Hà Nội

Thuốc chữa viêm mũi xoang xuất tiết ở trẻ em

15-11-2009 16:13 | Dược
google news

Viêm mũi xoang xuất tiết hay gặp ở trẻ em trong mùa lạnh, nhất là giai đoạn chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Bệnh thường bắt đầu bằng dấu hiệu hắt hơi, rồi chảy nước mũi trong. Lúc này niêm mạc mũi nề sũng làm trẻ ngạt, tắc mũi thường xuyên.

Viêm mũi xoang xuất tiết hay gặp ở trẻ em trong mùa lạnh, nhất là giai đoạn chuyển mùa từ nóng sang lạnh. Bệnh thường bắt đầu bằng dấu hiệu hắt hơi, rồi chảy nước mũi trong. Lúc này niêm mạc mũi nề sũng làm trẻ ngạt, tắc mũi thường xuyên.

Viêm mũi xoang xuất tiết tuy không nguy hiểm nhưng lại rất hay gây biến chứng làm ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của trẻ như giảm thị lực, viêm họng, ho kéo dài, viêm thanh - khí - phế quản... Chính vì thế cần chẩn đoán và điều trị viêm mũi xoang ở giai đoạn xuất tiết.

Thuốc sử dụng trong điều trị viêm mũi xoang xuất tiết bao gồm:

Thuốc điều trị toàn thân

Sử dụng thuốc giảm xuất tiết từ niêm mạc mũi xoang đường uống như nhóm thuốc kháng histamin H1 chọn lọc. Nhóm thuốc này có tác dụng phong bế các thụ thể H1 ở ngoại biên, ức chế phóng thích histamin từ dưỡng bào như Chlorpheniramin maleat, loratidin, fexofenadin hydoclorid, desloratidin...

Các thuốc kháng histamin được chia làm nhiều thế hệ: I, II, III, IV...

Các kháng histamin thế hệ sau thường khắc phục được nhược điểm lớn nhất của thế hệ đầu là phản ứng phụ gây buồn ngủ vì thuốc không tác động được vào thần kinh trung ương. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, desloratadin ức chế phần lớn các yếu tố khởi đầu và gây lan truyền hiện tượng viêm dị ứng bao gồm sự giải phóng của các cytokin tiền viêm như IL-4, IL-6, IL-8 và IL13, giải  phóng các chemokin tiền viêm như RANTES, sản xuất các anion superoxid bằng cách hoạt hóa bạch cầu trung tính đa nhân, kết dính và hóa hướng động của bạch cầu ưa eosinophil,  phơi bày các phân tử kết dính như p-selectin. Sự giải phóng histamin, prostaglandin và leukotrien phụ thuộc IgE là các yếu tố gây dị ứng. Thuốc kháng histamin thường được dùng kéo dài 2 tuần mỗi đợt điều trị.

 Viêm mũi xoang xuất tiết ở trẻ cũng cần điều trị kịp thời, đúng đắn dưới sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa để tránh những biến chứng có thể xảy ra. Ảnh minh họa
Thuốc hấp thu nhanh và đạt nồng độ tối đa sau 1-3 giờ, phân tử thuốc gắn vào protein huyết tương. Nhóm kháng histamin chuyển hóa không đáng kể ở gan và ngoài gan nên thuốc có thể sử dụng được trong những trường hợp có bệnh lý về gan. Tuy nhiên cần thận trọng và có thể giảm liều. Người ta vẫn chưa xác định được độ an toàn của thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi.

Thuốc không chuyển hóa ở gan nên không tương tác với các thuốc qua cơ chế gan. Dùng phối hợp với erythromycin hoặc ketoconazol làm tăng nồng độ fexofenadin trong huyết tương gấp 2-3 lần.

Thuốc có một số tác dụng ngoại ý như buồn nôn, đau bụng, buồn ngủ, khó tiêu, mệt mỏi.

 Thuốc tại chỗ gồm các thuốc chống xung huyết, chống viêm, giảm phù nề:

- Thuốc làm săn khô niêm mạc mũi là nhóm muối bạc: argyrol, thuốc này dễ bị phân hủy bởi ánh sáng nên thuốc được bọc bởi một lớp giấy than chống ánh sáng và sử dụng mỗi lọ chỉ dưới 10 ngày.

- Thuốc chống viêm có corticoid dạng nhỏ như polydexa, collydexa... dùng dưới 7 ngày.

Người ta cũng pha chế thuốc dạng phun sương có thể dùng kéo dài 2 năm. Tuy nhiên phải theo dõi chặt chẽ và hiệu chỉnh liều theo sự tiến triển hoặc suy thoái. Thuốc corticoid tại chỗ tuy chỉ có khoảng 2% hấp thu vào máu nhưng nếu không được điều trị đúng phương pháp cũng sẽ gây một số biến chứng, nhất là ở trẻ em như không kích thích vỏ thượng thận tiết hormon, làm teo vỏ thượng thận, gây hội chứng biến dưỡng do tăng giữ muối, nước, ứ đọng mỡ ở một số bộ phận như mặt, tăng đường huyết... tình trạng quen thuốc do điều trị dở dang.

 Hình ảnh cấu tạo xoang.

Thuốc corticoid dùng tại mũi với tính chất chống viêm tại chỗ ở các liều không có tác dụng toàn thân, trẻ em từ 3-11 tuổi, sử dụng điều trị dự phòng bằng nasonex được khuyên dùng 2-4 tuần trước thời gian dự kiến sẽ xuất hiện viêm mũi. Không được dùng khi có các nhiễm trùng khu trú.

Vì tác dụng ức chế sự lành vết thương của corticoid, các bệnh nhân vừa qua phẫu thuật mũi hay chấn thương mũi không được dùng corticoid đường mũi cho tới khi lành. Sau 12 tháng điều trị liên tục cũng không thấy teo niêm mạc mũi, mometasone furoate có khuynh hướng làm liền niêm mạc mũi gần với kiểu hình mô học bình thường, nếu được dùng kéo dài phải được kiểm tra định kỳ về các thay đổi có thể ở niêm mạc mũi. Nếu xuất hiện nhiễm nấm khu trú ở niêm mạc mũi họng phải ngưng điều trị. Kích ứng họng dai dẳng cũng là một chỉ định để ngưng thuốc.

Lưu ý khi các bệnh nhân đang sử dụng thuốc corticoid đường toàn thân kéo dài chuyển sang đường xịt tại chỗ có thể dẫn đến suy thượng thận trong một số tháng cho đến khi chức năng của trục tuyến dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận phục hồi.  Thận trọng với những bệnh nhân lao, các bệnh nhân nhiễm virut  toàn thân, vi khuẩn, nấm chưa được điều trị, nhiễm herpes simplex ở mắt. Thuốc không gây suy trục tuyến dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận sau điều trị kéo dài. Một số tác dụng ngoại ý xảy ra như đau đầu, chảy máu mũi, rát mũi, kích ứng mũi, viêm loét mũi.

Viêm mũi xoang xuất tiết ở trẻ cũng cần điều trị kịp thời, đúng đắn dưới sự theo dõi của thầy thuốc chuyên khoa để tránh những biến chứng có thể xảy ra.

ThS.  Phạm Bích Đào


Ý kiến của bạn