Bisphosphonates (BP) là nhóm thuốc trong công thức hóa học có 2 nhóm phosphonat (PO3). Thuốc được nghiên cứu từ thế kỷ 19 nhưng đến thập kỷ 1960 mới được nghiên cứu thử nghiệm điều trị rối loạn chuyển hóa xương. Vào năm 1995, Bisphosphonates được FDA (Cơ quan Quản lý Thực - Dược phẩm Hoa Kỳ) phê duyệt để điều trị phòng ngừa loãng xương.
Tác dụng Bisphosponates
Có 2 nhóm thuốc Bisphosphonates: nhóm không chứa N gồm có: clodronate; Etidronate; Tiludronate; nhóm chứa N gồm có: Alendronate, Ibandronate, Olpadronate, Pamidronate, Risedronate, Zoledronate. Trong đó, Zoledronate, Alendronate, Risedronate có hiệu quả chống loãng xương tốt hơn cả. Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh: tuy chỉ tăng 5 - 7% mật độ chất khoáng trong xương nhưng lại giảm nguy cơ gãy xương hông và xương đốt sống đến 50%. Riêng Etidronate là thuốc ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, là thuốc dùng tốt cho người có tiền sử bị bệnh thực quản và dạ dày.
Khi vào cơ thể, Bisphosphonate gắn với hydroxyapatit trong xương, được đưa vào nền xương (do đó xương có vai trò như bể chứa cho Bisphosphonates). Tác dụng chính của Bisphosphonates là giảm tiêu xương theo cơ chế sau: khi uống hay tiêm Bisphosphonates tác dụng bằng cách phát động quá trình tế bào hủy xương tự tử (quá trình apoptisis) nên có tác dụng ngăn chặn hay làm chậm quá trình hủy xương và gia tăng sự tích lũy canxi của cơ thể lên xương nên có tác dụng chống loãng xương làm tăng khối lượng xương và ngăn ngừa gãy xương. Thời gian bán hủy của Alendronat tới 10 năm (dài nhất trong các loại thuốc nhóm Bisphosphonates); Residronat là 20 ngày; Clodronat là 2 giờ…
Hiện nay Bisphosphonates là thuốc hàng đầu về điều trị và phòng chống loãng xương và gãy xương cho phụ nữ sau mãn kinh; người già; nam giới có nhiều nguy cơ loãng xương như: nghiện bia rượu thuốc lá; người phải dùng lâu dài thuốc kháng viêm glucocorticoide, thuốc chống động kinh, thuốc chống đông heparin…
Những lưu ý
Theo WHO, trên thế giới có khoảng 70 triệu người bị loãng xương. Loãng xương ảnh hưởng đến 30% số phụ nữ và 20% số nam giới trên 50 tuổi. Bisphosphonates rất hiệu quả với loãng xương cột sống và xương chậu là những xương dễ xẹp và dễ gãy khi bị loãng xương. Lựa chọn đầu tiên là thuốc uống (tốt nhất là thuốc có hàm lượng 1 tuần uống thuốc 1 lần) hoặc thuốc tiêm truyền tĩnh mạch (mỗi năm 1 lần). Thời gian điều trị liên tục từ 3 đến tối đa là 5 năm, đồng thời cần: bổ sung canxi và vitamin D hàng ngày trong suốt quá trình điều trị (người bệnh trên 70 tuổi cần bổ sung canxi 1 - 1,5g và vitamin D 800 - 1.200 UI/ngày cho người có cân nặng trên 60kg); tăng cường hoạt động thể lực như đi bộ mỗi ngày 30 phút, phơi nắng mỗi ngày 15 phút lúc 8 - 9 giờ sáng; hạn chế hoặc loại bỏ rượu, bia, thuốc lá; không dùng thuốc kháng viêm glucocorticoid.
Không dùng Bisphosphonates cho: phụ nữ mang thai hoặc đang thời kỳ cho con bú; người dưới 18 tuổi; người suy thận nặng. Không dùng Bisphosphonates dạng uống cho người rối loạn thực quản, co thắt tâm vị; người không có khả năng ngồi hoặc đứng thẳng trong 30 phút sau khi uống thuốc.
Tác dụng không mong muốn: sốt, đau cơ bắp sau khi tiêm Zoledronic axít hoặc Pamidronate. Hoại tử xương hàm có thể xảy ra ở người bệnh: ung thư vú di căn và ung thư đa tủy khi tiêm Pamidronate hoặc Zoledronic axít. Đang thời kỳ dùng Bisphosphonates lại phải nhổ răng. Viêm loét dạ dày thực quản, ung thư thực quản do một thời gian dài dùng thuốc uống không trôi nhanh qua thực quản mà lại tan một phần ở thực quản
Khi có hiện tượng đau cơ, đau khớp, đau xương nặng, phải ngưng sử dụng Bisphosphonates. Người có canxi máu thấp phải được điều trị trước khi dùng Bisphosphonates. Cần theo dõi chặt chẽ người có bệnh dạ dày, thực quản và người mới điều tri bệnh răng miệng. Khi uống thuốc Bisphosphonates phải tuân thủ các yêu cầu: uống lúc bụng rỗng; nuốt nguyên viên thuốc (người có chứng khó nuốt có thể cho viên thuốc vào miệng rồi cắn một mẩu chuối chín để nuốt sau đó uống nước) uống với 1 cốc to nước sôi nguội (180 - 200ml). Các loại thuốc khác không được dùng cùng lúc khi uống Bisphosphonates mà phải sau 2 giờ. Khi dùng Bisphosphonates liều cao kéo dài cần theo dõi chặt tránh nguy cơ gãy cổ xương đùi. Cấm người bệnh không được tự ý dùng Bisphosphonates khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Sử dụng Bisphosphonates quá 5 năm sẽ gây hệ lụy: tăng nguy cơ vỡ xương đùi hoặc hoại tử xương hàm hoặc ung thư thực quản (tuy hiếm gặp nhưng đã có người bị).
Kỳ vọng về tác dụng chống ung thư của Bisphosphonates
Các tế bào ung thư trong xương (đặc biệt là ung thư vú và ung thư đa tủy) có thể sản sinh và kích hoạt các tế bào hủy xương dẫn đến hệ quả là di căn xương. Vì vậy, Bisphosphonates còn được chỉ định để điều trị bệnh nhân ung thư di căn xương. Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford (Anh quốc). Phụ nữ nếu điều tri loãng xương bằng Bisphosphonates nếu bị ung thư vú có thể giảm tỉ lệ tử vong do ung thư. Giảm 28% nguy cơ ung thư lan đến xương, 14% ung thư tái phát. Bisphosphonates tiêu diệt các tế bào ung thư vú và tiền liệt tuyến bằng cách kích hoạt gamma delta T - tế bào có hiệu quả gấp 200 lần.