Nguy cơ thuốc chữa bệnh là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nguy cơ thuốc chữa bệnh đối với người dùng rất đa dạng, nhưng tập trung ở ba khía cạnh chính là ADR, AE và SE. Đây là ba chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh, có nghĩa phản ứng có hại của thuốc (Adverse Drug Reaction), biến cố bất lợi (Adverse Event) và tác dụng phụ (Side Effect). WHO định nghĩa về phản ứng có hại của thuốc là phản ứng độc hại, không được định trước, xuất hiện ở liều thường dùng cho người để phòng bệnh, chẩn đoán hay chữa bệnh hoặc nhằm thay đổi một chức năng sinh lý.
Định nghĩa này không bao gồm các trường hợp thất bại trị liệu, quá liều, lạm dụng thuốc, không tuân thủ và sai sót trong trị liệu. ADR có thể dự đoán được, nghĩa là có thể kiểm soát, có thể tránh được hoặc không hay không thể dự đoán được; nó có thể xảy ra thường xuyên hoặc không thường xuyên đối với một hay nhiều loại thuốc mà hậu quả của nó có thể nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng.
Phân loại ADR có thể dựa vào mức độ, gồm có 3 mức là nhẹ, trung bình và nặng. Phân loại dựa theo thời gian khởi phát, phân loại theo tần suất xảy ra ADR và phân loại ADR theo tác dụng dược lý.
Biến cố bất lợi của thuốc là bất kỳ một biến cố nào xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc nhưng không nhất thiết do phác đồ điều trị bằng thuốc gây ra, đồng nghĩa có thể không có mối liên hệ nhân quả giữa thuốc và biến cố. Như vậy biến cố bất lợi bao gồm những ảnh hưởng do thuốc gây ra ADR và do cách dùng thuốc (giảm liều, quá liều, ngừng điều trị...).
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ gây mất trí nhớ ở con người
Theo WHO, các tác dụng bất lợi có thể là cục bộ, tức là giới hạn ở một vị trí nhất định hoặc toàn thân, trong đó thuốc đã gây ra tác dụng phụ trong suốt quá trình lưu thông toàn thân. Ví dụ, một số thuốc chống tăng huyết áp mắt gây ra tác dụng toàn thân, mặc dù chúng được sử dụng cục bộ dưới dạng thuốc nhỏ, do một phần thuốc thoát ra khỏi hệ thống tuần hoàn.
Tác dụng phụ là tác dụng không định trước của một chế phẩm thuốc xảy ra ở liều thường dùng ở người và liên quan đến đặc tính dược lý của thuốc.Như đã đề cập, tác dụng kháng cholinergic của các thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể gây ra các tác dụng phụ như khô miệng, táo bón, bí tiểu tiện.
Tuy nhiên, tác dụng phụ không hoàn toàn có hại mà trong một số trường hợp có thể có lợi và trở thành tác dụng điều trị chính.Ví dụ, bệnh nhân bị trầm cảm và hội chứng ruột kích thích gây tiêu chảy, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng sẽ có lợi ích với tác dụng kháng cholinergic của thuốc ngoài tác dụng chống trầm cảm.
Thuốc làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ
Một nhóm thuốc khá phổ biến được các bác sĩ kê toa từ bệnh bàng quang đến bệnh Parkinson và trầm cảm... có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Đó là cảnh báo rút ra từ nghiên cứu mới do Đại học Nottingham (UoN), Anh, vừa thực hiện và công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine. Đặc biệt là nhóm thuốc anticholinergics (kháng cholinergic hay ức chế phó giao cảm, hoạt động bằng cách ức chế chất dẫn truyền thần kinh có tên acetyholine).
Anticholinergics là thuốc có tác dụng ức chế acetylcholine trong hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên.Cụ thể, ức chế xung thần kinh của hệ thần kinh phó giao cảm bằng cách phong bế chọn lọc chỗ gắn của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine lên thụ thể của nó trong các tế bào thần kinh.Những sợi thần kinh của hệ thống thần kinh phó giao cảm chịu trách nhiệm cho những vận động không chủ ý của cơ trơn có mặt ở đường tiêu hóa, tiết niệu, phổi, và các phần khác nhau của cơ thể. Thuốc kháng cholinergic được chia thành ba loại tương ứng với đích tác dụng cụ thể tại hệ thần kinh trung ương và ngoại vi: thuốc kháng muscarinic, thuốc chẹn hạch, và thuốc ức chế thần kinh cơ.
Tác dụng của chúng là giúp thư giãn hoặc co thắt cơ bắp, và các bác sĩ có thể kê đơn cho chúng để giúp điều trị các bệnh về bàng quang, các vấn đề về đường tiêu hóa và một số triệu chứng của bệnh Parkinson.Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ hàng chục ngàn người tham gia.Nghiên cứu kết luận, thuốc kháng cholinergic có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ của người dùng tới gần 50%.
GS. Carol Coupland, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, kết luận trên dựa trên nghiên cứu của 58.769 người mắc chứng mất trí nhớ và 225.574 người khỏe mạnh tuổi từ 55 trở lên. Trong số những người mắc chứng mất trí nhớ, 63% là phụ nữ, độ tuổi trung bình là 82. Đối với các trường hợp mắc chứng mất trí nhớ, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy nhóm người này đều có chung 5 đặc điểm, trong đó có đặc điểm như độ tuổi, giới tính và mức độ chăm sóc y tế.
Nghiên cứu được tiến hành từ tháng giêng 2004 đến tháng giêng 2016. Các nhà khoa học phát hiện thấy thuốc kháng cholinergic nói chung có nguy cơ làm mắc chứng mất trí nhớ cao hơn cả. Đặc biệt là thuốc chống trầm cảm, thuốc chống bàng quang hoạt động quá mức, chống nôn, thuốc trị Parkinson, thuốc động kinh...
Hiệu ứng của thuốc anticholinergics vẫn hiện hữu ngay cả sau khi tính đến các yếu tố gây nhiễu (hoặc còn gọi là yếu tố nguy cơ mất trí nhớ), bao gồm chỉ số khối cơ thể (BMI), thói quen hút thuốc, sử dụng rượu, các vấn đề về tim mạch và sử dụng các loại thuốc khác, như thuốc hạ huyết áp.
Tổng thể, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người từ 55 tuổi trở lên đã sử dụng thuốc kháng cholinergic mạnh hàng ngày trong ít nhất 3 năm có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn gần 50% so với những người không sử dụng loại thuốc này. Tỷ lệ mắc chứng mất trí nhớ ở những người có mức phơi nhiễm thấp nhất với thuốc kháng cholinergic cao hơn 1.06 lần và cao nhất gấp 1.49 lần so với nhóm đối chứng không dùng nhóm thuốc này.
Các tác giả lưu ý, nghiên cứu trên chủ yếu dùng phương pháp quan sát, vậy nên thuốc kháng cholinergic không thể được coi là nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ.Trên thực tế, một số loại thuốc thuộc nhóm này có thể được kê đơn để điều trị các triệu chứng sớm của bệnh về thần kinh. Nếu được coi là nguyên nhân, có nghĩa, khoảng 10% các trường hợp mất trí nhớ có thể bị đổ lỗi cho các loại thuốc nói trên, tương đương 300.000 trong số 3 triệu trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm tại Mỹ.
Phát hiện trên cũng có tác dụng đến tầm quan trọng của việc đánh giá thuốc thường xuyên.Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, không nên ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc được kê đơn nào trước khi tham khảo ý kiến của bác sĩ.Đang dùng thuốc kháng cholinergic nếu ngưng đột ngột có thể “hại nhiều hơn lợi”.
“Riêng với bác sĩ, các rủi ro khi sử dụng nhóm thuốc nói trên cần được cân nhắc bên cạnh lợi ích để đưa ra các điều trị thay thế có thể.Chẳng hạn như sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm khác hoặc các loại điều trị thay thế cho tình trạng bàng quang hoạt động quá mức”, GS.Carol Coupland nhấn mạnh.
Nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ ở Việt Nam
Theo thông tin từ Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai), năm 2010, tổng số người trên 65 tuổi toàn cầu ước tính vào khoảng 8% dân số còn ở Việt Nam vào khoảng 5,7% mắc bệnh sa sút trí tuệ. Tỷ lệ này được dự đoán tăng lên gấp đôi vào năm 2050 do tỷ lệ mất cân đối dân số và lão hóa dân số tăng mạnh. Ước tính, cứ 3 giây lại có thêm một người mắc bệnh sa sút trí tuệ và số người mắc này sẽ tăng lên gấp đôi sau 2 thập kỷ.
Hiện Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, kéo theo những chuyển dịch về gánh nặng bệnh tật. Sa sút trí tuệ là một trong những bệnh điển hình nhất mà người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc phải. Sa sút trí tuệ không phải là bệnh, đây là hội chứng lâm sàng gây ra bởi tổn thương não. Biểu hiện đặc trưng là suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, chú ý, định hướng, ngôn ngữ, trí giác, suy luận, điều hành, và khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục.
Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ có thể bắt gặp ở nhiều bệnh khác nhau, phổ biến là bệnh Alzheimer (60% - 80% tổng số các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ). Nhiều bệnh nhân mắc bệnh sa sút trí tuệ ở Việt Nam, hoặc khoảng 90% bệnh nhân đến Viện Sức khỏe Tâm thần khám đều lạm dụng thuốc bổ não.
Theo khuyến cáo của Viện Sức khỏe Tâm thần, phương pháp điều trị có thể dùng thuốc, không dùng thuốc hoặc chăm sóc toàn diện sẽ giúp làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Đôi khi thay vì uống thuốc, người bệnh nên duy trì cuộc sống vận động, giao tiếp cộng đồng.
Khi có các biểu hiện sau đây, người bệnh cần đi khám sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời: suy giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày, khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề; khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc; nhầm lẫn về thời gian và không gian; khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian; phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/đọc; đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại; giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định; thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội và thay đổi cảm xúc cùng nhân cách.