Thuốc chống nấm Candida gây bệnh đường ruột

07-12-2016 13:57 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Nấm Candida thường trú ngụ và sinh sôi ở môi trường ẩm ướt, có độ PH cao nên có thể trú ngụ trong ruột và gây nên tình trạng nấm đường ruột mức độ từ nhẹ đến nặng...

Nấm Candida thường trú ngụ và sinh sôi ở môi trường ẩm ướt, có độ PH cao nên có thể trú ngụ trong ruột và gây nên tình trạng nấm đường ruột mức độ từ nhẹ đến nặng và biểu hiện thường gặp nhất là tiêu chảy. Hiện nay, việc điều trị chủ yếu được thực hiện bằng các thuốc diệt nấm đặc hiệu nhưng vẫn phải dựa trên độ nặng nhẹ của từng người bệnh.

Đặc điểm của nấm Candida albicans

Nấm Candida có ở khắp nơi trong môi trường và có thể theo thức ăn, nước uống vào cơ thể con người gây bệnh. Nguyên nhân bị nấm tiêu hóa nói chung và nấm Candida nói riêng là do tình trạng mất cân bằng tiêu hóa hoặc hệ miễn dịch suy giảm, một số trường hợp do suy dinh dưỡng. Ngoài ra còn gặp ở người dùng corticoid kéo dài, tuổi già, đái tháo đường, nghiện rượu, mắc bệnh ác tính, lạm dụng kháng sinh nhất là các kháng sinh phổ rộng, điều trị hóa chất... Bệnh thường diễn ra ở niêm mạc miệng hoặc thực quản, từ đó lan xuống đường ruột và gây bệnh ở đó.Mô phỏng hình ảnh nấm Candida

Mô phỏng hình ảnh nấm Candida ở đường ruột.

Nhận biết khi nhiễm nấm Candida đường ruột

Có thể gặp bệnh do nấm ở toàn bộ hệ thống tiêu hóa, ở mỗi vị trí sẽ có biểu hiện lâm sàng khác nhau. Khi bị viêm thực quản do nấm, người bệnh thường thấy đau, cảm giác nóng, rát phía sau xương ức vùng tương ứng với thực quản. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, có thể lan theo đường máu tới gan và các cơ quan khác. Nấm Candida ở đường tiêu hóa sẽ gây rối loạn tiêu hóa (ăn không tiêu, bụng ậm ạch và tiêu chảy, có thể gây nhiều ổ loét ở dạ dày - tá tràng, ruột, thậm chí gây thủng ruột).

Thuốc dùng trị nấm theo thể bệnh

Về nguyên tắc, khi rối loạn tiêu hóa, muốn dùng thuốc diệt nấm phải biết chắc chắn đó là do nấm gây ra và loại nấm gì, ngoài ra còn phải dựa vào tình trạng bệnh (nặng hay nhẹ), thể trạng người bệnh như thế nào và phải được bác sĩ khám bệnh kê đơn thuốc.

Với nấm Candida thể nhẹ, vừa có thể dùng ketoconazol. Đây là thuốc kháng nấm phổ rộng, có tác dụng ức chế enzym alphademethylase ngăn cản sự tổng hợp ergosterol, làm thay đổi lipid của màng tế bào sợi nấm, ức chế sự phát triển của nấm. Dùng liều thấp có tác dụng kìm hãm nấm, dùng liều cao có tác dụng diệt nấm.  Ketoconazol tan tốt trong môi trường acid dạ dày cho nên không đồng thời dùng với thuốc trung hòa acid dạ dày (maalox, natribicarbonat..) hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) sẽ làm giảm độ acid, thuốc hấp thu kém. Tác dụng không mong muốn của ketoconazol là có thể gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nguy hiểm hơn là chảy máu đường tiêu hóa. Hiếm hơn là viêm gan, ứ mất (sắc tố mật tăng) thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, phụ nữ, người nghiện rượu hoặc bị suy chức năng gan do những nguyên nhân khác. Vì vậy, với ketoconazol nên uống vào lúc ăn để thuốc được hấp thu tốt và cần kiểm tra men gan (SGOT, SGPT), bilirubibin máu và dưới sự giám sát của bác sĩ.Thuốc chống nấm

Thuốc chống nấm có nhiều tác dụng phụ nên phải theo chỉ định của bác sĩ.

Với nấm Candida thể nặng có thể dùng thuốc fluconazol là loại kháng nấm phổ rộng mạnh hơn ketoconazol, thuộc nhóm triazol, có tác dụng diệt nấm ngoại vi hay toàn thân. Tuy vậy, thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn như hoại tử nhiễm độc da, có hại cho thận nhất là với người có sẵn bệnh về thận, bởi vì thuốc đào thải chủ yếu qua đường niệu (80%). Vì vậy, cần báo cho bác sĩ biết khi thấy bất thường (tróc vảy, hoại tử nhiễm độc da) sau khi đã tự động ngưng thuốc để được xử trí kịp thời.

Với bệnh rối loạn tiêu hóa do Candida albicans nhẹ có thể dùng loại thuốc nystatin là loại kháng nấm có hoạt phổ hẹp. Nystatin có tác dụng kìm hãm hoặc diệt nấm tùy thuộc vào nồng độ và độ nhạy cảm của nấm, không tác động đến vi khuẩn chí bình thường trong hệ tiêu hóa của cơ thể (dạng uống). Nhạy cảm nhất là các nấm men và có tác dụng rất tốt trên Candida albicans. Cơ chế tác dụng của nystatin là chúng liên kết với chất ergosterol của màng tế bào nấm, từ đó làm rối loạn chuyển hóa kali của nấm làm cho nấm không phát triển được (bị tiêu diệt) trong khi đó không ảnh hưởng xấu đến người sử dụng. Tác dụng không mong muốn của nystatin là có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, trướng bụng...) hoặc có thể gây mề đay, ngoại ban sau khi uống thuốc, nhất là khi sử dụng liều quá 5 triệu đơn vị một ngày.

Lưu ý: Do thuốc kháng nấm có nhiều tác dụng phụ, vì vậy, người bệnh không tự động mua thuốc chống nấm để dùng, phải theo chỉ định của bác sĩ và cần được giám sát của bác sĩ khám bệnh.


TS. BS. Bùi Bảo Linh
Ý kiến của bạn