Điều đó có đúng không. Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình)
Piracetam là một trong những thuốc được chỉ định trị một số bệnh liên quan đến thần kinh như chứng chóng mặt; suy giảm trí nhớ, kém tập trung, hoặc thiếu tỉnh táo, thay đổi khí sắc, rối loạn hành vi, kém chú ý đến bản thân, sa sút trí tuệ do nhồi máu não nhiều ổ (ở người cao tuổi); đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp; điều trị nghiện rượu; hỗ trợ điều trị hỗ trợ chứng khó đọc ở trẻ em và dùng bổ trợ trong điều trị giật rung cơ có nguồn gốc vỏ não… Như vậy, chứng chóng mặt là một trong những chỉ định của thuốc này.
Tuy nhiên, chóng mặt có rất nhiều nguyên nhân như bị cảm cúm, viêm tai cũng gây chóng mặt. Chóng mặt còn do các bệnh cường tuyến cận giáp, bệnh chuyển hóa, do tổn thương thần kinh trung ương (chấn động não, chấn thương sọ não, động kinh…), bệnh về mắt, nhiễm độc thuốc… Người bị chóng mặt cảm thấy mọi vật xung quanh đều quay cuồng, mất thăng bằng, đi đứng không vững, nôn nao, khó chịu, ruột gan như đảo lộn… rất nguy hiểm. Lúc này người bệnh chỉ có thể đi nằm nghỉ ngơi, tránh đi lại.
Việc điều trị chóng mặt phải bao gồm điều trị triệu chứng chóng mặt và điều trị bệnh gây nên chóng mặt (nếu có). Tùy nguyên nhân, bác sĩ có từng phác đồ điều trị cụ thể. Vì vậy, tốt nhất bạn nên dành chút thời gian đi khám để biết nguyên nhân gây chứng chóng mặt của mình là gì, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc thích hợp.
Nếu bác sĩ có kê đơn dùng piracetam, khi dùng thuốc này cần lưu ý, dùng thuốc theo liều lượng, số lần dùng trong ngày và thời gian dùng theo chỉ định của bác sĩ. Khi uống, thuốc có thể gây tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, trướng bụng hoặc bồn chồn, ngủ gà… cho người dùng. Có thể giảm nhẹ các tác dụng phụ này của thuốc bằng cách giảm liều.
Cảm ơn bạn đã rất thận trọng trong dùng thuốc. Chúc bạn mau khỏi bệnh.
DS. Nguyễn Thu Giang