Hà Nội

Thuốc chữa viêm thanh quản ở trẻ em

28-12-2021 09:04 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Viêm thanh quản ở trẻ nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm. Vậy dùng thuốc như thế nào?


Trị bệnh viêm thanh quản theo Đông yTrị bệnh viêm thanh quản theo Đông y

SKĐS - Theo Đông y, viêm thanh quản phần lớn do ngoại tà cảm nhiễm, liên quan đến kinh phế và thường phát sinh đột ngột, đó là do ngoại tà lấn phế làm cho khí phế âm bị tổn thương mà sinh bệnh.

1. Viêm thanh quản ở trẻ em là gì?

Viêm thanh quản ở trẻ em là tình trạng viêm tại niêm mạc thanh quản. Bệnh thường gặp mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào mùa đông lạnh là điều kiện thuận lợi cho tác nhân virus gây bệnh bùng phát.

Đa phần các trường hợp trẻ tự khỏi sau 5-7 ngày, tuy nhiên trường hợp nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân thường gặp

Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là virus á cúm, đặc biệt là type 1, chiếm đến 75% trường hợp mắc viêm thanh quản. Các nguyên nhân ít gặp hơn như virus hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus, tác nhân vi khuẩn như phế cầu, Hemophilus influenzae, liên cầu khuẩn nhóm A… Sự bùng phát bệnh có tính chất theo mùa, thường xảy ra vào mùa thu đông theo sự phát triển của virus, lan truyền qua không khí hoặc khi tiếp xúc với dịch tiết có chứa virus.

Bên cạnh đó, một số điều kiện thuận lợi phát triển bệnh như: Trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên trước đó (viêm họng amidan, viêm mũi xoang,…); hoạt động dây thanh âm gắng sức (trẻ nói quá nhiều, nói to, la hét thường xuyên); khói thuốc lá, phản ứng dị ứng; trẻ mắc trào ngược dạ dày.

photo-1640623327172

Viêm thanh quản ở trẻ nếu không được điều trị đúng, kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm.

3. Các dấu hiệu điển hình giúp nhận biết viêm thanh quản ở trẻ

Trẻ bị viêm thanh quản thường chảy mũi, viêm họng, ho ít và sốt nhẹ 1-3 ngày trước. Sau đó, xuất hiện các triệu chứng đặc hiệu hơn của tắc nghẽn đường hô hấp trên: Ho ông ổng, khàn tiếng và thở rít thì hít vào.

Các triệu chứng thường nặng hơn về đêm, khi trẻ kích thích hoặc khóc. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gặp tình trạng suy hô hấp, thở nhanh và rút lõm lồng ngực.

Những dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị tích cực:

  • Tiếng thở rít tăng dần, xuất hiện cả khi trẻ nằm yên.
  • Xuất hiện các dấu hiệu khó thở, nhịp thở bất thường, phập phồng cánh mũi.
  • Trẻ cảm thấy mệt nhiều.
  • Trẻ có biểu hiện há miệng khi thở và chảy nước miếng.
  • Sốt cao trên 39 độ C, môi khô, lưỡi bẩn, chảy dịch ở tai (nghi ngờ bội nhiễm)
  • Cơn khó thở thanh quản không giảm sau 3 ngày điều trị tại nhà.

Viêm thanh quản có thể gây biến chứng: Viêm tai, viêm phổi… Thông thường viêm thanh quản cấp ở trẻ thường diễn biến khá nguy hiểm và nhanh, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

photo-1640623329890

Trẻ sốt cao trên 39 độ C cần đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế.

4. Biện pháp nào giúp điều trị bệnh hiệu quả?

Thông thường, bệnh viêm thanh quản cấp kéo dài từ 5 đến 7 ngày rồi tự khỏi nếu không xảy ra những biến chứng bội nhiễm dẫn đến đồng mắc các bệnh nhiễm khuẩn khác. Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh là giữ thông thoáng đường thở, tùy theo nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh mà sẽ có hướng chăm sóc phù hợp.

- Trong trường hợp nhẹ (không có tiếng thở rít thì hít vào lúc nghỉ ngơi), trẻ có thể được chăm sóc tại nhà bằng cách bổ sung dịch, hạ sốt và corticosteroid liều duy nhất. Giữ cho trẻ cảm thấy thoải mái là điều quan trọng bởi vì trẻ mệt và quấy khóc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Các thiết bị làm ẩm không khí, chẳng hạn như máy phun sương tạo ẩm, có thể cải thiện tình trạng khô đường hô hấp trên.

- Đối với các trường hợp trung bình/nặng, tức là lâm sàng có tiếng thở rít thì hít vào ngay cả lúc nghỉ ngơi, cần phối hợp corticosteroid và adrenalin đường khí dung thoe chỉ định của bác sĩ.

4.1. Thuốc hạ sốt

Nếu thân nhiệt của trẻ khoảng 38,5°C có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách sử dụng thuốc paracetamol với liều từ 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách 4 – 6h. Ngoài ra, không nên phối hợp nhiều loại thuốc hạ sốt cùng một lúc. Điều này không những không làm tăng thêm tác dụng mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến cơ thể trẻ.

Bên cạnh đó, nên cởi bỏ bớt / cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để tỏa bớt thân nhiệt, cho trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, hạn chế nhiều người vây quanh trẻ. Đồng thời, lau người cho trẻ bằng khăn ấm. Dùng 5 khăn mềm nhúng vào nước ấm vắt ráo và đặt vào vị trí: Trán, hai nách, hai bên bẹn của trẻ. Nước ấm bốc hơi sẽ làm mát thân nhiệt của trẻ.

4.2. Bù dịch cho trẻ

Khi sốt, trẻ có xu hướng mất nước nhiều hơn mất điện giải, chủ yếu mất nước qua mồ hôi và hơi thở. Do đó, khi bù dịch cho trẻ, cần bù theo những gì trẻ mất đi, tức là bù nước nhiều hơn bù điện giải. Cho trẻ uống nhiều nước, nếu là trẻ sơ sinh bị sốt, nên tăng cữ bú và lượng bú, còn với trẻ em trên 1 tuổi có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây, đặc biệt là các loại giàu vitamin C như nước cam, nước chanh,… để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

4.3.Glucocorticoid

Glucocorticoid là biện pháp chính trong điều trị bệnh viêm thanh quản, thuốc làm giảm phù nề, giúp giải phóng đường dẫn khí thông qua cơ chế kháng viêm ngoài gen (non-genomic) cho tác dụng tức thời.

- Dexamethasone đường tiêm hay uống đều có hiệu quả tương đương nhau, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng dung nạp của bệnh nhân để chỉ định đường dùng thuốc thích hợp. Sau khi dùng liều duy nhất dexamethasone, triệu chứng của bệnh sẽ cải thiện trong vòng 1 – 3 giờ và kéo dài tác dụng đến 24 – 48 giờ.

- Thuốc corticosteroid dạng hít (ICS): Budesonide dạng khí dung là loại ICS duy nhất được dùng trong viêm thanh quản cấp do thuốc có tác dụng kháng viêm theo cơ chế ngoài gen cho hiệu quả nhanh, tương đương với dexamethasone đường uống. Trường hợp nặng hoặc dọa suy hô hấp, việc phun đồng thời budesonide và adrenalin cho hiệu quả tốt hơn.

4.4. Dùng adrenalin trong điểu trị viêm thanh quản

Adrenalin giúp gây co tiểu động mạch niêm mạc đường hô hấp trên, thay đổi áp suất thủy tĩnh mao mạch, từ đó làm giảm phù nề, giảm triệu chứng khó thở và mệt mỏi; giảm khó thở rõ trong vòng 10 phút sau khi sử dụng và tác dụng kéo dài hơn 1 giờ, hết tác dụng sau 2 giờ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời, hiệu quả của thuốc thoáng qua. Có thể lặp lại sau 30 phút - 1 giờ nhưng không nên lặp lại quá 3 lần do adrenalin có thể gây ra tình trạng tăng nhịp tim và một số tác dụng bất lợi khác của thuốc.

4.5. Các thuốc không dùng trong viêm thanh quản ở trẻ em

Thuốc giảm ho, chống sung huyết

Các thuốc giảm ho, chống sung huyết không được khuyến cáo sử dụng để điều trị viêm thanh quản ở trẻ.

Thuốc kháng sinh

Tác nhân chính gây viêm thanh phế quản là virus, chúng thường ít gây ra nhiễm trùng thứ phát. Do đó, việc sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm thanh quản không được khuyến cáo thường quy, trừ trường hợp bội nhiễm vi khuẩn.

Hiện nay, có nhiều người cho rằng: cứ mắc nhiễm trùng đường hô hấp thì phải sử dụng kháng sinh cho trẻ. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định có cần dùng kháng sinh hay không. Tình trạng quá tin tưởng vào kháng sinh này dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh.

5. Phòng ngừa bệnh viêm thanh quản ở trẻ

Để phòng ngừa viêm thanh quản ở trẻ cần thực hiện:

- Giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh, đặc biệt là phần cổ, gan bàn tay, bàn chân.

- Hạn chế đến nơi đông người, nhất là vào mùa dịch, cách ly với những người đang mắc các bệnh viêm đường hô hấp, cúm…

- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm, nhiều khói, bụi hoặc các tác nhân dễ gây dị ứng.

- Không để trẻ la hét quá lớn tránh gây khàn giọng.

- Cho trẻ uống nước đầy đủ để giữ cho thanh quản trẻ luôn ẩm, trơn và sạch. Không nằm quá lâu trong phòng điều hòa mà không dùng máy tạo độ ẩm vì dễ làm họng trẻ bị khô.

- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho trẻ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

DS. Phạm Quỳnh Như
Ý kiến của bạn