Thuốc chữa viêm đường tiết niệu do vi khuẩn

25-10-2022 10:02 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm đường tiết niệu là bệnh thường gặp ở phụ nữ và trẻ em. Nếu được điều trị sớm, đúng thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu để lâu, chữa sai… có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

1. Triệu chứng viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu đa số (90%) do vi khuẩn xâm nhập ngược dòng từ niệu đạo đi lên. Vi khuẩn thường gặp là E.coli có trong đường tiêu hóa. Khi vi khuẩn này lây lan từ hậu môn đến niệu đạo và xâm nhập ngược lên sẽ gây viêm đường tiết niệu. Vì thế, thông thường viêm đường tiết niệu khởi phát từ nhiễm khuẩn tiết niệu thấp (viêm niệu đạo, viêm bàng quang). Nếu không được điều trị giai đoạn này, vi khuẩn sẽ xâm nhập ngược lên sâu hơn gây viêm thận - bể thận.

- Khi nhiễm khuẩn tiết niệu thấp, bệnh nhân đi tiểu thấy buốt, tiểu rắt, thậm chí là tiểu ra máu, mủ. Ngoài bất thường khi đi tiểu, bệnh nhân còn có thể bị sốt, gai người.

- Triệu chứng viêm thận - bể thận cấp tính sẽ xuất hiện rầm rộ. Ngoài tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu có máu hoặc mủ, bệnh nhân còn đau lưng hông một bên hoặc cả hai bên, kèm theo sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Trường hợp nặng có thể rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn: Mạch nhanh nhỏ, huyết áp thấp...

Chữa viêm đường tiết niệu do vi khuẩn - Ảnh 1.

Các vị trí của đường tiết niệu đều có thể bị viêm.

- Giai đoạn viêm thận - bể thận mạn tính thì triệu chứng thầm lặng hơn, đau tức ít vùng lưng, không sốt rét… Nhưng tình trạng này dẫn đến thiếu máu, phù, tăng huyết áp - đây là những triệu chứng của suy thận. Lúc này điều trị khá phức tạp và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của bệnh nhân suốt đời.

2. chữa viêm đường tiết niệu nhiễm khuẩn

Tuỳ theo vị trí nhiễm khuẩn, tình trạng và tính chất của bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.

Nhìn chung, cần làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh nhạy cảm nhất với chủng vi khuẩn. Tuy nhiên, trường hợp chưa làm được kháng sinh đồ thì cần dùng thuốc theo kinh nghiệm của bác sĩ và phù hợp với điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Ngoài kháng sinh, bệnh nhân cần được sử dụng thuốc điều trị triệu chứng.

Chữa viêm đường tiết niệu do vi khuẩn - Ảnh 2.

Cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn gây bệnh.

Các kháng sinh thường được khuyên dùng cho các trường hợp nhiễm trùng tiểu đơn giản bao gồm:

- Trimethoprim và sulfamethoxazole (bactrim): Là thuốc phối hợp 2 kháng sinh được sử dụng điều trị nhiều tình trạng nhiễm khuẩn, trong đó có viêm đường tiết niệu.

Đây là thuốc kê đơn, do đó bệnh nhân không tự ý sử dụng. Khi đã được kê toa, cần uống đủ liều vào cùng thời điểm trong ngày để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh quên thuốc. Cần uống hết thuốc theo lịch trình, kể cả khi các triệu chứng đã hết. Nếu quên hoặc ngừng thuốc sớm có thể giúp cho vi khuẩn chưa bị tiêu diệt và tiếp tục phát triển, khiến bệnh tái phát. Lúc này vi khuẩn có thể kháng thuốc, khó điều trị.

Nên uống thuốc với nhiều nước để giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Uống thuốc trong lúc ăn hoặc ngay sau ăn để hạn chế sự kích thích của thuốc lên đường tiêu hóa.

- Fosfomycin là kháng sinh có tác dụng ức chế sự phát triển của ký sinh trùng, phòng ngừa nhiễm khuẩn. Thuốc được chỉ định điều trị viêm đường tiết niệu dưới khi bệnh còn nhẹ, chưa xuất hiện biến chứng. Thuốc có sinh khả dụng thấp và nguy cơ kháng thuốc cao. Do đó thường được dùng phối hợp với một kháng sinh khác như beta lactam, macrolid, tetracyclin…

- Nitrofurantoin: Là kháng sinh có tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn gram âm và gram dương. Thuốc được chỉ định các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu cấp không có biến chứng; viêm bàng quang ở nữ giới (không dùng cho trẻ 6 tuổi trở xuống) có chống chỉ định với các kháng sinh khác.

Thuốc cần được dùng theo đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Nếu gặp phải triệu chứng bất thường nào cần thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý hoặc đổi thuốc phù hợp. Không tự ý ngừng thuốc và bỏ điều trị.

- Cephalexin: Là kháng sinh bán tổng hợp, nhóm cephalospporin thế hệ 1, được chỉ định các trường hợp nhiễm vi khuẩn nhạy cảm, trong đó có viêm đường tiết niệu. Thời gian điều trị từ 7-10 ngày.

Thuốc không nên sử dụng cho những bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng với nhóm cephalosporin và phản ứng quá mẫn với penicilin. Các tác dụng phụ nhẹ có thể gặp như tiêu chảy, buồn nôn. Các tác dụng phụ này không đáng ngại và có thể xử trí được.

Tuy nhiên một số tác dụng phụ tuy hiếm gặp nhưng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bệnh nhân: Viêm đại tràng giả mạc, tăng bạch cầu, mệt mỏi, chóng mặt, viêm gan, hội chứng Stevens-Johnson… Do đó cần theo dõi trong quá trình điều trị để được xử trí thích hợp nếu không may gặp phải tác dụng phụ trên.

- Ceftriaxone: Là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, sử dụng dạng tiêm có phổ kháng khuẩn trên nhiều vi khuẩn gram âm, trong đó có nhiễm khuẩn tiết niệu - thận. Thuốc nhìn chung hạn chế sử dụng, chỉ dùng điều trị các nhiễm khuẩn nặng. Thuốc cũng không dùng cho bệnh nhân có tiền sử dị ứng với cephalosporin và phản vệ với penicilin.

Ngoài các kháng sinh, có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt; thuốc làm tê bàng quang, niệu đạo để giảm khó chịu cho người bệnh khi đi tiểu.

Nếu hay bị viêm đường tiết niệu, có thể phải điều trị bệnh lâu dài với kháng sinh liều thấp, uống từ 6 tháng trở lên.

Nếu bị nhiễm trùng mức độ nặng, có thể cần điều trị tại bệnh viện với các kháng sinh nêu trên tiêm tĩnh mạch. Trường hợp viêm thận - bể thận cấp cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch liều cao, phối hợp ít nhất 2 kháng sinh. Thời gian dùng kháng sinh cũng dài hơn trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu thấp, tối thiểu phải dùng thuốc trong 14 ngày.

Một loại kháng sinh là fluoroquinolones (ciprofloxacin, levofloxacin…) có những nguy cơ cao về các tác dụng phụ bất lợi như viêm/đứt gân, yếu/đau cơ, ảnh hưởng lên tim mạch, thị lực, thần kinh… do đó thuốc hạn chế sử dụng. Chỉ được chỉ định khi có nhiễm trùng nặng, phức tạp ở thận và không có lựa chọn điều trị nào khác thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc.

Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ:

- Uống nhiều nước, không uống các đồ uống có gas, cafein, nước ngọt đóng chai…

- Chườm ấm bụng nếu có cảm giác khó chịu ở bàng quang, lưng.

- Ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin. Nếu có suy thận, cần giảm ăn thực phẩm giàu chất béo, đạm.

- Vệ sinh vùng kín đúng cách.

- Vận động vừa sức.

Mời độc giả xem thêm video:

Báo động gia tăng số ca sốt xuất huyết nặng nhập viện muộn - SKĐS

ThS.Nguyễn Thị Thúy
Ý kiến của bạn