Hà Nội

Thuốc chẹn beta giao cảm trị bệnh tim: Vài lưu ý khi dùng

13-11-2015 08:00 | Dược
google news

SKĐS - Nếu như các nitrat hữu cơ được coi là thuốc đầu bảng trong điều trị cơn đau thắt ngực ở mọi thể và có tác dụng nhanh chóng thì...

Nếu như các nitrat hữu cơ được coi là thuốc đầu bảng trong điều trị cơn đau thắt ngực ở mọi thể và có tác dụng nhanh chóng thì các thuốc chẹn beta giao cảm là thuốc hàng đầu để điều trị cơn đau thắt ngực cả thể ổn định lẫn không ổn định và là thuốc quan trọng điều trị trong và sau nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân của các cơn đau thắt ngực là do cơ tim bị thiếu ôxy đột ngột vì mất thăng bằng giữa tăng nhu cầu ôxy cơ tim và sự cung cấp không đủ ôxy của mạch vành. Các bệnh lý của mạch vành như xơ vữa động mạch làm hẹp lòng mạch, huyết khối, co thắt mạch làm giảm lưu lượng mạch nên làm giảm cung cấp ôxy cho cơ tim. Ngoài ra, trạng thái căng thẳng thần kinh, gắng sức sẽ gây kích thích giao cảm làm tăng nhịp tim, tăng nhu cầu ôxy cho cơ tim (tăng cầu) khi đó các cơn đau ngực sẽ xuất hiện. Việc nhiễm độc oxyd carbon, thiếu máu cũng làm giảm ôxy trong máu nên thiếu lượng máu đến tim.

Thuốc chẹn beta giao cảm trị bệnh tim: Vài lưu ý khi dùng

Cơ chế gây nhồi máu cơ tim.

Cơ chế tác dụng của thuốc chẹn beta giao cảm

Các thuốc chẹn beta giao cảm như: propranolol, actebutolol, nebivolol... là nhóm thuốc thường được sử dụng rất nhiều trong các bệnh tăng huyết áp, đau thắt ngực, loạn nhịp tim, suy tim... Với tác dụng làm giảm tính dẫn truyền ở nhĩ, nút nhĩ thất và thất khiến nhịp tim đập chậm lại, sức co bóp cơ tim giảm, giảm công của tim nên mức tiêu thụ ôxy của cơ tim giảm, vì thế thuốc có lợi cho bệnh nhân bị thiểu năng vành. Ngoài ra, thuốc còn tăng cung cấp máu cho vùng cơ tim bị thiếu máu nên các trường hợp thiếu máu cơ tim mạn tính, suy tim phối hợp thêm nhóm thuốc này; điều trị và phòng các cơn đau thắt ngực do gắng sức không đáp ứng với nitrat. Một số trường hợp tăng huyết áp nặng nên phối hợp thuốc chẹn beta adrenergic và thuốc lợi tiểu.

Lưu ý khi dùng

Lưu ý những bệnh nhân đang điều trị lâu dài bằng thuốc chẹn beta giao cảm nếu ngừng thuốc đột ngột có thể làm tăng phản ứng giao cảm khiến nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, tăng tiêu thụ ôxy của cơ tim nên sẽ làm nặng thêm tình trạng suy vành (nếu có).

Không dùng các thuốc chẹn beta giao cảm trong trường hợp mạch chậm (dưới 60 lần/phút), huyết áp tối đa dưới 90mmHg, hen phế quản, block nhĩ thất độ 2, 3 do thuốc có tác dụng làm giảm tính dẫn truyền của nút nhĩ thất và không dùng trong các cơn đau do co thắt động mạch vành.

Một số thuốc tan trong lipid như propranolol, penbutolol, labetalol vào được tế bào thần kinh trung ương nên có thể gây đau nửa đầu, trầm cảm hoặc kích thích gây co giật, mất ngủ. Khi dùng thuốc ở những bệnh nhân điều trị đái tháo đường có thể gây hạ glucose máu do ức chế tạo glucose và gây kéo dài cơn hạ đường huyết do tăng tiết insulin.

Trong các dạng thuốc dùng của nhóm thuốc này, hiện tại một số thuốc có bào chế dạng zok như betaloczok, là hệ thống bao gồm nhiều tiểu đơn vị nhỏ được bọc bởi bao film có tính thấm, không tan trong nước, có chứa nhiều viên nhỏ có lõi thuốc là metoprolop succunate, sau cùng được nén thành viên betaloczok. Các thuốc này sẽ nằm lại ở đường tiêu hóa và phóng thích thuốc trong suốt 24 giờ nên tiện lợi cho người sử dụng. Hiệu quả chẹn thụ thể beta kéo dài 24 giờ sẽ làm giảm nguy cơ tác dụng phụ như ảnh hưởng đến chức năng phổi, rối loạn chuyển hóa của cơ thể.

Các thuốc điều trị các cơn đau thắt ngực với mục đích tăng cung cấp ôxy cơ tim (loại cắt cơn như nitrat, nitrit), giảm mức tiêu thụ ôxy của cơ tim, làm phân bố lại lượng máu có lợi cho vùng thiếu máu như thuốc chẹn kênh canxi, các thuốc chẹn beta-adrenergic và tăng bảo vệ cơ tim khi bị thiếu máu như trimetazidin. Trong điều trị, cần có sự phối hợp hợp lý giữa các nhóm thuốc trên để có hiệu quả tốt nhất.

BS. Nguyễn Thị Hương

 


Ý kiến của bạn