Thuốc chữa zona - Dùng càng sớm càng tốt
Bệnh zona là một bệnh do virut, tuy nhiên, việc dùng thuốc kháng virut lại không phải ai cũng cần thiết, kể cả bôi thuốc kháng virut cũng không có hiệu quả. Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh, cần đến khám và tư vấn ngay tại các bác sĩ da liễu để hạn chế biến chứng và đau sau zona.
Bệnh zona (Herpes Zoster hay Shingles) là nhiễm virut da do tái hoạt tính các virut trong cơ thể của bệnh thủy đậu mắc từ trước. Sau khi bị thủy đậu, bệnh khỏi nhưng Varicella Zoster virus (VZV) không bị loại khỏi cơ thể mà nằm ngủ trong hạch thần kinh cảm giác ở sống lưng. Khi có các yếu tố tác động như suy giảm miễn dịch, các chấn thương, u ác tính, chiếu xạ, sử dụng các thuốc làm suy giảm sức đề kháng thì VZV tái hoạt động, chúng tăng sinh và đi qua dây thần kinh gây thương tổn ở da - niêm mạc. Biểu hiện là đau, xuất hiện các đám mụn nước, bọng nước ở một vùng da - niêm mạc và chỉ ở một bên cơ thể tương ứng với hạch thần kinh cảm giác mà VZV khu trú. Hậu quả chủ yếu của zona gây cho người bệnh là đau dây thần kinh. Ngoài ra, các thương tổn sau khi khỏi có thể để lại sẹo xấu gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cho người bệnh.
Mục đích của điều trị là chống bội nhiễm thương tổn da, chống đau dây thần kinh, chống virut, phòng tránh các biến chứng nặng và đau sau zona.
Virut gây bệnh zona đi vào dây thần kinh gây tổn thương bề mặt da.
Các thuốc kháng virut
Nguyên tắc quan trọng điều trị zona là điều trị càng sớm càng tốt và chỉ định điều trị thuốc kháng virut cần được bác sĩ quyết định, bệnh nhân không nên tự điều trị.
Có 3 loại thuốc hiện được sử dụng để chữa zona là acyclovir, valacyclovir và famciclovir. Tác dụng của thuốc làm cho rút ngắn thời gian bài xuất virut, làm giảm các thương tổn mới, nhanh liền sẹo và giảm đau cho bệnh nhân, giảm được tỷ lệ đau sau zona. Zona mắt cần phải điều trị ngay để tránh các biến chứng vì nếu không điều trị thì có tới 50% bệnh nhân sẽ bị biến chứng về thị lực mà nặng nhất là bị mù. Bệnh nhân cũng cần được khám sớm chuyên khoa mắt để xử trí các biến chứng.
Các thuốc trên không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Các thuốc kháng virut bôi ngoài da không có tác dụng điều trị. Những bệnh nhân có nguy cơ bị biến chứng như người già, người có sức đề kháng suy yếu, zona mắt thì cần phải điều trị và việc điều trị càng sớm càng tốt. Những bệnh nhân trẻ tuổi, thương tổn ít thì trị liệu kháng virut là không bắt buộc.
Thời điểm điều trị tốt nhất là khi có tiền triệu hoặc trước 72 giờ khi bệnh đã phát. Nhưng thật đáng tiếc, đa số bệnh nhân thường đến khá muộn. Tuy nhiên, việc điều trị sau 72 giờ kể từ khi phát bệnh cũng có hiệu quả đối với ngăn chặn các thương tổn mới tiếp tục mọc và giảm tỷ lệ đau sau zona.
Khi dùng thuốc kháng virut, tỷ lệ đau sau zona có giảm nhưng thuốc không ngăn ngừa được chứng đau sau zona. Sử dụng corticosteroid phối hợp để chữa zona làm cho giảm đau cấp tính và nhanh lành sẹo. Bệnh nhân được cải thiện rõ về chất lượng sống, giảm sự đau đớn, ngủ tốt hơn và chóng hồi phục hơn. Tuy nhiên, do corticosteroid có một số tác dụng phụ nên cần có chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc. Không dùng corticosteroid điều trị zona đơn độc mà không dùng thuốc kháng virut.
Cần cảnh giác với các thương tổn do zona ở mắt.
Điều trị triệu chứng và tại chỗ
Điều trị đau do zona trong giai đoạn hoạt tính và giai đoạn đau mạn tính sau zona là một phần quan trọng của trị liệu bệnh này. Các thuốc giảm đau thông thường paracetamol được sử dụng, không dùng aspirin vì có thể gây biến chứng. Neurontin được chỉ định điều trị phối hợp đau sau zona nhưng cần có chỉ định của bác sĩ. Đau sau zona được định nghĩa là đau sau 30 ngày kể từ khi xuất hiện thương tổn da. Đau có thể dị cảm, quá cảm và tồn tại hàng tháng, thậm chí hàng năm. Đau sau zona tăng theo tuổi, tuổi càng cao thì tỷ lệ bị đau sau zona càng nhiều. Trường hợp đau nặng, đau dai dẳng cần có trị liệu do thầy thuốc chỉ định.
Điều trị tại chỗ với mục đích chống bội nhiễm vi khuẩn. Cần giữ cho thương tổn sạch và khô. Nên đắp băng gạc vô khuẩn lên thương tổn cho thoáng và không bị quần áo cọ xát vào thương tổn. Không nên bôi mỡ kháng sinh mà có thể dùng các dung dịch sát khuẩn như dung dịch milian, thuốc đỏ eosin...
PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng (Bệnh viện Da liễu Trung ương)
Gửi bài viết cho tòa soạn qua email: bandientuskds@gmail.com
Sức khỏe người lớn
Sức khỏe trẻ em
Sơ cứu
Sức khoẻ tâm thần
Ẩm thực và dinh dưỡng
Sức khỏe và môi trường
Các biện pháp tránh thai
Sức khoẻ sinh sản và tình dục
Các thuật ngữ
Tìm hiểu cơ thể người
Dược
Thẩm mỹ
Trang phục
Rèn luyện
Ngôi nhà an toàn
Giải thích các xét nghiệm
Khám sức khỏe
Dinh dưỡng phòng chống ung thư
-
Lục thùng rác tìm mảnh cánh mũi bị đứt rời tới viện để ghép cho bé 5 tuổi
SKĐS - Các bác sĩ BVĐK tỉnh Vĩnh Phúc vừa thực hiện ghép lại mảnh tổn thương mũi bị đứt rời cho một bệnh nhi 5 tuổi ở Vĩnh Phúc. Điều đặc biệt là bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt và bị đứt rời hoàn toàn trụ mũi và cánh mũi bên trái, nhưng phần cánh mũi này được lấy lại ở trong thùng rác. - Những sai lầm trong việc dùng tinh bột nghệ khi viêm loét dạ dày
- Truyền hình trực tuyến: Cách đúng ngừa tai biến, đột quỵ mùa lạnh
- Khi nào cần nội soi tiêu hoá?
- Hai truyền thuyết dân gian về việc Trần Hưng Đạo chém Phạm Nhan