Thuốc chống loạn thần không có hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị mê sảng

30-09-2019 09:10 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Các nhà nghiên cứu của Trường đại học Johns Hopkins, Baltimore, Maryland, Hoa Kỳ cho biết, các thuốc chống loạn thần thế hệ 1 và 2 đều không chứng minh được hiệu quả rõ ràng hơn giả dược trong phòng ngừa và điều trị mê sảng ở những người lớn nhập viện và nên ngừng sử dụng các thuốc này hằng ngày cho chỉ định này.

Tuy nhiên, theo hai nghiên cứu tổng quan hệ thống từ 26 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) các thuốc chống loạn thần thế hệ hai có thể có một vài hiệu quả trong điều trị hậu phẫu.

Đối với hiệu quả phòng ngừa mê sảng, TS.BS. Esther S. Oh, Phó giám đốc Trung tâm điều trị bệnh Alzheimer và trí nhớ Johns Hopkins cùng cộng sự đã tiến hành tổng quan từ 14 RCT trên 4.281 bệnh nhân so sánh hiệu quả phòng ngừa và ảnh hưởng bất lợi của haloperidol với giả dược và các thuốc chống loạn thần thế hệ 2 không điển hình như risperidon và quetiapin. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các bằng chứng không đủ để ủng hộ việc sử dụng hằng ngày thuốc chống loạn thần để phòng ngừa mê sảng ở bệnh nhân người lớn. Ngoài ra, các thuốc chống loạn thần thế hệ hai có thể làm giảm tỷ lệ mắc phải mê sảng ở bệnh nhân hậu phẫu, nhưng cần thêm nghiên cứu để khẳng định kết luận này. Về tính an toàn, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa haloperidol và giả dược về các tác dụng không mong muốn lên tim mạch như loạn nhịp tim và kéo dài khoảng QT. Điều này cũng tương tự khi so sánh giữa các thuốc chống loạn thần thế hệ hai và giả dược, dù trong một số RCT, các biến cố trên tim mạch xảy ra thường xuyên hơn ở những bệnh nhân có dùng thuốc.

Đối với hiệu quả điều trị mê sảng, BS. Roozbeh Nikooie, nghiên cứu viên Trường đại học Y khoa Johns Hopkins và cộng sự đã đánh giá 16 RCT và 10 nghiên cứu quan sát trên 5.607 bệnh nhân về hiệu quả và nguy cơ của haloperidol và các thuốc chống loạn thần thế hệ hai trong điều trị mê sảng ở nhóm bệnh nhân nhập viện. Tương tự như hiệu quả phòng ngừa mê sảng, tổng quan điều trị không tìm thấy sự khác biệt giữa haloperidol, các thuốc chống loạn thần thế hệ hai và giả dược đối với thời gian nhập viện, trạng thái giảm đau, thời gian mê sảng hoặc tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, thiếu hoặc không có bằng chứng cho thấy hiệu quả của các thuốc này lên chức năng nhận thức và mức độ mê sảng. Nghiên cứu có ghi nhận tương tự về độ an toàn, các tác dụng phụ trên tim mạch xuất hiện thường xuyên hơn ở nhóm sử dụng thuốc chống loạn thần thế hệ hai, đặc biệt tác dụng gây kéo dài khoảng QT khi so sánh với giả dược hoặc haloperidol. Có ít bằng chứng về nguy cơ trên thần kinh liên quan tới các thuốc chống loạn thần.


ThS.DS. Dương Khánh Linh
Ý kiến của bạn