Vũ Thế Hiệp (Đồng Nai)
Cây râu mèo có tên khoa học là Orthosiphon stamineus Benth., họ bạc hà (Lamiaceae), là vị thuốc y học cổ truyền có tác dụng điều trị bệnh sỏi thận, tăng bài tiết, hạ đường huyết… Theo Đông y, cây râu mèo có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp, dùng làm thuốc lợi tiểu mạnh, thông mật, trị bệnh sỏi thận, sỏi túi mật, viêm túi mật, viêm thận cấp và mạn, viêm bàng quang.
Các hoạt chất có trong cây râu mèo có tác dụng làm kiềm hóa máu, chất orthosiphonin và muối kali trong cây râu mèo có tác dụng giữ cho acid uric và muối urate ở dạng hòa tan, do đó phòng sự lắng đọng các tinh thể urate hạn chế tạo thành sỏi thận. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cho thấy chất chiết xuất của cây râu mèo có tác dụng làm tăng bài tiết citrat và oxalat, do đó làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Các nghiên cứu tiến hành trên động vật thí nghiệm, kết luận chất methylripariochromene A (MRC) chiết xuất từ lá cây râu mèo có tác dụng hạ huyết áp, đặc biệt là huyết áp tâm thu, do tác dụng làm giãn mạch, giảm hậu gánh của tim và có tác dụng lợi tiểu.
Khi bạn đang sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp (tức là làm giảm các chỉ số huyết áp), nếu dùng cùng cây râu mèo (cũng có tác dụng giảm huyết áp) sẽ làm hạ huyết áp, khó kiểm soát, nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, tốt nhất bạn không nên dùng chung thuốc điều trị tăng huyết áp và thuốc Nam có nguồn gốc từ cây râu mèo để trị sỏi thận. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thêm bất cứ thuốc tân dược hay thuốc Nam nào, trong khi bạn đang dùng thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp. Chúc bạn luôn khỏe và đạt được hiệu quả điều trị cả hai bệnh đang mắc!