Hai thuốc loperamid và racecadotril được dùng khá phổ biến trị tiêu chảy trong những năm gần đây. Song, có khá nhiều trường hợp do chưa hiểu tính năng và những chỉ dẫn kèm theo của thuốc nên dùng không đúng và xảy ra tai biến...
Tác dụng của thuốc
Hai thuốc loperamid (L) và racecadotril đều dùng trong tiêu chảy có những điểm giống và khác nhau nên cần phân biệt rõ để có cách dùng thích hợp.
Giống nhau: chúng đều không có tính kháng khuẩn, nên không phải là thuốc đặc trị cho tiêu chảy do nhiễm khuẩn mà là thuốc dùng cho các tiêu chảy không nhiễm khuẩn (tiêu chảy không đặc hiệu liên quan đến đường ruột như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng...); có ảnh hưởng lên sự chuyển hóa dịch, chất điện giải qua ruột (nhưng lại theo cơ chế khác nhau) đưa kết quả giảm thể tích phân, tăng độ nhớt, tỷ trọng khối. Nếu dùng phòng và điều trị tiêu chảy thì làm giảm được sự mất dịch, chất điện giải. Tuy nhiên khi bị tiêu chảy mất dịch, chất điện giải thì chúng đều không thay thế được việc bù dịch, chất điện giải. Vì thế khi tiêu chảy có sự mất dịch, chất điện giải thì nhất thiết phải dùng dung dịch bù chất điện giải (ORS, dung dịch natrichlorid 0,9%, ringer lactat) .
Khác nhau: Loperamid là chất tổng hợp thuộc nhóm opiat. Nó tác dụng trực tiếp lên cơ vòng, cơ dọc thành ruột, làm giảm nhu động thành ruột, tăng lực co thắt hậu môn, giảm tiết dịch đường tiêu hóa nên làm giảm sự mất dịch, chất điện giải, giảm thể tích phân, cầm tiêu chảy khá nhanh, được người dùng ưa thích. Trong khi đó, racecadotril có cơ chế khác: ức chế enzym enkephalinase và qua đó làm bền chất enkephalin dẫn đến giảm tiết dịch khi có sự tăng tiết, giảm mất dịch chất điiện giải, giảm thể tích phân và cũng cho kết quả cầm việc tiêu chảy. Cả hai thuốc này đều dùng trong tiêu chảy nhiễm khuẩn nhưng chỉ với vài trò phối hợp do các tác dụng trên.
Và những lưu ý
Một trong những nguyên tắc trong điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn là không được tăng thời gian giữ lại phân lâu trong ruột, làm tăng sinh vi khuẩn trong ruột. Loperamid chống co thắt, làm giảm nhu động ruột, nên làm tăng thời gian giữ phân lại, làm tăng sinh vi khuẩn trong ruột. Từ đó có thể gây bùng phát lại sự nhiễm khuẩn. Trong trường hợp vi khuẩn tiết ra chất độc, độc tố lưu lại trong ruột còn gây hại. Như vậy, từ một thuốc chống tiêu chảy, loperamid có thể làm tái sự tiêu chảy và gây độc nếu phối hợp không khéo (dùng liều cao làm tăng sự co thắt, giảm nhu động ruột quá mức). Đây là một tác dụng phụ xảy ra do cách dùng thuốc không đúng mà ít được để ý. Trong khi đó, racecadotril chỉ có cơ chế làm giảm tiết dịch mà không chống co thắt, làm giảm nhu động ruột nên không có tác dụng phụ này. Cũng vì thế, phạm vi liều dùng của racecadotril rộng hơn. Tuy nhiên, trong lâm sàng cũng chỉ dùng với liều đủ hiệu quả chống tiết dịch, chất điện giải mà không nên dùng liều cao hơn.
Loperamid là một opiat tổng hợp, với liều dùng trong điều trị tiêu chảy thì ít độc cho hệ thần kinh trung ương của người lớn. Tuy nhiên, nó có thể gây các triệu chứng thần kinh cho trẻ dưới 6 tuổi. Vì vậy, loperamid không phải là thuốc tiêu chảy cho trẻ em, không đưa vào thường quy điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trong một số biệt dược, nhà sản xuất cẩn thận hơn còn ghi không dùng cho trẻ dưới 8 tuổi. Racecadotril không phải là một opiat, không đi qua được hàng rào máu não của trẻ nên không có tác hại trên thần kinh của trẻ, có thể dùng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.
Loperamid khi dùng liều cao kéo dài sẽ bị táo bón, đau bụng, buồn nôn, nôn, khô miệng, trướng bụng, tắc, liệt ruột (do làm giảm co thắt, giảm nhu động ruột quá mức). Ngoài ra, thuốc còn gây một số biểu hiện về thần kinh như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Không dùng loperamid cho người nhu động ruột bị giảm sút, trướng bụng. Thận trọng khi dùng với người viêm loét dạ dày, có chức năng gan suy giảm. Không dùng loperamid cho người có thai (vì chưa có đủ thông tin); có thể dùng cho người cho con bú (vì thuốc tiết qua sữa rất ít) nhưng chỉ nên dùng liều thấp. Trong vòng 48 giờ dùng loperamid riêng lẻ hay kết hợp với thuốc đặc trị mà không thấy hiệu quả thì phải ngừng dùng. Racecadotril với liều điều trị chưa ghi nhận thấy các tai biến nào nghiêm trọng.
Những điều phân biệt trên cho biết cơ chế tác dụng của mỗi thuốc để dùng vào trường hợp thích hợp chứ không hàm nghĩa so sánh về độ tốt, xấu của mỗi thuốc.
Cần dùng đúng chỉ định của chúng là cho tiêu chảy không đặc hiệu. Trong tiêu chảy do nhiễm khuẩn, cần phải dùng kháng sinh đặc hiệu, nếu có kết hợp với các thuốc này thì chỉ với vai trò phối hợp mà không thể thay cho thuốc đặc hiệu.
Trong tiêu chảy dù ở dạng nào khi có sự mất dịch, chất điện giải thì nhất thiết phải bù dịch chất điện giải chứ không thể dùng các thuốc này thay thế. Nếu không bù dịch chất điện giải đúng lúc, đủ lượng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
DS. Bùi Văn Uy