Thuốc điều trị bệnh chốc?

17-08-2017 15:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Con tôi 2 tuổi. Gần đây, trên vùng đầu sát với trán của cháu có nhiều mụn nhỏ bọng nước kết thành đám, gây đau ngứa, tiết dịch ẩm ướt.

Tôi không biết cháu bị bệnh gì và dùng thuốc gì để chữa. Mong bác sĩ tư vấn.

Trần Dung (Hà Nam)

Theo thư chị mô tả thì cháu có nhiều biểu hiện của bệnh chốc. Chốc là một trong những bệnh ngoài da ở trẻ hay gặp - là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh xuất hiện với những bóng nước hình tròn, dẹp, sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Vị trí thường gặp của bệnh chốc là ở mặt, vùng da hở, hoặc bất kỳ chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác, vì vậy bệnh còn được gọi là chốc lây. 90% trường hợp chốc là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Chốc được phân loại theo hình thái thương tổn: chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước. Chốc có bọng nước điển hình thường do tụ cầu gây ra. Tổn thương cơ bản là dát đỏ kích thước từ 0,5-1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó. Chốc không có bọng nước điển hình nguyên nhân thường do liên cầu tan huyết nhóm A. Thương tổn ban đầu là các mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình.

Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc. Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị dây dịch của vết chốc. Nếu mẹ không để ý và kịp thời chữa cho trẻ có thể dẫn đến bệnh viêm cầu thận. Viêm cầu thận xảy ra sau khi phát chốc lở khoảng 2 tuần. Triệu chứng gồm: phù mặt, nhất là phù mi mắt, đi tiểu ít, có máu trong nước tiểu, tăng huyết áp, cứng khớp và đau khớp.

Điều trị chốc cần dùng các thuốc sau:

Trường hợp nhẹ hoặc thương tổn khu trú: Làm sạch tổn thương bằng dung dịch NaCl 0,9% hay thuốc tím 1/10.000. Dùng mỡ/kem kháng sinh như axit fusidic ngày 2 lần hoặc mupirocin.

Khi thương tổn lan rộng, nặng, dai dẳng và có nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp: Dùng kháng sinh toàn thân. Có thể dùng kháng sinh nhóm β-lactam, cephalosporin, macrolid, penicillin bán tổng hợp (ví dụ augmentin, erythromycin, cefixim...).

Nếu chốc kháng thuốc phải điều trị theo kháng sinh đồ. Dùng thuốc kháng histamin H1 nếu có ngứa như: phenergan, loratadin... Nếu có biến chứng phải chú trọng điều trị các biến chứng.

Để phòng ngừa, mẹ nên giữ cho da trẻ sạch sẽ; nhẹ nhàng rửa sạch vùng bị bệnh bằng xà phòng nhẹ dưới vòi nước và sau đó băng lại; cắt móng tay cho trẻ để trẻ khỏi cào gãi...

Tốt nhất chị nên đưa con đi khám chuyên khoa da liễu để có chỉ định điều trị của bác sĩ.

DS. Yến Trang


Ý kiến của bạn