Thuốc chữa nhiễm khuẩn tiết niệu

08-08-2013 14:17 | Tin nóng y tế
google news

Tôi 58 tuổi, cứ những ngày hè nóng nực, tôi lại mắc chứng tiểu buốt, tiểu rắt rất khó chịu. Tôi đi khám được chẩn đoán là nhiễm khuẩn tiết niệu thấp. Tôi đã uống thuốc điều trị theo đơn, nhưng thỉnh thoảng bệnh lại tái phát. Xin cho biết có loại thuốc gì điều trị dứt điểm bệnh này không? Tôi xin cảm ơn!

Tôi 58 tuổi, cứ những ngày hè nóng nực, tôi lại mắc chứng tiểu buốt, tiểu rắt rất khó chịu. Tôi đi khám được chẩn đoán là nhiễm khuẩn tiết niệu thấp. Tôi đã uống thuốc điều trị theo đơn, nhưng thỉnh thoảng bệnh lại tái phát. Xin cho biết có loại thuốc gì điều trị dứt điểm bệnh này không? Tôi xin cảm ơn!

Vũ Văn Trường (Nam Định)

Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng viêm đường tiết niệu do vi khuẩn gây nên và có thể gặp ở từng đoạn hoặc toàn bộ đường tiết niệu với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhiễm khuẩn tiết niệu thấp khi có viêm ở niệu đạo hoặc bàng quang.

Về điều trị, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, tính chất cấp tính hay mạn tính và chủng vi khuẩn gây bệnh mà có những biện pháp điều trị khác nhau. Trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu thấp thường dùng kháng sinh đường uống kết hợp với thuốc sát khuẩn tại chỗ. Các kháng sinh thường dùng có tác dụng tốt trong nhiễm khuẩn tiết niệu thấp hiện nay như nhóm quinolon. Đối với phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 16 tuổi thì không được dùng thuốc nhóm này vì thuốc ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ do gây tổn thương sụn khớp. Các nhóm kháng sinh khác như cephalosporin, beta lactam cũng có tác dụng tốt đối với nhiễm khuẩn tiết niệu thấp. Một loại kháng sinh thông thường, rẻ tiền, khá thông dụng hiện nay là co-trimoxazon cũng có tác dụng trong một số trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu nhẹ, tuy nhiên, tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh này hiện nay khá cao. Thời gian sử dụng kháng sinh tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, căn cứ từng trường hợp cụ thể mà có thể dùng liều duy nhất hay dùng kéo dài 3 - 10 ngày hay dài hơn. Hiện nay, người ta hay dùng kháng sinh kết hợp với một số hóa chất như nitrofurantoin, mictasol bleu... là những thuốc đào thải gần như nguyên vẹn qua đường tiểu nên có tác dụng sát khuẩn tại chỗ. Khi bị sốt thì dùng thêm thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng. Ngoài ra, nếu bạn có một số bệnh lý đi kèm – là yếu tố thuận lợi cho nhiễm khuẩn tiết niệu như sỏi thận, phì đại tiền liệt tuyến... thì cần uống thuốc điều trị các bệnh này. Một biện pháp điều trị hỗ trợ khác rất dễ thực hiện, nhưng bệnh nhân thường bỏ qua, đó là phải uống nhiều hơn 1,5l nước/ngày...

Với trường hợp của bạn, bạn nên đến chuyên khoa tiết niệu để được khám và hướng dẫn dùng thuốc một cách cụ thể, điều trị dứt điểm, tránh tái phát mà bệnh có diễn tiến xấu hơn. Đặc biệt lưu ý là không nên dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

TS. Nguyễn Hải


Ý kiến của bạn