Hà Nội

Thuốc chống trầm cảm có thể thúc đẩy vi khuẩn kháng thuốc

13-02-2023 09:09 | Thông tin dược học

SKĐS - Tình trạng kháng thuốc kháng sinh xuất hiện một phần là do kê đơn quá mức và/hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã xác định một nguyên nhân tiềm ẩn khác của tình trạng kháng kháng sinh, đó là thuốc chống trầm cảm.

Kháng kháng sinh là gì?

Kháng kháng sinh đề cập đến hiện tượng vi khuẩn phát triển khả năng vô hiệu hoá các loại thuốc được thiết kế để tiêu diệt chúng. Thông thường, nhiễm trùng do vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng khi vi khuẩn kháng thuốc, chúng có thể lây lan khắp cơ thể và gây nhiễm trùng không thể điều trị. 

Hậu quả ngoài ý muốn của việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể là kháng kháng sinh - Ảnh 1.

Đã xác định một nguyên nhân tiềm ẩn khác của tình trạng kháng kháng sinh, có thể là thuốc chống trầm cảm.

Trên thực tế, một phân tích gần đây được công bố trên tạp chí The Lancet phát hiện ra rằng nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 1,27 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.

Thuốc trầm cảm có thể là nguyên nhân

Tác giả của nghiên cứu, TS. Jianhua Guo, bắt đầu quan tâm đến vai trò của thuốc chống trầm cảm góp phần kháng kháng sinh sau một số phát hiện trước đó từ phòng thí nghiệm của ông. Năm 2018, nhóm đã tiến hành nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) đã phát triển khả năng kháng nhiều loại kháng sinh sau khi tiếp xúc với thuốc chống trầm cảm fluoxetine. 

Trong nghiên cứu hiện tại, nhóm đã theo dõi những phát hiện này và cho E. coli tiếp xúc với 5 loại thuốc chống trầm cảm thường được kê đơn, sau đó cố gắng tiêu diệt vi khuẩn này bằng 13 loại kháng sinh khác nhau. 

Họ nhận thấy, ngay cả sau vài ngày tiếp xúc với thuốc chống trầm cảm, vi khuẩn phát triển khả năng kháng kháng sinh, không chỉ chống lại một loại mà còn nhiều loại kháng sinh. Nói cách khác, việc vi khuẩn tiếp xúc với thuốc chống trầm cảm đã khiến vi khuẩn phát triển khả năng kháng kháng sinh mạnh mẽ.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm cách xác định một số cơ chế mà việc tiếp xúc với thuốc chống trầm cảm có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn. Họ phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với thuốc chống trầm cảm có liên quan đến sự gia tăng các loại phản ứng oxy và phản ứng căng thẳng ở vi khuẩn. 

Quan trọng hơn, thuốc chống trầm cảm còn kích hoạt hệ thống bơm đẩy ra của vi khuẩn, đây là một trong những cách mà vi khuẩn loại bỏ các phân tử không mong muốn khác nhau khỏi hệ thống của chúng. Kết hợp lại với nhau, thuốc chống trầm cảm kích hoạt phản ứng khẩn cấp bên trong vi khuẩn, khiến vi khuẩn tiến hóa để có thể tồn tại tốt hơn trong môi trường khắc nghiệt, như khi tiếp xúc với thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt nó. 

Tuy nhiên các tác giả của nghiên cứu lưu ý là nghiên cứu này không nhằm ngăn cản việc sử dụng thuốc chống trầm cảm mà thay vào đó nhấn mạnh nhu cầu nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ giữa thuốc chống trầm cảm và tình trạng kháng kháng sinh.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Uống rượu bia sau bao lâu cơ thể mới hết nồng độ cồn?

Minh Anh
(Theo Phys)
Ý kiến của bạn