1. Vì sao phải dùng thuốc chống đông máu?
Thuốc chống đông (hay còn gọi là thuốc làm loãng máu) có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở bên trong mạch máu, giúp ngăn ngừa các biến cố nguy hiểm liên quan đến cục máu đông gây ra.
Do đó, những bệnh nhân sau cần phải dùng thuốc chống đông:
- Bệnh tim mạch (động mạch vành nghẽn hay hẹp) và các bệnh mạch máu (bị cục máu đông).
- Bệnh lý rung nhĩ và loạn mạch.
- Bệnh về van tim.
- Rủi ro tăng cục máu đông (do gen di truyền, hút thuốc, hay nghề nghiệp).
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Có một số bệnh lý khác và có chỉ định khác từ bác sĩ chuyên khoa.
Với những người có bệnh lý nêu trên, bác sĩ chỉ định thuốc chống đông nhằm mục tiêu lâu dài là ngăn ngừa cục máu đông và các hệ luỵ của cục máu đông gây ra như: Đột quỵ trên não hay truỵ tim ở động mạch tim, làm tắc nghẽn các động mạch nơi khác...
Có rất nhiều thuốc chống đông, nhưng được chia làm 2 loại chính:
- Thuốc chống đông máu: Là những thuốc chống các tế bào máu kết tụ lại với nhau, như heparin hay warfarin (coumadin), apixaban (eliquis), dabigatran (pradaxa). Loại này có tác dụng làm chậm lại quá trình đông máu.
- Thuốc kháng tiểu cầu: Là loại thuốc ngăn ngừa tiểu cầu kết tập lại gần nhau và gây ra cục máu đông. Các loại này thường là aspirin và clopidogrel (plavix) hay ticagrelor (brilinta).
Trong nhóm này, lưu ý là không phải ai cũng nên uống aspirin. Chỉ có những bệnh nhân có bệnh tim mạch, đột quỵ, hay có rủi ro về các bệnh này thì nên uống. Uống aspirin lâu dài có những tác dụng phụ nguy hiểm đến thận và dạ dày.
2. Rủi ro khi dùng thuốc chống đông là gì?
Chảy máu là tác dụng phụ hay gặp nhất vì cơ thể giảm khả năng đông máu. Chảy máu có thể xảy ra ở nhiều nơi trong cơ thể, ví dụ như xuất huyết tiêu hóa (dạ dày hoặc đường ruột). Khi bị xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân có thể đi ngoài phân màu đen hoặc màu đỏ do chảy máu. Ngoài ra, cơ thể còn có thể có các vết bầm trên da do máu bị loãng quá mức.
Khi chảy máu quá nhiều, bệnh nhân còn có những triệu chứng nguy hiểm khác như:
- Ở nữ giới có thể gặp chu kỳ kinh nguyệt rất nhiều.
- Nước tiểu màu đỏ hay nâu.
- Chảy máu từ nướu răng khi đánh răng, thậm chí xuất huyết mà không có tác động gì.
- Nôn ra máu.
- Đau bụng, đau dạ dày.
- Chảy máu không cầm với các vết xước/trầy nhẹ.
- Dễ sưng tụ máu khi té ngã.
Vì thế đối với những bệnh nhân có nhiều nguy cơ bị cục máu đông, nhưng hay bị té ngã, chảy máu quá nhiều chỉ do trầy xước nhỏ, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc giữa lợi và hại để không kê đơn thuốc chống đông nữa.
3. Cách uống thuốc chống đông an toàn
Để giảm thiểu các nguy cơ do thuốc chống đông gây ra, bệnh nhân cần thực hiện những điều sau:
- Cần dùng đúng liều thuốc, đúng thời điểm, thời gian mà bác sĩ đã kê toa và hướng dẫn. Không nên tự ý tăng hay giảm liều vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
- Thuốc chống đông có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác. Một số thuốc làm tăng hiệu quả của thuốc chống đông trong khi loại khác làm giảm hiệu quả. Do đó bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết mình đang dùng loại thuốc gì để loại trừ tương tác.
- Khi dùng thuốc chống đông, cần làm xét nghiệm máu thường xuyên (kiểm tra chỉ số INR khi dùng coumadin) để biết chắc là liều lượng của thuốc loãng máu đang dùng là hợp lý.
- Không nên uống rượu khi dùng thuốc loãng máu.
- Thuốc chống đông coumadin có thể tương tác với nhiều loại thức ăn chứa nhiều vitamin K như: Măng tây, rau cải xoăn, súp lơ trắng, cải ngọt, bắp cải, bông cải xanh, củ cải...
- Tránh dùng vitamin K, thực phẩm chức năng chứa vitamin K.
- Củ nghệ hoặc các chiết xuất từ củ nghệ.
- Vitamin E hay tỏi, dầu cá (khi dùng thuốc eliquis hay pradaxa)...
Dùng thuốc chống đông là rất cần thiết trong một số bệnh lý nhằm ngăn ngừa đột quỵ hay các bệnh tim mạch. Tùy vào bệnh lý, cơ địa của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống đông loại nào, trong bao lâu. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc vì có những rủi ro xảy ra khá nguy hiểm.
Mời độc giả xem thêm video:
Tự ý bỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ, 2 người phải nhập viện vì nhồi máu não | SKĐS