Ảnh minh hoạ.
Nhiều người quan niệm rằng dùng thuốc dạng sủi khá an toàn, không ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày nhiều như thuốc dạng viên vì thuốc được hòa tan trước khi uống. Tuy nhiên, thuốc dạng sủi, ngoài thành phần chính là dược chất còn có nhiều chất khác không có tác dụng điều trị, hay còn gọi là tá dược như chất tạo màu và tạo hương với mục đích giúp cho việc uống thuốc dễ dàng hơn; chất tạo sủi natri bicacbonat có tính kiềm, khi gặp chất có tính acid như vitamin C hòa trong nước, nó sẽ tạo phản ứng hóa học, trở thành muối ăn và các bọt khí CO2. Nhờ những hoạt chất này cùng với một số tá dược khác sẽ làm thúc đẩy quá trình tan các hoạt chất chính được nhanh hơn, đồng thời cũng giúp khả năng hấp thu của thuốc vào cơ thể tốt hơn.
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội này cũng cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc dạng này. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, những người bị tăng huyết áp, đột quỵ, suy thận, sỏi thận, canxi máu cao, nước tiểu nhiều cặn sỏi... tuyệt đối tránh sử dụng dạng thuốc này.
Mới đây, các nhà khoa học còn tìm thấy nguy cơ bị đột quỵ, tăng huyết áp và tử vong từ thuốc dạng sủi bởi trong thành phần thuốc này có khá nhiều muối. Nghiên cứu của Trường đại học Dundee (Anh) trên hơn 1 triệu người thấy rằng, những người sử dụng các thuốc dạng hòa tan dễ bị đột quỵ hơn 22%, dễ bị tăng huyết áp hơn gấp 7 lần và dễ bị tử vong sớm do mọi nguyên nhân hơn 28% so với những người dùng các thuốc tương tự không chứa muối.