Nguyên nhân gây chứng đầy bụng, khó tiêu là do thừa acid dịch vị, do sự co bóp của dạ dày giảm, do tiêu hóa kém... Các yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng này là lạm dụng chất kích thích, ăn uống không đúng cách, do nuốt nhiều không khí hoặc hệ tiêu hóa kém... Ngoài ra, đầy bụng, khó tiêu còn là triệu chứng của các bệnh hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày, do nhiễm vi khuẩn H.Pylori hay do dùng thuốc chữa bệnh... Vì vậy, tùy từng nguyên nhân gây đầy hơi, khó tiêu mà bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp. Các thuốc trị đầy bụng, khó tiêu bao gồm:
Thuốc làm giảm acid dạ dày
Các thuốc này được dùng khi bị chứng khó tiêu, đầy hơi do thừa acid dịch vị, bao gồm:
Thuốc kháng acid: Là những thuốc có tác dụng trung hòa acid trong dịch vị, có tác dụng tức thời nhưng ngắn và chỉ là thuốc điều trị triệu chứng. Thuốc kháng acid thường dùng là các chế phẩm chứa nhôm, magiê hoặc cả hai như maalox, phosphalugel... Thuốc có tác dụng kháng acid tại chỗ, hầu như không hấp thu vào máu, do đó ít gây tác dụng toàn thân.
Lưu ý, thuốc kháng acid chứa magiê gây nhuận tràng còn thuốc chứa nhôm lại gây táo bón. Vì vậy, các chế phẩm kháng acid chứa cả hai muối magiê và nhôm có thể làm giảm tác dụng không mong muốn trên ruột của hai thuốc này. Dùng thuốc kháng acid tốt nhất là sau bữa ăn 1-3 giờ và trước khi đi ngủ, dùng 3-4 lần (hoặc nhiều hơn) trong một ngày. Các chế phẩm dạng lỏng có hiệu quả hơn dạng rắn, tuy nhiên thời gian tác dụng ngắn hơn. Do làm tăng pH dạ dày, các thuốc kháng acid làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của nhiều thuốc khác, do đó phải dùng các thuốc này cách xa thuốc kháng acid ít nhất 2 giờ.
Trào ngược dạ dày thực quản là một nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu
Các thuốc kháng histamin H2: cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin... có tác dụng ức chế bài tiết acid (cả khi đói lẫn do kích thích bởi thức ăn, histamin, cafein, insulin...). Trong những trường hợp rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ chua...) chưa chẩn đoán được nguyên nhân, có thể điều trị bằng kháng thụ thể H2 ở người trẻ, nhưng phải thận trọng ở người già vì có thể do ung thư dạ dày. Khi được bác sĩ kê đơn dùng loại thuốc nào trong nhóm này, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, đặc biệt phần cách uống thuốc và lưu ý về những bất lợi do thuốc gây ra để có thể phòng tránh, khắc phục. Trong các thuốc kháng thụ thể H2, cimetidin có nhiều tương tác với các thuốc khác do nó ức chế chuyển hóa thuốc qua con đường ôxy hóa ở gan, thường dẫn đến sự chậm thải trừ và tăng nồng độ của một số thuốc trong máu. Vì vậy phải tránh dùng cimetidin đồng thời với một số thuốc chuyển hóa qua con đường này. Ranitidin ít gây tương tác, trong khi famotidin và nizatidin không gây tương tác kiểu này.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI): omeprazol, lansoprazol, pantoprazol... có tác dụng ngăn chặn enzym trong thành dạ dày sản sinh acid, nên làm giảm acid dạ dày. Khi dùng thuốc này, một số tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra như đau đầu, buồn nôn, nôn, dị ứng da. Thuốc PPI cũng làm giảm khả năng hấp thu vitamin B12 của cơ thể gây ra nhiều vấn đề như rối loạn thị giác, thay đổi vị giác, trí nhớ giảm sút, tê cứng tay chân... Chỉ dùng thuốc ở liều lượng thấp để điều trị bệnh trong ngắn hạn. Người bệnh cần uống nguyên viên thuốc để giữ được toàn vẹn các dược chất trong thuốc không bị hòa tan khi gặp môi trường acid trong dạ dày. Thời điểm dùng thuốc tốt nhất là trước bữa ăn 30 phút. Như vậy thuốc sẽ có đủ thời gian để phát huy tác dụng ức chế tiết quá nhiều acid dạ dày khi chúng ta nạp thức ăn vào.
Thuốc giúp điều hòa sự co bóp dạ dày
Được dùng trong trường hợp sự co bóp dạ dày kém dẫn đến sự chuyển đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm gây đầy bụng, khó tiêu. Một số thuốc có thể dùng như metoclopramid, cisaprid... Khi dùng, thuốc có tác dụng kích thích, điều hòa, phục hồi lại nhu động đường tiêu hóa đã bị “ỳ”... do đó làm giảm triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, thuốc có một số tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, buồn ngủ, phản ứng ngoại tháp - loạn trương lực cơ cấp, mệt mỏi, yếu cơ (đối với metoclopramid), hay đau đầu, buồn nôn (đối với cisaprid)...
Thuốc hỗ trợ tiêu hóa
Được dùng trong trường hợp tiêu hóa thức ăn kém (do thiếu men tiêu hóa) gây đầy bụng, khó tiêu. Thường dùng các men như neopeptin, alipase, festal... để hỗ trợ sự tiêu hóa thức ăn ở dạ dày dễ dàng hơn.
Men tiêu hóa là một hỗn hợp các enzym khác nhau với công dụng chuyển hóa thức ăn chủ yếu là các chất đạm, đường, bột và chất béo. Mặc dù men tiêu hóa có tác dụng tốt trong các trường hợp trên, nhưng phải dùng đúng cách: Không dùng vào lúc dạ dày rỗng (lúc đói), sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày; không dùng vào thời điểm trước bữa ăn, tốt nhất nên dùng sau bữa ăn khoảng 1 giờ. Thời gian dùng tối đa là 2 tuần. Vì việc dùng men tiêu hóa kéo dài không những thêm lợi ích còn làm thay đổi chức năng cơ quan tiêu hóa, tác động vào các cơ quan và bộ phận tiết men, làm các cơ quan này giảm tiết dịch tiêu hóa và mất chức năng.