Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Vi khuẩn tiết độc tố, ức chế sự tổng hợp protein, gây hủy hoại các mô tại chỗ, tạo màng giả dày màu trắng xám ở mũi, lưỡi, họng và thanh khí quản. Độc tố này được hấp thu vào máu, đi tới khắp các cơ quan trong cơ thể, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, liệt cơ, tổn thương thần kinh...
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%. Đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ ủ bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí hay tiếp xúc với da người mắc bệnh. Bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.
1. Các thuốc điều trị bệnh bạch hầu
1.1. Dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD)
Kháng độc tố bạch hầu là một dung dịch protein tinh chế, đậm đặc (chủ yếu là globulin miễn dịch) vô khuẩn, không có chất gây sốt, có chứa các kháng thể chống độc tố. Dung dịch được điều chế từ huyết tương hay từ huyết thanh ngựa khỏe mạnh đã được gây tăng miễn dịch chống độc tố bạch hầu bằng giải độc tố bạch hầu đơn thuần hoặc phối hợp với độc tố bạch hầu.
Thuốc này được sử dụng ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Liều dùng thuốc phụ thuộc vào mức độ nặng/nhẹ của bệnh (không phụ thuộc vào độ tuổi hay cân nặng). Nên test dị ứng trước khi tiêm. Với trường hợp mắc bạch hầu nặng, có thể xem xét truyền tĩnh mạch SAD và theo dõi sát các dấu hiệu phản vệ, chuẩn bị sẵn sàng để cấp cứu phản vệ nếu xảy ra.
1.2. Một số loại thuốc kháng sinh điều trị bệnh bạch hầu
- Benzylpenicillin (Penicillin G): Đây là những kháng sinh đầu tiên được sử dụng trong điều trị. Penicillin được sinh tổng hợp từ penicilinum notatum (penicilinum chrysogenum). Penicillin G có phổ tác dụng trên trực khuẩn gram (+) như bạch hầu, có tác dụng diệt khuẩn thông qua việc ức chế sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.
Tác dụng phụ thường gặp bao gồm: Ban da, mề đay, ớn lạnh, sốt, phù, đau khớp, kiệt sức, sốc phản vệ. Do có nguy cơ phản ứng chéo miễn dịch giữa benzylpeniciilin và các cephalosporin nên tuyệt đối thận trọng với người có tiền sử dị ứng với penicillin và cephalosporin. Thận trọng với bệnh nhân suy giảm chức năng thận, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi và trẻ sơ sinh.
- Erythromycin thuộc nhóm macrolid: Thuốc có tác dụng kìm và diệt khuẩn ở nồng độ cao nên có phổ tác dụng rộng. Erythromycin thay thế kháng sinh nhóm beta-lactam ở những bệnh nhân dị ứng penicillin. Thuốc được chỉ định phòng bệnh bạch hầu ở người bệnh mất miễn dịch.
Tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm: Đau bụng, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, chán ăn, khó tiêu… là phổ biến nhất. Tác dụng phụ này thường liên quan đến liều và xuất hiện nhiều ở người trẻ hơn là người cao tuổi.
Đối với bệnh nhân đang mắc bệnh gan, suy thận, bệnh tim cần rất thận trọng khi sử dụng các dạng erythromycin. Erythromycin có thể làm giảm tác dụng của clopidogrel, zafirlukast, vaccine thương hàn. Tránh dùng rượu do làm giảm hấp thu erythromycin và tăng tác dụng phụ của rượu.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp nhất định cần:
+ Hỗ trợ hô hấp: Làm thông thoáng đường thở (nếu bệnh nhân bị khó thở thanh quản độ II thì cần mở khí quản để thông thoáng đường thở).
+ Hỗ trợ tuần hoàn nhằm cung cấp đầy đủ nước điện giải theo nhu cầu của người bệnh (có tính đến bù trừ nếu bị nôn ói, khó thở, sốt cao...).
+ Bệnh nhân mắc bạch hầu bị suy đa tạng và suy thận có thể cần lọc máu.
+ Có thể dùng thuốc corticoid trong trường hợp bạch hầu ác tính và bạch hầu thanh quản có biểu hiện phù nề nhiều.
+ Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân theo đường tĩnh mạch hoàn toàn hoặc kết hợp qua đường tiêu hóa tùy từng trường hợp cụ thể.
2. Cách phòng tránh bệnh bạch hầu
Để phòng tránh bệnh bạch hầu, cần lưu ý:
- Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch: Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Hiện nay trong Chương trình tiêm chủng ở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type b) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh.
- Chú ý khâu vệ sinh: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Cách lý khi bị bệnh: Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những sai lầm phổ biến mà cha mẹ cần lưu ý trước và sau khi đưa trẻ đi tiêm.