Hà Nội

Thuốc chống co thắt gây tác dụng phụ nghiêm trọng ở người bệnh tim

09-03-2017 13:46 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Thuốc chống co thắt có thành phần hyoscine butylbromide sử dụng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp được sử dụng trong các trường hợp co thắt cơ bắp cấp tính...

Thuốc chống co thắt có thành phần hyoscine butylbromide sử dụng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp được sử dụng trong các trường hợp co thắt cơ bắp cấp tính, như trong cơn đau quặn thận hoặc đường mật; co thắt dạ dày-ruột, co thắt và nghẹt đường mật, co thắt đường niệu-sinh dục, cơn đau quặn mật, thận, giúp quá trình chẩn đoán và điều trị trong nội soi dạ dày tá tràng. Thuốc không dùng cho người bị tắc liệt ruột, hẹp môn vị, phì đại tuyến tiền liệt, rối loạn chuyển hóa porphyrin, người mắc bệnh nhược cơ nặng và glocom góc đóng. Ngoài ra, khi dùng thuốc này, người bệnh là trẻ em và người cao tuổi, người mắc hội chứng Down, trào ngược dạ dày - thực quản, tiêu chảy, viêm loét kết tràng… cần thận trọng vì thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Những người phải làm các công việc nguy hiểm hoặc lái tàu xe thì không nên làm việc ngay sau khi tiêm vì thuốc gây rối loạn điều tiết mắt. Các tác dụng phụ của thuốc đã được cảnh báo là khô miệng, mờ mắt, liệt cơ thể mi, giãn đồng tử, sợ ánh sáng... Tuy nhiên, gần đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) còn nhấn mạnh nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể gây tử vong khi dùng thuốc này cho những người mắc bệnh tim.

Cụ thể, MHRA đã nhận được 9 báo cáo về tình trạng tử vong của bệnh nhân sau khi tiêm thuốc chống co thắt hyoscine do nhồi máu cơ tim cấp hoặc ngừng tim. MHRA cho rằng tiêm hyoscine có thể gây ra các tác dụng phụ khác, ngoài các tác dụng phụ đã được biết đến trước đó, bao gồm nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, sốc phản vệ. Những ảnh hưởng này có thể nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân đang mắc bệnh nền (như suy tim, bệnh mạch vành, loạn nhịp tim hoặc cao huyết áp). Một số báo cáo cũng đã lưu ý rằng sốc phản vệ có nhiều khả năng gây tử vong ở những bệnh nhân có bệnh tim hơn so với những người không mắc bệnh. MHRA đã yêu cầu hãng dược phẩm cập nhật, bổ sung cảnh báo này trong hướng dẫn dùng thuốc để giảm thiểu nguy cơ phản ứng phụ nghiêm trọng ở những bệnh nhân có bệnh tim. Đối với bác sĩ điều trị cũng cần đặc biệt chú ý thận trọng dùng thuốc này ở bệnh nhân mắc bệnh tim và chống chỉ định ở những bệnh nhân có nhịp tim nhanh. Trong trường hợp cần thiết, bắt buộc phải dùng thuốc thì cần theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh cũng như đảm bảo các thiết bị hồi sức, các nhân viên đã được đào tạo cách sử dụng luôn sẵn sàng khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.


Bảo Châu
Ý kiến của bạn