(SKDS) - Ghép thận ở người thành công từ những năm giữa thế kỷ XX là một tiến bộ lớn của y học thế giới nhờ những nghiên cứu cơ bản về miễn dịch ghép tạng. Sau ghép thận là ghép tim, ghép gan, ghép tụy đã mở ra ngành ghép tạng, cứu sống được nhiều người bệnh mà trước đó được cho là “vô phương cứu chữa”.
Từ những thuốc ức chế miễn dịch không đặc hiệu như glucocorticoid, azathioprine vào những năm 1960, hiện nay đã có các thuốc ức chế miễn dịch khác đặc hiệu hơn, tăng tỷ lệ thành công, giảm tỷ lệ thải ghép, an toàn và ít tác dụng không mong muốn.
Dựa vào cơ chế thải ghép, thuốc chống thải ghép là thuốc ức chế miễn dịch được phân loại như sau:
Thuốc ức chế miễn dịch lớp 1
Các thuốc trong nhóm này có tác dụng ức chế sự chuyển sao chép của interleukin 2 (IL – 2), ngăn cản chuyển mã trình diện của kháng nguyên bao gồm:
Các thuốc kháng calcineurin
Cyclosporin A (sandimmum, neoral) là thuốc được áp dụng vào lâm sàng từ năm 1984, có kết quả to lớn trong chống thải ghép thận nhờ tác dụng lên tế bào lympho T, ức chế TCD4. Thuốc có dạng dung dịch tiêm truyền và dạng viên uống. Thuốc được chuyển hóa ở gan. Cần theo dõi nồng độ của thuốc trong huyết tương để chỉnh liều. Tác dụng không mong muốn của thuốc là tăng huyết áp, độc với thận, phì đại lợi, tăng mỡ máu, tăng acid uric máu.
Tacrolimus (FK506, prograt) là thuốc tác động lên phức hợp calcineurin – calmodulin và trên IL- 2. Thuốc được chuyển hóa ở gan và có tác dụng mạnh gấp 10 – 100 lần cyclosporin. Cần theo dõi nồng độ thuốc trong huyết tương. Thuốc có tác dụng phụ là độc với thận, gây bệnh đái tháo đường và gây nhiễm độc thần kinh.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt - Đức. Ảnh: PV |
Advagraf là thuốc ức chế miễn dịch mới đồng dạng với tacrolimus, prograf. Thuốc được đưa vào lâm sàng ở châu Âu năm 2008 và ở Việt Nam năm 2011. Tác dụng của thuốc kéo dài, chỉ dùng mỗi ngày một lần rất thuận tiện trong khi prograf phải dùng 2 lần. Tác dụng không mong muốn của thuốc gần giống với prograf.
Tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép Sau ghép tạng, thải ghép là nguy cơ hàng đầu cho người được ghép. Ngoài các nguyên nhân như sự hòa hợp mô, kỹ thuật ngoại khoa, cơ địa người bệnh, thuốc chống thải ghép có thể gây hại cho người nhận ghép như: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim; nhiễm khuẩn do virut (cytomegalovirus – CMV), do vi khuẩn (lao), do nấm (Candida albican); viêm loét dạ dày, phì đại lợi, lưỡi; đái tháo đường; đục thủy tinh thể; loãng xương, nang xương; ung thư da, u lympho ác tính; đa hồng cầu, suy tủy; hội chứng dạng cushing… Vì vậy, khuynh hướng hiện nay trong ghép tạng là nghiên cứu tìm kiếm thuốc chống thải ghép có tác dụng mạnh, ít tác dụng không mong muốn, tăng tỷ lệ thành công.
Thuốc ức chế miễn dịch lớp 2
Thuốc có tác dụng ức chế các cytokin và các thụ thể của chúng, bao gồm:
Kháng thể đơn dòng chống thụ thể của interleukin 2 (Anti IL-2R hay Anti CD25) và các kháng thể OKT3. Hiện nay trên thị trường đã có basiliximab (simulect) và daclizumab (zenapax).
Sirolimus hay rapamycine: thuốc có tác dụng ức chế chuyển mã của tế bào lympho T trong vòng tổng hợp của interleukin 2. Thuốc có thể gây tác dụng phụ như gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn mỡ máu, giảm tiểu cầu, thiếu máu.
Thuốc ức chế miễn dịch lớp 3
Kháng thể đa clon kháng tế bào lympho. Sinh phẩm thu được sau dùng tế bào lympho T của người gây miễn dịch trên thỏ và ngựa. Những globulin kháng tế bào lympho này (thymoglobulin, lymphoglobulin) gây giảm nhiều tế bào lympho nên là một chất ức chế miễn dịch mạnh. Thuốc được dùng khi bắt đầu ghép hoặc khi có thải ghép kháng glucocorticoid. Khuynh hướng hiện nay dùng sinh phẩm này cho người bệnh có nguy cơ miễn dịch cao, bệnh nhân có kháng thể kháng HLA thể dịch.
Thuốc ức chế tăng sinh tế bào gồm azathioprin và mycophenolati mofetil.
Azathioprin (imurel) tác động trên tế bào lympho T và tế bào gốc tạo máu. Thuốc có tác dụng ức chế tổng hợp ADN bởi đối kháng với purin là chất ức chế tăng sinh tế bào mạnh. Thuốc có tác dụng không mong muốn như độc gan, độc tủy xương.
Mycophenolate mofetil (MMF – cellcept) thuốc có tác dụng ức chế tăng sinh tế bào lympho T và B đã hoạt hóa. Tác dụng của thuốc mạnh, hơn hẳn azathioprin, thường được chỉ định trong phòng thải ghép và chống thải ghép cấp và mạn. Thuốc được dung nạp tốt, thải theo đường tiết niệu, ít độc thận. Tác dụng không mong muốn của thuốc gồm: rối loạn tiêu hóa và độc tủy xương.
Các phác đồ chống thải ghép
Dựa vào khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Hội Thận học thế giới, châu Âu, Mỹ theo phác đồ khung, mỗi trung tâm ghép tạng có phác đồ riêng để phù hợp với hoàn cảnh đất nước, thời điểm và từng người bệnh. Ví dụ:
Dự phòng thải ghép với: Corticoid – azathioprin – SAL – cyclosporin hoặc corticoid – MMF – anti CD25 – cyclosporin.
Chống thải ghép với: 3 loại thuốc: corticoid, azathioprin/MMF, cyclosporin/tacrolimus hoặc 4 loại thuốc: corticoid, azathioprin/MMF, cyclosporin/tacrolimus, globulin kháng tế bào lympho.
PGS.BS.Trần Văn Chất