Các dạng ho thường gặp
Ho là một biểu hiện mà bệnh nhân tự nhận biết, đến khám và phàn nàn với thầy thuốc. Thông thường 85% số bệnh nhân này đã tự điều trị ở nhà mà không đỡ hoặc điều trị trong một thời gian dài mà không hết ho nên bệnh nhân mới đến gặp thầy thuốc với mong muốn để mình hết ho.
Ho là một phản xạ bảo vệ đường thở khi có những kích thích dạng hơi hoặc dạng dịch, dạng rắn... tác động vào vùng họng - thanh quản. Ho cũng là phản xạ bảo vệ của cơ thể, vậy ho là phản xạ có lợi để bảo vệ phổi, chính vì thế người ta tìm nguyên nhân ho để chữa mà không phải cắt cơn ho trừ những trường hợp ho thành từng cơn ảnh hưởng tới sinh hoạt và hoạt động hàng ngày của người bệnh, ảnh hưởng tới thai nhi như ho cơn làm xuất hiện những cơn co bóp tử cung, nhất là gây sảy thai ở 3 tháng đầu.
Ho biểu hiện dạng cơn hay từng cái một, ho khan hoặc ho có đờm, đờm vàng hoặc xanh. Ho có thể xuất hiện ban ngày hoặc ban đêm, ho kèm theo khó thở.
Ho có thể xuất hiện do rất nhiều bệnh như ho do viêm mũi xoang, ho do viêm họng (viêm họng, nấm họng), viêm thanh quản, ho do các bệnh lý của phổi, ho do bệnh dạ dày thực quản trào ngược, ho do ung thư thanh quản...
Một số loại thuốc dân gian có tác dụng chữa ho hiệu quả mà không ảnh hưởng tới thai nhi.
Thuốc chữa ho
Dựa vào các triệu chứng phối hợp cùng với ho và đặc điểm của ho mà người thầy thuốc tìm ra nguyên nhân để điều trị.
Khi bị ho do viêm họng: Thường sử dụng kháng sinh (nếu viêm do vi khuẩn), loại kháng sinh hay được sử dụng là nhóm bêta lactam gồm các penicillin, cephalosporin... Đây là loại kháng sinh diệt vi khuẩn. Các thuốc nhóm bêta lactam không ảnh hưởng lên thai.
Thuốc giảm kích ứng tại họng - không có codein, chống dị ứng (ho do dị ứng).
Thuốc làm trung hòa pH vùng họng với các thuốc có tính kiềm nhẹ natribicarbonate, nước muối loãng...
Khi bị ho do viêm mũi xoang: thường thuốc toàn thân sử dụng kháng sinh chữa viêm mũi xoang, tại chỗ sử dụng thuốc co mạch, steroid xịt mũi...
Ho do trào ngược: sử dụng thuốc kháng H2, chống trào ngược.
Bà bầu thường hay nghĩ là vì mình có bầu nên không dùng thuốc và cố gắng chịu đựng cho đến khi không chịu đựng được nữa mới đi khám nên lúc đến với người thầy thuốc người bệnh thường ở trong tình trạng nặng, thường là đã biến chứng xuống phế quản, phổi. Lúc này việc sử dụng thuốc là bắt buộc, không những thế người bệnh phải dùng thuốc nặng, nhiều loại phối hợp với nhau. Chiếm đại đa số các bà bầu ho nặng khi đến khám tai mũi họng là viêm mũi xoang biến chứng xuống phế quản.
Vì thế khi có bầu nếu có biểu hiện ho nên đi khám ngay.
Giai đoạn đầu thường chỉ viêm kích ứng và có thể chỉ dùng các thuốc Đông y như kha tử, cát cánh, bạc hà dạng siro...., hoặc ở giai đoạn này có thể sử dụng thuốc ngậm như lysopaine, dorithrocine, thuốc nhỏ mũi, thuốc chống viêm thông thường là đã có thể làm cho bệnh thuyên giảm.
Các phương pháp dân gian có thể được sử dụng trị ho cho bà bầu:
Ngậm ô mai: làm dịu họng và giảm ho. Theo Đông y, ô mai có tác dụng sinh tân, chỉ khát (tăng tiết nước bọt) nên chống khô họng, làm dịu niêm mạc họng. Ngoài ra, ô mai cũng là vị thuốc giảm ho “Ô mai có vị chua, tính liễm, có thể thăng, có thể giáng, giúp thuận khí chỉ ho”.
Sử dụng mật ong: giúp làm giảm đồng thời nhiều triệu chứng khó chịu ở họng: như giúp giảm viêm họng do có hoạt tính kháng sinh tự nhiên; lại giúp dịu họng nhanh chóng nhờ vị ngọt khá đậm đặc. Mật ong cũng giúp giảm ho hữu hiệu. Mật ong giúp mau lành các tổn thương ở niêm mạc họng do kích thích tái tạo tế bào mới (nhờ tác dụng của albumin và acid panthotenic có trong thành phần của mật ong).
Viên ngậm thảo dược: được bào chế từ ô mai, mật ong và nhiều thảo dược như xuyên bối mẫu, tỳ bà diệp, sa sâm, cát cánh, bán hạ, gừng tươi, tinh dầu bạc hà... vừa bổ phế, vừa trừ ho hiệu quả, dịu họng, giảm ngứa rát họng. Viên được bào chế đặc biệt, chứa tối đa hàm lượng cao dược liệu trong mỗi viên.