Thực trạng kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với các bệnh truyền nhiễm và chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật. Vi khuẩn kháng thuốc đang là gánh nặng thực sự vì sự gia tăng chi phí do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền.
Mới đây, một phương pháp điều trị bệnh Alzheimer đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị một số vi khuẩn kháng kháng sinh. Bằng cách phá vỡ các kim loại bên trong vi khuẩn, thuốc đồng thời phá vỡ cơ chế kháng kháng sinh của chúng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Queensland, Đại học Melbourne và Đại học Griffith, Australia đã phát hiện ra rằng loại thuốc có tên PBT2 (thuốc điều trị bệnh Alzheimer) có hiệu quả trong việc phá vỡ và tiêu diệt vi khuẩn gram âm, gây ra các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm màng não.
Thuốc chữa bệnh Alzheimer có hiệu quả đối với tình trạng kháng kháng sinh.
Nghiên cứu được thử nghiệm lâm sàng trên động vật, với sự kết hợp của kháng sinh polymyxin và PBT2, đã giải quyết thành công các siêu vi khuẩn kháng kháng sinh như Klebsiella pneumoniae, Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli.
Các nghiên cứu lâm sàng về PBT2 cho thấy nó an toàn để sử dụng cho người. Có thể kết hợp với kháng sinh polymyxin để điều trị vi khuẩn kháng polymyxin, và các loại kháng sinh khác hiện không hiệu quả trong điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Theo ước tính của giới khoa học, đến năm 2050, vi khuẩn kháng kháng sinh sẽ gây ra hơn 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Phương pháp điều trị mới này hứa hẹn sẽ giúp hạn chế tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh hiện nay.