Thuốc cắt cơn chóng mặt do rối loạn tiền đình những lưu ý cần thiết khi sử dụng

25-05-2017 07:26 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mặc dù chóng mặt do rối loạn tiền đình không trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Mặc dù chóng mặt do rối loạn tiền đình không trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc để chữa trị triệu chứng này nhưng trong quá trình sử dụng không phải ai cũng biết những chú ý cần thiết để dùng thuốc hiệu quả và an toàn.

Các nhóm thuốc thường dùng

Để làm giảm và cắt đứt biểu hiện chóng mặt gây khó chịu, nhiều khi nguy hiểm, người bệnh thường được sử dụng bốn nhóm thuốc sau:

Dẫn xuất của acetyl leucine: Đây là nhóm thuốc làm cắt cơn chóng mặt mạnh nhất hiện nay. Thuốc có tác dụng giúp tiền đình không bị kích thích bởi tác nhân bên ngoài. Tiền đình ổn định sẽ khống chế được cơn chóng mặt. Thuốc được dùng dưới cả dạng viên và dạng tiêm. Khi chóng mặt mức độ nhẹ và vừa thì dùng dạng viên. Khi chóng mặt mức độ nặng, có thể dùng dạng viên (nếu còn uống được) hoặc có thể dùng dạng tiêm (nếu quá nặng, hoặc bị nôn không uống được).Không dùng thuốc kháng histamin cắt cơn chóng mặt cùng rượu, bia.

Không dùng thuốc kháng histamin cắt cơn chóng mặt cùng rượu, bia.

Thuốc kháng histamin: Thuốc ức chế sự tác động của histamin vào các điểm đặc hiệu tương ứng. Có hai thế hệ thuốc kháng histamin khác nhau. Trong rối loạn tiền đình, cần sử dụng loại thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất, tác động lên thần kinh trung ương. Không sử dụng các thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai tác động lên các thụ cảm thể dạ dày và thụ cảm thể ngoài da.

Khi tác động lên thần kinh trung ương, thuốc làm phong bế hoạt động của histamin lên các tận cùng thần kinh cảm giác, các vùng mạch máu và não bộ. Do đó làm ổn định tiền đình và các mạch máu cung cấp cho tiền đình. Khi dùng thuốc này có tác dụng cắt cơn chóng mặt. Ngoài tác dụng cắt cơn, thuốc còn có tác dụng chống nôn. Những thuốc này thường được sử dụng để chống chóng mặt do say tàu xe, say sóng, bệnh chóng mặt có căn nguyên do co thắt mạch máu hoặc các cơn chóng mặt có nôn. Các thuốc này được bào chế dưới dạng viên nén, viên nang, dung dịch uống và dung dịch tiêm. Nếu quá nặng có thể dùng dạng tiêm để khống chế bệnh.

Thuốc kháng cholinergic: Thuốc có tác dụng đối kháng với hệ thần kinh phó giao cảm. Hệ thần kinh phó giao cảm có tác dụng làm tăng co bóp cơ trơn, tăng tiết đờm dãi và tăng kích thích tiền đình (ít). Do đó, dùng thuốc kháng cholinergic có tác dụng làm giảm co thắt cơ trơn, làm giảm nôn, giảm tiết đờm dãi và giảm chóng mặt do tiền đình. Tùy vào từng loại thuốc mà tác dụng nào chiếm ưu thế. Thuốc này thường được dùng để dự phòng và điều trị say sóng, say tàu xe, say máy bay và các cơn chóng mặt có nôn nhiều, thường dùng dưới dạng miếng dán.

Nhóm thuốc đối kháng canxi có chọn lọc: Thuốc có tác dụng đối kháng canxi có chọn lọc, thuốc còn có tính chất của thuốc kháng histamin, thường được sử dụng hiệu quả trong điều trị chóng mặt do say tàu xe, do bệnh đau nửa đầu... Các thuốc này có tác dụng giãn mạch ngoại vi, tăng cường tuần hoàn máu ở tai trong.

Một số lưu ý cần thiết khi dùng thuốc

Các trường hợp không được dùng thuốc: Đối với dẫn xuất của acetyl leucine, do thuốc được chuyển hóa ở gan và đào thải qua thận nên được chống chỉ định đối với người bị suy thận hoặc suy gan, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú. Đối với thuốc kháng cholinergic thì không dùng cho người có tiền sử mẫn cảm, tắc nghẽn đường tiết niệu, nhược cơ nặng, tăng nhãn áp, tắc ruột, liệt ruột, phình đại tràng nhiễm độc (toxic megacolon), hen, trầm cảm, người lái tàu xe hoặc điều khiển máy móc. Những trường hợp có tiền sử trầm cảm hoặc tiền sử có bệnh Parkinson, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi không được dùng thuốc đối kháng canxi có chọn lọc. Bên cạnh đó, phụ nữ cho con bú cũng không được dùng do thuốc được bài tiết qua sữa mẹ.

Cảm giác khó chịu, bất thường: Các thuốc kháng histamin có thể gây buồn ngủ, rối loạn tiêu hóa. Đau đầu, khô miệng, tăng cân có thể xảy ra nhưng hiếm. Một số trường hợp đặc biệt có thể bị ra mồ hôi và dị ứng, có thể làm tái phát triệu chứng bệnh Parkinson (nếu có tiền sử bệnh). Thuốc kháng cholinergic khi dùng liều cao có thể gây chết người, tim đập nhanh, kích động, làm giảm suy nghĩ hoặc phản ứng, mất trí nhớ tạm thời, hành động như bị thôi miên.

Thận trọng khi lái xe, làm việc cần sự tập trung cao: Thuốc kháng histamin, thuốc đối kháng canxi có chọn lọc khi bắt đầu điều trị có thể gây buồn ngủ nên thận trọng trong các hoạt động như lái xe hay vận hành máy móc.

Không tự ý thay đổi liều: Người bệnh cần tuân thủ liều dùng của thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì mỗi loại thuốc đều có những đặc điểm riêng cần chú ý. Chẳng hạn khi dùng thuốc kháng histamin cho các trường hợp nhạy cảm thì cần dùng liều lượng nhỏ rồi tăng dần liều. Bên cạnh đó, với thuốc đối kháng canxi có chọn lọc thì người bệnh cần chú ý không được vượt quá liều quy định và phải được khám đều đặn theo kỳ hạn, đặc biệt trong giai đoạn điều trị duy trì để có thể phát hiện sớm triệu chứng ngoại tháp (vận động chậm, cứng đơ, nằm ngồi không yên, loạn vận động, run), trầm cảm. Cần ngưng điều trị khi có các triệu chứng trên. Nếu điều trị duy trì không đạt hiệu quả thì cũng nên ngưng điều trị nhưng phải có chỉ định của bác sĩ.

Tương tác thuốc: Thuốc kháng cholinergic có thể làm tăng tác dụng kháng acetylcholin khi dùng chung với amantadine, các thuốc chống loạn nhịp nhóm I, thuốc kháng histamin, thuốc chống loạn thần, benzodiazepines, MAOIs, ma túy, nitrat, thuốc giống giao cảm, thuốc chống trầm cảm ba vòng. Dicyclomin có thể làm tăng nồng độ digoxin trong huyết thanh, các thuốc kháng acid có thể cản trở hấp thu dicyclomin. Khi đang dùng thuốc kháng histamin (như cinnarizin) thì không nên uống rượu hay dùng thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc chống trầm cảm 3 vòng vì sẽ gây tăng tác dụng buồn ngủ của thuốc.


PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm
Ý kiến của bạn