Hà Nội

Thuốc chữa một số bệnh nấm da thường gặp

11-08-2017 07:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết nắng nóng, bão, lũ lụt là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh nấm da phát triển. Khi da bị xây sát, da khô, rối loạn cấu tạo lớp sừng hoặc vệ sinh kém,

Thời tiết nắng nóng, bão, lũ lụt là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh nấm da phát triển. Khi da bị xây sát, da khô, rối loạn cấu tạo lớp sừng hoặc vệ sinh kém, mặc áo lót, quần chật, rối loạn nội tiết (candida), suy giảm miễn dịch, dùng kháng sinh lâu ngày hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch… là những yếu tố nguy cơ cao để nhiễm các bệnh nấm. Một số bệnh nấm da thường gặp đó là:

Nấm hắc lào

Thường xảy ra ở các nếp kẽ lớn (nếp bẹn 2 bên, kẽ mông, thắt lưng, nách.. ), đôi khi xuất hiện ở cổ gáy, mặt. Bệnh gây ngứa, đặc biệt khi nóng, ra mồ hôi thì rất ngứa khó chịu. Bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị triệt để dễ trở thành nấm da mạn tính hay tái phát.

Rửa tay bằng xà phòng.

Thuốc có thể dùng như bôi cồn BSI 1 - 3% hoặc cồn ASA 1 - 3% kết hợp với mỡ benzosali (các loại thuốc này có bán sẵn tại các hiệu thuốc). Trong Đông y người ta dùng cồn lá muồng trâu, lá chút chít, rễ cây bạch hạc 30 - 50% điều trị nấm hắc lào cũng có tác dụng. Tuyệt đối không được cạo da trước khi bôi thuốc (vì như vậy dễ dẫn đến dị ứng và nhiễm khuẩn). Tránh bôi các thuốc hại da như axit, pin đèn, kiến khoang, và không mặc quần áo lót chặt, và không nên dùng đồ sợi nhân tạo.

Nấm kẽ chân

Nấm kẽ chân còn gọi là nước ăn chân, hay gặp ở người lội nước, đi giầy tất bí hơi. Tổn thương bắt đầu ở giữa kẽ ngón 3 - 4, rồi dần dần lan sang kẽ ngón khác. Tổn thương ban đầu bợt trắng hơi bong vảy, nổi một số mụn nước, ngứa nhiều khiến người bệnh gãi (trợt da), có nền đỏ, có khi viêm nề, sưng tấy do nhiễm khuẩn thứ phát, khi đó bệnh nhân có thể sốt, hạch bẹn sưng… Có thể bôi cồn BSI 2%, ASA, dung dịch castellani, hoặc phối hợp uống thuốc chống nấm như griseofulvin, nizoral hay sporal (khi cần). Tuy nhiên khi dùng thuốc phối hợp này cần do bác sĩ chỉ định.

Nấm lang ben

Bệnh thường gặp ở người trẻ, thanh thiếu niên. Tổn thương thường bị ở 1/2 người phía trên như ở cổ, vai, ngực, lưng, cánh tay, có khi lan xuống đùi. Lang ben gây ngứa, nhất là khi nóng ra mồ hôi hay đi nắng về.

Nguyên tắc điều trị, cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời để tránh lây lan. Không cạo da trước khi bôi thuốc. Có thể bôi cồn BSI 2%, hoặc cồn ASA kết hợp bôi mỡ bezosali trong 15 - 20 ngày, hoặc bôi kem nizoral, trosyd, lamisil. Có thể tắm xà phòng nizoral, kelog, sastid để điều trị lang ben. Trong Đông y, có thể dùng giềng giã ngâm dấm thanh để bôi. Cần bôi thuốc đúng nồng độ thích hợp và kết hợp với biện pháp vệ sinh phòng bệnh như giặt luộc quần áo phơi nắng, lộn trái khi phơi…


Bác sĩ Lê Xuân Bách
Ý kiến của bạn
Tags: