Tôi bị hen mạn tính, đang có thai tháng thứ 6. Từ khi có thai tình trạng hen lại càng nặng thêm, nên tôi phải dùng thuốc chữa hen. Rất mong bác sĩ tư vấn giúp tôi về cách sử dụng thuốc hen nào ít gây ảnh hưởng nhất đến đứa con tương lai của tôi? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Thúy Hường (Đắk Lắk)
Hen suyễn là một bệnh nghiêm trọng đối với mọi bệnh nhân và với phụ nữ mang thai mắc hen, thì lại càng phiền toái. Một nghiên cứu cho biết chứng hen suyễn ảnh hưởng đến khoảng 4 - 8% phụ nữ mang thai.
Phế quản bình thường và của người hen suyễn.
Bệnh suyễn không phải luôn luôn tệ hại hơn lúc mang thai. Trong thực tế, nó có thể cải thiện hoặc tiếp diễn không thay đổi. Tuy nhiên, có khoảng 30% số ca hen suyễn nặng thêm khi mang thai. Các khảo sát cho thấy hen suyễn làm cho thai kỳ rắc rối hơn và làm tăng nguy cơ tử vong chu sinh, tiền sản giật, sinh thiếu tháng và nhẹ cân sơ sinh.
Trong suốt thời kỳ mang thai, phụ nữ mang thai bị hen suyễn thường cố chịu đựng triệu chứng và ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng thai nhi, mà họ không biết rằng, việc chịu đựng như vậy cũng rất nguy hiểm do triệu chứng có thể sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Việc điều trị hen trong thai kỳ có những giải pháp tốt cho người mẹ và an toàn cho thai.
Điều trị hen suyễn trong thai kỳ với mục đích chính là duy trì đầy đủ ôxy của bào thai bằng cách ngăn chặn tình trạng giảm ôxy mô ở người mẹ. Vì vậy đảm bảo đủ ôxy cho bào thai. Những bước điều trị thường rất chi tiết nhằm điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp với tình trạng tăng nặng của bệnh hen suyễn.
Đối với những trường hợp hen suyễn dai dẳng trong thời kỳ mang thai, liệu pháp điều trị có kiểm soát đầu tiên bao gồm việc sử dụng corticosteroids dạng phun xịt. Các khảo sát cho thấy các thuốc hít corticoid là những liệu pháp sử dụng an toàn lúc mang thai. Trong suốt thời kỳ mang thai, budesonide là dạng thuốc corticosteroid dạng phun xịt được ưa chuộng. Càng tránh dùng corticoid uống càng tốt. Việc uống corticoid có thể gây nên tật chẻ vòm hầu và nhẹ cân sơ sinh, nhưng việc tiêm hay uống trong thời gian ngắn được xem là an toàn. Tật chẻ vòm hầu không xảy ra ngoại trừ trường hợp người mẹ uống prednison hàng ngày. Các khảo sát cho thấy việc uống corticoid trong quý đầu của thai kỳ có liên quan nguy cơ gia tăng tật sứt môi. Ngoài ra corticoid uống cũng gia tăng nguy cơ tiền sản giật, sinh non và trẻ sơ sinh thiếu cân. Đối với phụ nữ mang thai bị hen suyễn, liệu pháp điều trị cấp cứu được đề nghị là albuterol dạng phun xịt.
Bệnh nhân mang thai và bị hen suyễn thường điều trị không đủ hoặc không tuân thủ liều điều trị của bác sĩ. Việc điều trị thiếu là một mối nguy cơ lớn hơn cho thai nhi so với việc dùng corticoid hít. Những trường hợp hen suyễn nặng và kiểm soát kém có thể liên quan đến tình trạng sinh non, có thể gây tiền sản giật, thai nhi phát triển kém, thường phải sử dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản, những biến chứng xung quanh thời kỳ chu sinh, tình trạng bệnh tật và tử vong trên người mẹ.
Tuy nhiên với thai phụ bị hen suyễn, sự cải thiện tình trạng sức khỏe ở người mẹ có thể được tăng lên mà không cần sự trợ giúp của thuốc bằng cách kiểm soát hoặc tránh sự phơi nhiễm với khói thuốc và những tác nhân dị ứng và kích ứng khác.