Thuốc chữa Parkinson levodopa: Những chú ý khi dùng

02-10-2019 06:27 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Bệnh Parkinson nguyên phát (còn gọi là liệt rung) thường gặp ở người 50 - 60 tuổi do thoái hóa não, do thiếu chất dẫn truyền thần kinh dopamin. Levodopa là thuốc chủ yếu chữa bệnh Parkinson.

Những ưu nhược điểm của levodopa

Não thiếu dopamin nhưng lại không thể tiêm hay uống dopamin vì chất này không đi qua được hàng rào máu - não để vào não. Do đó  phải dùng levodopa là tiền chất của dopamin. Levodopa đi qua được hàng rào máu - não, khi vào não mới bị khử thành dopamin, bù đắp cho sự thiếu hụt. Dùng levodopa sẽ làm giảm được một cách chắc chắn các triệu chứng bệnh Parkinson cho nên được coi là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh Parkinson (dùng levodopa mà giảm  được các triệu chứng thì người đó chắc chắn đã bị bệnh Parkinson).

Tuy nhiên, khi uống thì chỉ có 1% levodopa đi qua hàng rào máu não để chuyển thành dopamin ở não phục vụ cho mục đích chữa bệnh. Số levodopa còn lại nằm ở ruột và vùng ngoại vi cũng chuyển thành dopamin ngay ở đó và tạo ra các tác dụng không mong muốn như: chán ăn, buồn nôn, táo bón, nước tiểu và các dịch cơ thể có màu vàng (trong hầu hết người dùng lúc đầu), ra mồ hôi, hạ huyết áp, loạn nhịp tim. Ngoài ra chính levodopa cũng có các tác dụng không mong muốn về tâm thần - thần kinh như: mất ngủ, lú lẫn, trầm cảm, loạn thần (dưới 1% người dùng), tăng enzym gan, tăng động (triệu chứng tắt - bật), ngoại tháp (hiếm gặp). Sau một thời gian dùng, hiệu quả của levodopa kém đi và sau 10 năm  thì hầu như không có hiệu quả nữa.

Thuốc chữa Parkinson levodopa

Thận trọng khi chọn các chế phẩm của levodopa

Dùng levodopa thì sinh khả dụng (hiệu suất chữa bệnh) thấp, do đó phải kết hợp nó với các chất khác như: carbidopaa, benserazid. Các chất này ức chế việc chuyển levodopa thành dopamin ở ruột và ngoại vi (làm giảm các tác dụng không mong muốn), đồng thời tạo điều kiện cho levodopa vào não để tạo ra nhiều dopamin ở não (làm tăng sinh khả dụng). Thí dụ: nếu dùng riêng levodopa thì sinh khả dụng của levodopa đơn chỉ 30% nhưng nếu dùng kết hợp (200mg levodopa 50mg carbidopa) thì sinh khả dụng của sản phẩm kết hợp có thể lên tới 90%. Trong các sản phẩm kết hợp này còn chia ra loại có tác dụng nhanh và loại có tác dụng chậm kéo dài. Thí dụ: kết hợp (75% benserasid 25%) có hai loại: Madopar HBS cũ không có màng bao, sinh khả dụng tới 99% nhưng chóng hết. Medopar mới có màng bao, có khả năng hydrat hóa, khi uống hoạt chất phân rã, nổi lên trên bề mặt dịch dạ dày được màng bao bọc nên khuếch tán từ từ liên tục, sinh khả dụng có thấp hơn chút ít chỉ 82% nhưng có tác dụng kéo dài.

Tùy theo tình trạng bệnh mà thầy thuốc chọn thuốc thích hợp. Khi mới bị bệnh, chỉ cần một liều vừa phải cũng có hiệu lực, ít bị tác dụng phụ nghiêm trọng thì có thể dùng levodopa đơn (sinh khả dụng chỉ 30%). Khi bệnh chuyển sang nặng, dùng levodopa đơn sẽ không có hiệu lực mà phải dùng loại kết hợp (sinh khả dụng 82 - 99%). Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định, định kỳ cần khám lại để nếu cần thì thầy thuôc điều chỉnh, không tự ý thay đổi, khi nơi bán thuốc không có loại thuốc đã ghi trong đơn thì phải hỏi lại thầy thuốc (để có thể thay đổi thuốc, thay đổi cách dùng, liều dùng thích hợp).

Thận trọng khi dùng levodopa khi mắc kèm bệnh khác

Người có tiền sử hoặc đang mắc bệnh u hắc tố ác tính hoặc có tổn thương da thì không được dùng levodopa vì nó kích hoạt khối u hoặc các tổn thương này.

Người bị bệnh glaucoma góc đóng không được dùng levodopa vì nó làm tăng áp lực mắt.

Người bị bệnh rối loạn tâm thần hay nhiễu tâm nặng, suy tim mất bù, bị bệnh  gan, thận thì không được dùng levodopa  vì tác dụng phụ của levodopa làm nặng thêm các bệnh này.

Người bị bệnh cường giáp, đái tháo đường thì không được dùng levodopa  vì levodopa có thể làm nặng thêm hoặc làm chuyển các bệnh này theo hướng không có lợi.

Khi gặp các bệnh có chống chỉ định tuyệt đối thì không được dùng levodopa; đối với các bệnh thuộc diện không chống chỉ định tuyệt đối thì vẫn có thể dùng levodopa theo chỉ dẫn của thầy thuốc; nếu trong quá trình dùng mà bệnh có chuyển biến khác thường thì báo cáo lại với thầy thuốc để xử lý.

Các tương tác hay gặp của levodopa

Dùng chung levodopa với thuốc trầm cảm IMAO sẽ làm tăng huyết áp. Phải ngừng dùng IMAO ít nhất 2 tuần mới được dùng levodopa.

Có thể dùng thuốc trầm cảm 3 vòng khi người bệnh đang dùng levodopa. Tuy nhiên, cần biết khi dùng đồng thời này sẽ làm nặng thêm tình trạng hạ huyết áp tư thế đứng, ngoài ra cũng có thể gây loạn động (nhưng hiếm) và làm chậm sự hấp thu levodopa. Cẩn trọng theo dõi khi dùng kết hợp.

Thuốc chống loạn thần làm giảm hiệu lực của levodopa. Tránh dùng chung. Trường hợp cần dùng chung thì phải thận trọng. Khi dùng chung với thuốc loạn thần nếu gặp tác dụng phụ như rối loạn vận động (ngoại tháp) hay hội chứng Parkison thì cần báo ngay với thầy thuốc.

Một số chú ý khác

Do sự dung nạp thuốc khác nhau ở từng người nên  thầy thuốc  phải dò liều. Liều tính theo levodopa khởi đầu thấp (một lần 125mg, một ngày hai lần) cứ mỗi 6, 7, 8 ngày tăng liều từng nấc nhỏ cho đến lúc đạt hiệu quả. Tổng liều mỗi ngày từ 2,5 - 6g có thể lên tới 8g nhưng không được vượt quá 8g.

Khi dùng quá liều có thể bị loạn động theo kiểu múa giật, thường xảy ra lúc thời điểm đỉnh (sau một liều đáp ứng trước đó), có thể gây loạn cơ (sau một đêm ngủ, sau liều dùng gần nhất). Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Cần rửa dạ dày và dùng thuốc chữa triệu chứng.

Sau 5 năm dùng hiệu lực sẽ giảm đi, có thể xuất hiện sự loạn động (ở 68% ngưởi dùng). Lúc đó thầy thuốc sẽ quyết định có tiếp tục dùng thuốc thuốc chữa Parkinson hay không và nếu tiếp tục thì phải dùng thuốc nào.

Không được ngừng dùng levodopa đôt ngột vì có thể bị hội chứng an thần kinh ác tính, rối loạn tâm thần, tăng thân nhiệt.

Levodopa gây dị tật ở phủ tạng và xương thai nhi, gây độc cho trẻ bú. Không dùng levodopa cho người mang thai, cho con bú. 


DS.CKII. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn