Thuốc chữa viêm da tiếp xúc

17-06-2022 18:26 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thời tiết nắng nóng mùa hè khiến da tiết nhiều mồ hôi, bụi bẩn bám vào dễ dẫn đến các bệnh ngoài da, trong đó có viêm da tiếp xúc.

Mùa nóng, coi chừng bệnh ngoài daMùa nóng, coi chừng bệnh ngoài da

SKĐS - Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, vào mùa hè số lượng bệnh nhân khám các bệnh về da luôn cao hơn mức bình thường,

1. Viêm da tiếp xúc là gì?

Viêm da tiếp xúc là một bệnh ngoài da, là phản ứng của cơ thể đối với tác nhân bên ngoài, do hoạt tính của chất gây kích ứng không liên quan đến đáp ứng miễn dịch của cơ thể (viêm da tiếp xúc kích ứng), hoặc dị nguyên liên quan đến đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào T (viêm da tiếp xúc dị ứng).

Đây là một căn bệnh phổ biến về da, thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu và mất thẩm mỹ về da của người bệnh.

photo-1655460590707

Thời tiết nắng nóng mùa hè dễ dẫn đến các bệnh ngoài da, trong đó có viêm da tiếp xúc.

2. Tại sao viêm da tiếp xúc thường gặp vào mùa hè?

Vào mùa hè, hầu hết mọi người dành nhiều thời gian ở bên ngoài, do đó làm tăng khả năng tiếp xúc với các chất gây kích ứng da và những yếu tố môi trường bên ngoài gây viêm da tiếp xúc.

Bên cạnh đó, vào mùa hè, nhiệt độ thường tăng cao cộng thêm độ ẩm không khí thấp khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi, dễ bám bẩn, từ đó, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm da tiếp xúc, đặc biệt đối với những bệnh nhân có làn da dễ nhạy cảm.

Ngoài ra, sự tăng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào những ngày hè cũng có thể kích hoạt phát ban trên da, đây là tình trạng viêm da tiếp xúc ánh sáng, một dạng viêm da hiếm gặp, xuất hiện khi ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn tia khác chiếu trực tiếp lên da gây nên tình trạng đỏ da, khô da, đau rát. Đặc biệt, mùa hè hoa nở rất nhiều, chính vì thế côn trùng bay khắp nơi, nếu không cẩn thận thì sẽ rất dễ mắc viêm da tiếp xúc dị ứng.

3. Điều trị không dùng thuốc

- Xác định và loại bỏ các yếu tố gây kích ứng là chìa khóa quan trọng trong điều trị viêm da tiếp xúc. Trường hợp không thể tránh được do tính chất công việc hay nghề nghiệp thì nên áp dụng một số biện pháp như: Mặc quần áo bảo hộ lao động, mang găng tay dài, mang mặt nạ, khẩu trang lọc không khí... để ngăn ngừa không cho tác nhân gây bệnh có cơ hội tiếp xúc với da của bạn.

- Đối với các triệu chứng cấp tính như tổn thương dạng mụn nước, dát đỏ sung huyết… chườm lạnh có thể giúp giảm ngứa. Đối với những tổn thương rỉ dịch, có thể sử dụng dung dịch Burrow (nhôm triacetate), dưỡng da nhẹ nhàng bằng kem calamine, tắm bột yến mạch…

- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Một điều cần thiết trong điều trị viêm da tiếp xúc là hồi phục lớp nước và lipid trên bề mặt da, tránh mất nước xuyên qua lớp biểu bì. Các thử nghiệm ngẫu nhiên đã chỉ ra rằng việc sử dụng kem dưỡng ẩm giúp giảm mất nước qua biểu bì, giảm kích ứng, cải thiện độ ẩm, độ đàn hồi của da. Bên cạnh đó, các chế phẩm phục hồi độ ẩm trên bề mặt da cũng giúp tăng cường khả năng thẩm thấu của steroid và các loại thuốc bôi có hoạt tính khác vào da.

Ngoài ra, cũng cần loại bỏ các yếu tố dẫn đến tình trạng khô da, chẳng hạn như sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, các sản phẩm chứa hương liệu, chất khử mùi dễ gây kích ứng da.

4. Điều trị dùng thuốc

4.1.Corticosteroid bôi tại chỗ

Corticosteroid tại chỗ kết hợp với chất làm mềm da thường được sử dụng trong thực hành lâm sàng để điều trị viêm da tiếp xúc. Tùy theo mức độ nghiêm trọng và vị trí của vùng da bị viêm để lựa chọn các chế phẩm với hiệu lực chống viêm khác nhau, thông thường, thuốc mỡ được ưu tiên sử dụng hơn so với các loại kem bôi da:

- Viêm da tiếp xúc ở tay, chân, các vùng da không nhiều nếp gấp: Khuyến cáo sử dụng các loại corticosteroid tại chỗ có hoạt tính mạnh như betamethasone 0.05% dạng kem, thuốc mỡ; triamcinolone 0.5% bôi 1-2 lần/ngày trong vòng 2-4 tuần cho đến khi giảm các triệu chứng của bệnh. Nếu tình trạng viêm da là cấp tính và đang rỉ dịch, có thể sử dụng corticosteroid tại chỗ kết hợp với các chất làm khô (ví dụ: Nhôm axetat, kem dưỡng da calamine, tắm bột yến mạch).

photo-1655460594650

Thông thường, thuốc mỡ được ưu tiên sử dụng hơn so với các loại kem bôi da trong trị viêm da tiếp xúc.

- Viêm da tiếp xúc vùng mặt, vùng da có nhiều nếp gấp: Đây là các vùng da mỏng, nhạy cảm nên thường chỉ dùng các loại corticosteroid tại chỗ có hoạt tính nhẹ đến trung bình như: Betamethasone valerate 0.1% dạng lotion; triamcinolone acetonide 0.025% dạng kem, lotion; hydrocortisone nồng độ từ 1-2.5% bôi 1-2 lần/ngày trong vòng 1-2 tuần.

Cần lưu ý một số tác dụng phụ trên da khi sử dụng corticosteroid tại chỗ đặc biệt khi dùng corticoid bôi loại mạnh hằng ngày trong thời gian dài như: Mỏng da (teo da), rạn da ở nách hoặc bẹn, đùi, giãn mạch, rậm lông. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc bôi corticoid hoạt tính từ mạnh đến rất mạnh ở một vùng da rộng hoặc bôi dày, khi đó một phần thuốc sẽ được hấp thu toàn thân có thể gây các tác dụng không mong muốn toàn thân.

Vào mùa hè, hầu hết mọi người dành nhiều thời gian ở bên ngoài, do đó làm tăng khả năng tiếp xúc với các chất gây kích ứng da và những yếu tố môi trường bên ngoài gây viêm da tiếp xúc.

4.2.Thuốc kháng histamin

Để giảm cảm giác ngứa nghiêm trọng do viêm da tiếp xúc, thuốc kháng histamin đường uống thường được chỉ định, có thể dùng 1 loại hoặc 2 loại kết hợp cả hai thế hệ.

Thuốc kháng histamin thế hệ 1 (hydroxyzine, chlorpheniramine...) gây buồn ngủ nên uống vào ban đêm và tránh dùng cho người lái xe, vận hành máy móc. Chlorpheniramine dùng được ở phụ nữ có thai.

Thuốc thế hệ 2 (cetirrizin, levocetirizin...) ít gây buồn ngủ nên dùng được cả ban ngày và ban đêm.

4.3.Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ

Hai chất ức chế miễn dịch macrolide là tacrolimus thuốc mỡ bôi tại chỗ với hai nồng độ 0,03% (dùng cho trẻ em từ 2 đến 15 tuổi) và 0,1%; pimecrolimus (dạng kem 1%) là những lựa chọn thay thế tiềm năng cho corticosteroid trong điều trị viêm da tiếp xúc bán cấp và mãn tính.

Tuy nhiên, vào năm 2005, FDA đã cảnh báo về khả năng có sự liên hệ giữa việc sử dụng các chất ức chế calcineurin tại chỗ với ung thư ở trẻ em và người lớn, nhưng cho đến nay vẫn chưa có mối quan hệ nhân quả rõ ràng nào được xác lập.

Chính vì vậy, cần thận trọng chỉ sử dụng chất ức chế calcineurin tại chỗ như liệu pháp thứ hai để kiểm soát viêm da dị ứng ở những vùng có nguy cơ teo da cao khi điều trị bằng corticosteroid tại chỗ. Không nên được sử dụng thuốc cho trẻ em dưới hai tuổi hoặc những người bị suy giảm miễn dịch.

4.4.Kháng sinh tại chỗ

Trong một số trường hợp có vết thương hở hoặc có bằng chứng về nhiễm trùng thứ cấp, có thể sử dụng các loại thuốc kem hoặc thuốc mỡ có chứa kháng sinh. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh tại chỗ không kê đơn cũng là nguyên nhân thường xuyên gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc. Do vậy, thuốc cần được sử dụng theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa.

4.5.Corticosteroid toàn thân

Đối với các trường hợp viêm da tiếp xúc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến da trên diện rộng (> 20% tổng diện tích bề mặt cơ thể hoặc liên quan đến vùng da mặt, bàn tay, bàn chân, cơ quan sinh dục) có thể sử dụng prednisone đường uống trong 7 ngày, giảm liều 50% trong 5-7 ngày tiếp theo, sau đó giảm dần và ngừng trong 2 tuần tiếp theo để kiểm soát triệu chứng, tránh nguy cơ tác dụng phụ liên quan đến corticoid toàn thân.

Xem thêm video đang được quan tâm:

7 lợi ích của vitamin C.

DS. Phạm Thị Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn