1.Vì sao lạnh lại nổi mày đay?
Nổi mày đay do lạnh (còn gọi là dị ứng phát ban với nhiệt độ lạnh) là tình trạng người bệnh bị ngứa, phát ban trên da sau khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
Đến nay, chưa tìm được chính xác nguyên nhân dẫn đến nổi mày đay do lạnh. Nguyên nhân có thể là do ở một số người có da quá nhạy cảm, hay do gen hoặc do virus, hoặc là hậu quả của một bệnh khác.
Mày đay do lạnh là do cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất của hệ thống miễn dịch khác vào da gây nổi mề đay, mẩn ngứa và một số triệu chứng dị ứng khác.
Thông thường, một người bị nổi mày đay do lạnh khi da tiếp xúc với nhiệt độ thấp hơn cơ thể khoảng 4 độ C. Tuy nhiên, một số người có thể phản ứng với nhiệt độ ấm hơn. Ngoài ra, trong điều kiện mưa gió, ẩm ướt có thể gia tăng khả năng nổi mề đay.
Bất kỳ ai cũng có thể bị nổi mày đay do lạnh. Tuy nhiên, ở một số trường hợp có nguy cơ cao hơn:
- Trẻ em, người già, phụ nữ mang thai.
- Người nhiễm virus Mycoplasma viêm phổi.
- Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, viêm gan, ung thư...
- Hội chứng autoinflammatory (hội chứng tự viêm): Có một số đặc điểm di truyền, gây ra đau đớn và triệu chứng giống cúm sau khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
Bất kỳ ai cũng có thể bị nổi mày đay do lạnh.
2. Triệu chứng nhận biết mày đay do lạnh
Tùy thuộc từng cơ thể mà có mức độ nổi mày đay do lạnh khác nhau. Các triệu chứng thường gặp khi bị mày đay do lạnh:
- Da hơi đỏ, ngứa phát ban trên bề mặt da tiếp xúc với lạnh, thường kéo dài trong khoảng nửa giờ.
- Sưng tay, môi khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
- Hiếm gặp các trường hợp bị sưng họng, sưng lưỡi, thậm chí chặn đường thở do phù nề.
- Ở một số người có phản ứng nghiêm trọng: Bất tỉnh, ớn lạnh, nhịp tim nhanh, sưng tay chân hoặc cơ thể…
Mày đay do lạnh khiến người bệnh bị ngứa, phát ban trên da sau khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
3. Đâu là cách điều trị?
3.1. Điều trị mày đay do lạnh không dùng thuốc:
Khi bị nổi mày đay do lạnh, ngứa, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây bệnh để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
- Nghỉ ngơi, tránh căng thẳng.
- Cần giữ ấm, tránh gió lạnh, nước lạnh.
- Tránh một số loại thực phẩm có thể làm gia tăng hiện tượng quá mẫn cho cơ thể: trứng, dâu tây, cà chua, chocolate, sữa…
- Cần ăn giảm đường, muối,
- Tránh các thức ăn có chất gây kích thích như: rượu, trà, cà phê, thuốc lá, hạt tiêu, ớt.
- Tránh những thực phẩm có nhiều đạm: tôm, cua, bò, gà, đồ hộp, chocolate, trứng, sữa...
- Ăn chế độ có nhiều vitamin A, B, C;
- Ăn các thức ăn dễ tiêu, có tác dụng chống táo bón như: cà chua, cam, chanh, khoai lang, mướp đắng...
- Hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da;
- Mặc quần áo cotton nhẹ nhàng và vừa vặn;
- Tránh các hoạt động nặng nhọc hoặc những nguyên nhân khác gây đổ mồ hôi;
3.2. Điều trị bằng thuốc
Trong nhiều trường hợp nổi mày đay cần phải điều trị bằng thuốc, có thể sử dụng một số thuốc:
Thuốc kháng histamin: Thuốc làm giảm ngứa tốt nhưng có tác dụng phụ là gây buồn ngủ, kháng cholinergic (khô miệng, nhìn mờ, tim đập nhanh, rối loạn tiết niệu...) và dễ tương tác thuốc.
Thuốc kháng histamin thế hệ II như cetirizine, levocetirizine ít gây buồn ngủ; thuốc desloratadine, fexofenadine, loratadine không gây buồn ngủ, ít tác dụng cholinergic và ít gây tương tác thuốc;
Trong trường hợp dùng kháng histamin không hiệu quả, có thể sử dụng các loại thuốc có tác dụng mạnh hơn. Tuy nhiên, dùng thuốc gì, thế nào cần được bác sĩ chỉ định.
Cyproheptadine là một thuốc kháng histamin được sử dụng để làm giảm các triệu chứng dị ứng như chảy nước mắt, chảy nước mũi, ngứa mắt/mũi, hắt hơi, phát ban và ngứa. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn chất hóa học tự nhiên (histamine) mà cơ thể tạo ra khi bị dị ứng. Thuốc này cũng ngăn việc sản sinh chất tự nhiên trong cơ thể của bạn (serotonin).
Một số tác dụng phụ có thể gặp: Buồn ngủ, chóng mặt, hoặc cảm giác choáng váng; Cảm giác bồn chồn hay khó chịu , Khó ngủ (mất ngủ), mệt mỏi, Tê hoặc ngứa ran; tăng tiết mồ hôi hoặc đi tiểu; Nhìn mờ; Thay đổi khẩu vị; Khô miệng hoặc mũi, đau bụng; Buồn nôn, tiêu chảy, táo bón.
Thuốc doxepin: Doxepin được chỉ định trong điều trị bệnh trầm cảm, đặc biệt khi cần đến tác dụng gây ngủ (ở người bệnh kích động và lo âu). Thuốc cũng được dùng bôi tại chỗ để điều trị ngứa trong mày đay vô căn do lạnh. Tuy nhiên, do là thuốc chống trầm cảm ba vòng nên chống chỉ định trong một số trường hợp: Nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi; tăng nguy cơ loạn nhịp, blốc tim, suy tim sung huyết, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, nguy cơ glôcôm do đóng góc trước, bí tiểu tiện, suy chức năng gan thận nặng, tăng năng tuyến giáp, Mẫn cảm với thuốc trầm cảm ba vòng, carbamazepin (mẫn cảm chéo)…
Thận trọng khi dùng cho trẻ dưới 12 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: Buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng, mờ mắt, táo bón, khó đi tiểu, tăng cân. Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến nhịp tim (kéo dài QT) gây xoắn đỉnh.
Omalizumab: Được dùng điều trị mày đay do lạnh ở người từ 12 tuổi trở lên, không đáp ứng với điều trị kháng histamin H1. Thuốc hoạt động bằng cách giúp giảm ngứa và giảm số lượng phát ban trên da. Omalizumab được tiêm dưới da và cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý, không được tự ý dừng thuốc. Tình trạng của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn nếu dừng đột ngột thuốc này. Nên giảm lượng thuốc này cần thực hiện dần dần dưới sự giám sát của bác sĩ, giống như thuốc corticoid, kháng histamin.
Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc omalizumab: Đau đầu, mệt mỏi, đau khớp hoặc đau cơ; chóng mặt; đau tai; rụng tóc; Ngứa nhẹ, Đau họng; Nổi mẩn đỏ, bầm tím, hơi ấm, nóng rát, đau nhức, ngứa, đau, hoặc sưng da nơi tiêm.
Dùng thuốc corticoid toàn thân: Có thể dùng dạng uống hoặc tiêm. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc corticoid trong những trường hợp nổi mày đay cấp, nặng, kèm phù thanh quản. Thuốc cũng có thể dùng trong một số trường hợp mày đay do viêm mạch, mày đay do chèn ép hoặc mày đay mạn tính không đáp ứng với các thuốc kháng histamin thông thường. Thuốc không nên dùng để điều trị mày đay mạn tính tự phát. Việc dùng coricoid điều trị mày đay cần được tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Các thuốc khác: Leukotriene, colchicine, epinephrine, dapson, doxepin...
Ngoài ra, để điều trị mày đay do lạnh có thể dùng ức chế miễn dịch, thay huyết tương, Immunoglobuline truyền tĩnh mạch (trong trường hợp nặng, kháng trị).
Dùng thuốc trị mày đay cần đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
3.3. Lưu ý khi điều trị
Thận trọng dùng thuốc trị mày đay cho trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc.
Lưu ý, tránh dùng thuốc mỡ kháng histamin (phenergan) bôi ngoài da để chữa nổi mày đay, vì dễ gây viêm da dị ứng. Ngoài ra, thuốc mỡ chứa corticoid ít hiệu quả với loại bệnh này, chưa kể đến việc dùng thuốc có thể gây một số tác dụng phụ, đặc biệt là khi bôi trên diện tích da quá lớn.
4. Phòng tránh mày đay do lạnh thế nào?
Để tránh cho cơ thể nổi mày đay do lạnh, nhất là vào mùa đông, cần lưu ý:
- Cần tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh: Tránh cho cơ thể nhiễm lạnh, không ngâm tay chân trong nước lạnh, không lội qua sông, qua suối khi trời lạnh.
- Tránh để lạnh xảy ra đột ngột, khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh,
- Mặc đủ ấm, nhất là khi ra khỏi nhà và không nên nằm ngủ trong phòng có gió lùa lạnh.
- Giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp trên miệng, mũi, hầu họng để tránh mắc các bệnh do vi khuẩn, virus.
- Có chế độ ăn hợp lý: Tránh ăn uống đồ lạnh (Kem, nước đá, đồ ăn để trong tủ lạnh…), ăn uống đồ ấm, nóng, nhiều vitamin…
5. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh mà cơ thể có các phản ứng như ngứa, phát ban ngoài da, sưng họng, sưng lưỡi, bất tỉnh, ớn lạnh, nhịp tim nhanh, sưng tay chân hoặc cơ thể, khó thở… cần khám ngay để được chẩn đoán xác định và chẩn đoán loại trừ. Việc phát hiện và điều trị mày đay do lạnh kịp thời sẽ giúp tránh các phản ứng nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?