Thời tiết nắng nóng, oi bức của mùa hè là điều kiện rất thuận tiện cho bệnh tiêu chảy bùng phát. Nguyên nhân gây bệnh này rất đa dạng, mỗi loại lại có thuốc điều trị khác nhau. Loperamide là một trong những loại thuốc trị tiêu chảy bán tự do không cần đơn nên bệnh nhân tiêu chảy nào cũng có thể mua được. Tuy nhiên, thuốc này có những hạn chế nhất định và chỉ hiệu quả trên một số trường hợp nên nhiều bệnh nhân mắc tiêu chảy dùng loperamide sẽ không khỏi và còn gặp các tác dụng bất lợi khác.
Tác dụng của loperamide
Loperamide có tác dụng làm giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hoá và tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Bên cạnh đó, thuốc còn có tác dụng kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, tăng vận chuyển dịch và chất điện giải qua niêm mạc ruột, do đó làm giảm sự mất nước và điện giải, làm giảm lượng phân. Vì thế, loperamide được chỉ định để chữa triệu chứng các trường hợp tiêu chảy cấp không rõ nguyên nhân và một số tình trạng tiêu chảy mạn tính.
Các tác dụng phụ khi dùng thuốc
Các tác dụng không mong muốn của thuốc thường gặp chủ yếu ở đường tiêu hoá như khô miệng, táo bón, đau bụng, trướng bụng, buồn nôn và nôn. Một số trường hợp có thể bị đau bụng hoặc đau dạ dày do thuốc. Ngoài ra, thuốc có thể gây dị ứng, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu... Đối với trẻ em có thể gặp các tác dụng phụ trên hệ thần kinh trung ương (đặc biệt khi sử dụng quá liều): Ngủ gật, trầm cảm, hôn mê... nếu nặng có thể gây suy hô hấp và hệ thần kinh trung ương. Vì thế, không dùng thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Một số thuốc bán không cần kê đơn tuy nhiên người bệnh vẫn cần có sự tư vấn của dược sĩ, tránh các tác dụng bất lợi.
Do tác dụng phụ gây chóng mặt, mệt mỏi nên trường hợp có rối loạn tiền đình thì cần thận trọng khi dùng thuốc, bởi sẽ bị nặng thêm các triệu chứng của bệnh khi dùng loperamide.
Vì thuốc được chuyển hoá qua gan nên nó là một thuốc không thích hợp với những người bị suy gan. Thuốc sẽ làm nặng thêm tình trạng bệnh lý, làm gia tăng các biểu hiện của suy gan đồng thời cũng tăng thêm các tác dụng phụ của thuốc. Trong các trường hợp bị viêm gan nặng, các trường hợp xơ gan thì không nên dùng thuốc này.
Ngoài ra, cần lưu ý loperamide chống chỉ định với các trường hợp: người mẫn cảm với loperamide, phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú, người đang bị táo bón, người sốt cao (trên 38,5 độ C), người đang có phản ứng dị ứng. Nhu động ruột bị ức chế hoặc chậm vận chuyển trong ruột, có viêm loét đại tràng hoặc viêm đại tràng giả mạc, lỵ cấp (phân có nhày lẫn máu).
Không dùng chung loperamide với các thuốc nào?
Loperamide có thể tương tác với một số thuốc gây ra một số phản ứng bất lợi. Vì vậy, khi dùng loperamide, không được dùng chung với các thuốc ức chế thần kinh trung ương và thuốc ngủ loại barbituric (như gardenal); các loại kháng sinh (như erythromycin, cephalosporin, tetraxyclin) sẽ làm tiêu chảy kéo dài; các loại thuốc giảm đau vì sẽ làm tăng nguy cơ táo bón.
Dùng thuốc thế nào?
Hạn chế lớn của loperamide là thuốc không có tác dụng cho các trường hợp tiêu chảy do: vi khuẩn, virut, nhiễm độc thức ăn, uống, do dùng thuốc kháng sinh thời gian dài, rối loạn tiêu hóa… Vì vậy, không phải trường hợp tiêu chảy nào dùng loperamide cũng phát huy hiệu quả. Thậm chí dùng không đúng bệnh sẽ gây tác hại cho sức khỏe.
Với các trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, virut hay nhiễm khuẩn thì nguyên tắc đầu tiên để điều trị là bù nước và chất điện giải và không được dùng thuốc cầm tiêu chảy ngay (trong đó có loperamide). Bởi đi ngoài là để tống xuất hết các tác nhân gây bệnh ra khỏi hệ tiêu hóa. Việc dùng thuốc cầm tiêu chảy sẽ làm giảm nhu động ruột, tác nhân gây bệnh ứ lại trong đường ruột sẽ gây đầy hơi, trướng bụng, đau bụng… Trướng bụng là do nhu động ruột giảm, thức ăn chậm lưu thông. Khi quá mức thì trướng bụng có thể gia tăng làm tắc ruột do liệt ruột. Đã có những báo cáo cho thấy tình trạng hoại tử niêm mạc ruột do thuốc khi điều trị loperamide ở trẻ em. Những đối tượng này đã bị liệt ruột do dùng thuốc liều lượng quá cao. Vì thế mà đây là cản trở chủ đạo của loperamide làm cho thuốc không được sử dụng ở trẻ em. Nguy hiểm hơn nữa do sự chậm lại hoạt động của ruột có thể tạo thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Ðể đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc, cần lưu ý: Việc sử dụng thuốc cầm tiêu chảy loperamide vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại. Nếu dùng quá sớm thì mầm bệnh sẽ bị tích tụ lại. Nhưng nếu để bệnh nhân đi ngoài nhiều lần trong ngày sẽ gây mất nước nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, tốt nhất là chỉ dùng loperamide khi xác định nguyên nhân gây tiêu chảy và tác nhân gây bệnh đã được thải bỏ hết ra khỏi cơ thể. Nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.