mắc bệnh di truyền ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Các triệu chứng của bệnh do Cryptosporidium thường xuất hiện từ 2 đến 10 ngày sau khi tiếp xúc với ký sinh trùng. Triệu chứng chính là tiêu chảy, đôi khi kèm theo nôn mửa, đau bụng dữ dội, mệt mỏi và sốt. Nhiễm trùng cũng có thể không có triệu chứng.

Vì vậy, những người nhiễm cryptosporidium nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây lan ký sinh trùng cho người khác, đặc biệt là ở những cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc hộ gia đình có những người dễ bị tổn thương.

2. Thuốc điều trị bệnh do Cryptosporidium

Hầu hết những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh không cần phải điều trị, bệnh Cryptosporidiosis sẽ tự khỏi. Ở những người có hệ miễn dịch yếu, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bác sĩ có thể kê đơn:

2.1 Thuốc chống ký sinh trùng

Nitazoxanide là một thuốc chống ký sinh trùng phổ rộng và kháng virus phổ rộng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị bệnh do Cryptosporidium ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh từ 1 tuổi trở lên. Tuy nhiên hiệu quả của nitazoxanide trong điều trị bệnh ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu vẫn chưa rõ ràng.

Nitazoxanide ức chế sự phát triển của Cryptosporidium. Trong các thử nghiệm lâm sàng, nitazoxanide làm giảm đáng kể thời gian tiêu chảy, tăng tỷ lệ diệt trừ ký sinh trùng và cải thiện tỷ lệ tử vong ở trẻ em suy dinh dưỡng bị nhiễm Cryptosporidium có huyết thanh âm tính với HIV.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo là đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và nhức đầu.

2.2 Thuốc điều trị triệu chứng

Việc điều trị triệu chứng bao gồm bù nước, cung cấp dinh dưỡng phù hợp và điều trị bằng thuốc chống nhu động ruột như loperamide hoặc diphenoxylate-atropine. Thuốc giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy. Tuy nhiên, những loại thuốc này nên được sử dụng thận trọng và chỉ dưới sự giám sát y tế.

Giống như bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường ruột nào, bệnh do Cryptosporidium có thể dẫn đến tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Vì vậy, việc bù nước và chất điện giải là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân bị mất nhiều dịch do tiêu chảy.

Bù nước bằng đường uống là phương pháp được ưu tiên, nhưng những bệnh nhân bị bệnh nặng có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Thuốc điều trị bệnh do Cryptosporidium- Ảnh 2.

Không uống nước máy chưa đun sôi để phòng nhiễm bệnh.

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu như HIV/AIDS hoặc đang điều trị hóa chất, cần tiếp tục điều trị tình trạng bệnh lý tiềm ẩn để cải thiện phản ứng miễn dịch và giúp kiểm soát nhiễm trùng cryptosporidium.

Ngoài ra, duy trì chế độ ăn uống bổ dưỡng là điều quan trọng để hỗ trợ phục hồi và ngăn ngừa sụt cân. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể hướng dẫn người bệnh thay đổi chế độ ăn uống.

3. Làm gì để ngăn ngừa bệnh?

Hiện không có vaccine để ngăn ngừa bệnh do Cryptosporidium. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là vệ sinh cá nhân tốt. Ngoài ra cần thực hiện:

- Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh.

- Rửa tay thật sạch trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.

- Rửa sạch và gọt vỏ tất cả các loại trái cây và rau sống trước khi ăn.

- Không uống nước từ hồ, sông, suối, ao trừ khi đã được lọc hoặc xử lý.

- Khi đi du lịch đến các khu vực có nguồn cung cấp nước không an toàn, không uống nước máy chưa đun sôi.

Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn gỏi sốngDấu hiệu nhiễm ký sinh trùng sau khi ăn gỏi sống

SKĐS - Nhiều người cho rằng khi ăn gỏi chỉ cần vắt thêm chanh hoặc uống thêm rượu mạnh sẽ không bị nhiễm giun sán. Tuy nhiên, một số ký sinh trùng có thể lây sang người khi ăn thủy hải sản sống.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Hp dạ dày nguy hiểm thế nào? Có nhất thiết phải diệt trừ vi khuẩn HP hay không? I SKĐS


DS. Vũ Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn