1. Đau dây thần kinh sinh ba là gì?
Đau dây thần kinh sinh ba là một tình trạng đặc trưng bởi cơn đau xuất phát từ dây thần kinh sinh ba, bắt đầu gần đỉnh tai và chia làm ba, về phía mắt, má và hàm. Chúng ta có hai dây thần kinh sinh ba cho mỗi bên mặt, nhưng cơn đau dây thần kinh sinh ba thường chỉ ảnh hưởng đến một bên.
- 1. Đau dây thần kinh sinh ba là gì?
- 2. Triệu chứng và các biện pháp chẩn đoán đau dây thần kinh sinh ba
- 3. Nguyên nhân khiến cơn đau dây thần kinh sinh ba bùng phát
- 4. Thuốc trị đau dây thần kinh sinh ba
- 5. Phẫu thuật đau dây thần kinh sinh ba
- 6. Châm cứu và các phương pháp điều trị y học tích hợp
- 7. Những loại vitamin nào tốt cho người bệnh đau dây thần kinh sinh ba?
Đau dây thần kinh sinh ba không giống như đau mặt do các vấn đề khác gây ra. Nó thường được mô tả như bị đâm và đau đến mức người bệnh không thể ăn hoặc uống. Cơn đau di chuyển khắp mặt chỉ trong vài giây, nhưng khi tình trạng bệnh tiến triển, cơn đau có thể kéo dài vài phút và thậm chí lâu hơn.
2. Triệu chứng và các biện pháp chẩn đoán đau dây thần kinh sinh ba
Đau dây thần kinh sinh ba thường được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân. Triệu chứng đặc trưng của đau dây thần kinh sinh ba có thể bao gồm:
- Đau nhói từng đợt dữ dội, như dao đâm ở má hoặc hàm, có thể cảm thấy như bị điện giật. Các cơn đau có thể được kích hoạt bởi bất cứ thứ gì chạm vào mặt hoặc răng, bao gồm cạo râu, trang điểm, đánh răng, chạm vào răng hoặc môi bằng lưỡi, ăn, uống hoặc nói chuyện - hoặc thậm chí là một cơn gió nhẹ hoặc nước đập vào mặt.
- Cơn đau thường ngắn (kéo dài vài giây đến vài phút)
- Thường xảy ra ở một bên của khuôn mặt
Ngoài tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ khám vùng đầu và cổ, cũng như kiểm tra thần kinh để xác minh chẩn đoán nếu xác định được các vùng kích hoạt cụ thể. Một số xét nghiệm phản xạ, như mất phản xạ giác mạc ở mắt (chớp mắt) hoặc yếu bất kỳ cơ mặt nào có thể giúp chẩn đoán triệu chứng đau dây thần kinh sinh ba.
Nếu tiền sử bệnh nhân cho thấy cơn đau vừa phải nhưng không hết, thì nguyên nhân có thể là do các tình trạng nghiêm trọng hơn như bệnh đa xơ cứng hoặc khối u. Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng thuốc cản quang sẽ được sử dụng. Mục đích của MRI là để loại trừ các nguyên nhân thứ phát khỏi chẩn đoán đau dây thần kinh sinh ba, hoặc để chuẩn bị cho phẫu thuật trong điều trị đau dây thần kinh sinh ba.
3. Nguyên nhân khiến cơn đau dây thần kinh sinh ba bùng phát
Đau dây thần kinh sinh ba thường xảy ra một cách tự phát, nhưng đôi khi có liên quan đến chấn thương mặt hoặc các thủ thuật nha khoa.
Tình trạng này có thể do mạch máu đè lên dây thần kinh sinh ba, còn được gọi là chèn ép mạch máu. Các triệu chứng có thể tương tự như các triệu chứng do các vấn đề về răng miệng gây ra, và đôi khi những người bị đau dây thần kinh sinh ba không được chẩn đoán sẽ tìm hiểu nhiều thủ thuật nha khoa để cố gắng kiểm soát cơn đau cơn của mình.
4. Thuốc trị đau dây thần kinh sinh ba
4.1 Thuốc chống co giật carbamazepine
Loại thuốc được chứng minh là có tác dụng giảm đau đối với chứng đau dây thần kinh sinh ba là carbamazepine, một loại thuốc chống động kinh thường được kê cho những bệnh nhân bị co giật. Còn được gọi là thuốc chống co giật, các loại thuốc như carbamazepine ngăn chặn cơn động kinh bằng cách ngăn chặn các tín hiệu điện kích thích lặp đi lặp lại truyền theo chiều dài của dây thần kinh. Tuy nhiên, carbamazepine có thể tạo ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể mất dần hiệu quả theo thời gian. Do đó, bác sĩ có thể kê đơn một loại thuốc chống co giật tương tự được gọi là oxcarbazepine. Các thuốc chống co giật khác như lamotrigine, topiramate, hoặc axit valproic, cũng có thể được thử nếu liệu pháp đầu tay không hiệu quả.
Đối với chứng đau dây thần kinh sinh ba, gabapentin và pregabalin, những loại thuốc thường được kê đơn cho chứng đau dây thần kinh, thường là liệu pháp thứ hai được lựa chọn. Thuốc có thể giảm đau hiệu quả với ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc chống co giật khác. Phương án cuối cùng, bác sĩ có thể kê đơn clonazepam, một loại thuốc chống co giật có tác dụng tương tự như gabapentin. Thuốc có thể kiểm soát cơn đau dây thần kinh sinh ba ở một số bệnh nhân nhưng có tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm an thần và lệ thuộc thuốc.
4.2 Thuốc giãn cơ baclofen
Baclofen là thuốc giãn cơ chủ yếu được sử dụng để điều trị đau lưng từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên, trong đau dây thần kinh sinh ba thuốc không được sử dụng để giãn cơ mà để giảm đau. Baclofen làm giảm một chất hóa học, được gọi là chất P, trong hệ thống thần kinh trung ương cần thiết để truyền tín hiệu đau và để giảm đau trong trường hợp này, nhưng các thuốc giãn cơ khác thì không. Nó thường được kê đơn để tăng cường tác dụng của carbamazepine để cho phép dùng liều thấp hơn và ít tác dụng phụ hơn.
5. Phẫu thuật đau dây thần kinh sinh ba
Nếu thuốc không kiểm soát cơn đau dây thần kinh sinh ba mặc dù đã tăng liều lượng hoặc do các tác dụng phụ của thuốc, có thể xem xét đến việc phẫu thuật. Sức khỏe tổng thể, tuổi tác, mức độ đau của người bệnh và tính khả dụng của thủ thuật sẽ ảnh hưởng đến quyết định này.
Phẫu thuật chữa đau dây thần kinh sinh ba rất tinh vi và yêu cầu chính xác cao vì vùng liên quan rất nhỏ. Vì vậy cần phải được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật thần kinh có kinh nghiệm.
6. Châm cứu và các phương pháp điều trị y học tích hợp
Châm cứu bao gồm việc châm các kim dọc theo "điểm kích hoạt" để giảm đau. Một số người bị đau dây thần kinh sinh ba báo cáo rằng châm cứu giúp giảm cường độ và / hoặc tần suất của các cơn đau. Thiền và các biện pháp thay đổi lối sống cũng là những lựa chọn cho những người đang tìm kiếm các phương pháp điều trị đau dây thần kinh sinh ba.
7. Những loại vitamin nào tốt cho người bệnh đau dây thần kinh sinh ba?
Các loại vitamin như vitamin D và B12 thường được khuyên là "tốt" cho chứng đau dây thần kinh sinh ba. Tuy nhiên, tình trạng này không phải là vấn đề liên quan đến thiếu chất dinh dưỡng, mà là vấn đề cơ học ở hầu hết các bệnh nhân. Các chất bổ sung hiện không được chứng minh là có bất kỳ tác dụng nào trong việc ngăn ngừa hoặc kiểm soát các cơn đau bùng phát.
Mời xem thêm video:
Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi