Thuốc chống loạn nhịp tim amiodaron - Lợi ích và nguy cơ

31-12-2015 10:00 | Thông tin dược học
google news

Amiodaron (cordaron) là một trong những thuốc chống loạn nhịp tim mạnh mẽ và hiệu quả nhất trong việc phòng và điều trị các rối loạn nhịp thất và trên thất.

Amiodaron (cordaron) là một trong những thuốc chống loạn nhịp tim mạnh mẽ và hiệu quả nhất trong việc phòng và điều trị các rối loạn nhịp thất và trên thất. Mặc dù có các tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong, amiodaron vẫn là một trong những thuốc được khuyến cáo kê đơn điều trị rối loạn nhịp thường xuyên nhất.

Các chỉ định sử dụng của amiodaron

Mặc dù thuốc đã được giới thiệu ở châu Âu trong những năm 1960, nhưng đến giữa những năm 1980 mới được tung ra thị trường Mỹ. Khi đó, amiodaron đường uống được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận với chỉ định sử dụng để điều trị các rối loạn nhịp thất mà không đáp ứng với các hình thức điều trị khác. Đến năm 1995, amiodaron đường tiêm truyền tĩnh mạch đã được đưa vào các khuyến cáo điều trị với những chỉ định hạn chế. Tuy nhiên, qua nhiều thử nghiệm lâm sàng, cho đến nay, đây là thuốc được lựa chọn cho việc chuyển đổi và duy trì nhịp xoang trong trường hợp rung nhĩ, một rối loạn nhịp hay gặp và nguyên nhân nhập viện thường xuyên.

Amiodaron còn được sử dụng điều trị duy trì cho những bệnh nhân sau ngừng tim do nhịp nhanh thất kéo dài và những người có rối loạn nhịp thất sau nhồi máu cơ tim. Có thể được sử dụng cho bệnh nhân có tiền sử suy tim sung huyết và những người có máy khử rung tim cấy dưới da.

Tuy được sử dụng thường xuyên và rộng rãi nhưng amiodaron vẫn có những độc tính nghiêm trọng. Vì vậy cần hiểu biết về amiodaron để theo dõi và sử dụng hợp lý, phát hiện sớm các biến chứng khi đang sử dụng thuốc này.

Thuốc chống loạn nhịp tim amiodaron  Lợi ích và nguy cơ 1
Cường giáp - một tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng amiodaron.

Lưu ý khi sử dụng

Tác dụng phụ tiêu hóa của amiodaron bao gồm buồn nôn, chán ăn, táo bón. Những triệu chứng này thường liên quan đến liều lượng và thường được cải thiện khi giảm liều. Nên uống thuốc trong bữa ăn vì sẽ giúp tăng cường hấp thụ thuốc.

Biến chứng tại tuyến giáp: Đây là một hợp chất có chứa iốt. Hàm lượng iodin cao của thuốc có thể là một yếu tố ảnh hưởng trên tuyến giáp. Cứ 100 bệnh nhân sử dụng amiodaron lâu dài có 10 bệnh nhân xuất hiện nhiễm độc tuyến giáp, cường giáp hoặc suy giáp. Suy giáp do amiodaron nhiều gấp 2-4 lần cường giáp. Ở bệnh nhân có biến chứng cường giáp, cần giảm liều hoặc ngừng hoàn toàn amiodaron (nếu an toàn), bổ sung các thuốc kháng giáp trạng, corticoid hoặc nặng hơn thì có chỉ định phẫu thuật tuyến giáp.

Biến chứng ở phổi là nguy hiểm nhất, thường gặp ở từ 2 - 17% số bệnh nhân sử dụng amiodaron lâu dài. Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là ho, khó thở tiến triển, kết hợp với thâm nhiễm kẽ loang lổ trên Xquang phổi và giảm khả năng thông khí. Nặng hơn nữa là hội chứng suy hô hấp cấp. Kiểm tra định kỳ để phòng biến chứng ở phổi có giá trị hạn chế vì triệu chứng đột ngột xuất hiện, tiến triển rất nhanh, dù trước đó không có một dấu hiệu báo trước.

Nhiễm độc gan, xuất hiện ở 0,6% bệnh nhân điều trị amiodaron dài hạn, với biểu hiện tăng men gan. Bệnh nhân bị nhiễm độc gan hiếm khi có triệu chứng. Nếu men gan cao hơn bình thường 3 lần, nên ngưng amiodaron, trừ khi bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát các rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.

Đổi màu da: Bệnh nhân sử dụng amiodaron nên tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào da, nên thoa kem chống nắng do tác dụng phụ gây rối loạn sắc tố da của thuốc này. Sau một thời gian không sử dụng amiodaron, màu da có thể trở về bình thường.

Thay đổi về thị lực hoặc tầm nhìn ngoại vi ở bệnh nhân dùng amiodaron nên được lưu ý để chỉ định khám chuyên khoa mắt. Viêm dây thần kinh thị giác, đôi khi dẫn đến mù đã được mô tả ở một số ít bệnh nhân.

Biến chứng thần kinh ghi nhận được có thể bao gồm mất điều hòa, dị cảm và run. Những điều kiện này thường liên quan đến liều lượng và cải thiện khi giảm liều.

Nguy cơ gây ung thư: Theo công trình nghiên cứu mới được công bố gần đây tại Bệnh viện đa khoa cựu chiến binh Taipei (Đài Loan) và được tạp chí Ung thư Hoa Kỳ đăng tải, các thành phần độc hại của amiodaron được hòa tan trong các lớp mỡ của cơ thể và bị phân hủy rất chậm, một lượng không nhỏ có thể tích lũy tại các mô cơ sau một thời gian sử dụng thuốc lâu dài, amiodaron có nguy cơ gia tăng khả năng gây ra một số chứng ung thư cho bệnh nhân.

Theo dõi khi dùng amiodaron

Vì các biến chứng nặng nề liên quan đến liều lượng và thời gian khi dùng amiodaron nên cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Khi bắt đầu điều trị với amiodaron cần đánh giá cơ sở, bao gồm chụp Xquang, xét nghiệm chức năng phổi, điện giải đồ huyết thanh, chức năng tuyến giáp, men gan, khám mắt. Mỗi 6 tháng nên kiểm tra lặp lại. Nên bắt đầu từ liều thấp nhất và tăng liều từ từ sao cho đạt được kết quả tối ưu nhất với liều thấp nhất có thể để tránh các biến chứng xảy ra.
ThS.BS. Phạm Thị Mai Hương
(Khoa Tim mạch, Bệnh viện Lão khoa Quốc gia)

Ý kiến của bạn