Hiện có rất nhiều loại thuốc cảm không cần kê đơn. Hầu hết các sản phẩm này đều có công thức diều trị đa triệu chứng, chứa một số thành phần hoạt chất giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường và cúm. Ví dụ, những loại thuốc này thường bao gồm thuốc giảm ho, paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau và viêm, thuốc thông mũi để giảm nghẹt mũi...
Khi bị cảm lạnh, cúm mặc dù việc kiểm soát các triệu chứng rất quan trọng nhưng điều quan trọng không kém là phải nhận thức được các tác dụng phụ tiềm ẩn và các biến chứng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc, đặc biệt với người bệnh huyết áp cao.
1. Thuốc cảm nào cần tránh ở người tăng huyết áp?
Nếu đang dùng thuốc để kiểm soát huyết áp hoặc có tiền sử huyết áp cao, cần tránh dùng thuốc cảm cúm có chứa thuốc thông mũi. Các thuốc thông mũi phổ biến nhất bao gồm pseudoephedrine, ephedrine, phenylephrine, naphazoline và oxymetazoline.
Thuốc thông mũi làm giảm nghẹt mũi bằng cách làm co các mao mạch ở niêm mạc mũi. Do đó, các triệu chứng nghẹt mũi thông thường có thể giảm ít nhất là trong vài giờ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, do sự co thắt mạch máu, huyết áp có thể tăng cao hơn, đặc biệt nếu bệnh tăng huyết áp không được kiểm soát tốt.
Ngoài ra thuốc thông mũi tương tác trực tiếp với một số loại thuốc huyết áp. Ví dụ, thuốc chẹn beta là thuốc dùng để hạ huyết áp và kiểm soát nhịp tim thông qua việc ức chế thụ thể beta-adrenergic. Pseudoephedrine có thể làm giảm tác dụng của thuốc bằng cách kích thích các thụ thể beta tương tự.
Không phải tất cả bệnh nhân tăng huyết áp đều bị tăng huyết áp khi dùng thuốc thông mũi nhưng phải cẩn thận. Khuyến nghị người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Các dạng thuốc thông mũi tại chỗ được cung cấp dưới dạng thuốc xịt mũi an toàn hơn nhưng cũng cần thận trọng.
Các thuốc cảm cúm cũng thường được kết hợp với thuốc kháng histamine. Nếu đang dùng thuốc huyết áp việc kết hợp thuốc với một số loại thuốc kháng histamine có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp. Do đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ sản phẩm nào.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể là một mối nguy hiểm khác đối với những người cao huyết áp. NSAID có thể làm tăng huyết áp bằng cách giảm bài tiết natri vào nước tiểu, làm trầm trọng thêm tình trạng giữ nước. Nếu cần phải dùng thuốc cảm có chứa thuốc chống viêm không steroid, thì nên dùng ở liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể. Ibuprofen và naproxen là những loại thuốc không kê đơn phổ biến nhất trong nhóm thuốc này.
2. Thuốc cảm nào an toàn cho người tăng huyết áp?
Thuốc cảm không kê đơn không phải là lựa chọn điều trị duy nhất cho nhiều triệu chứng cảm lạnh và cúm. Thông thường, các triệu chứng nhẹ đến trung bình có thể thuyên giảm bằng các phương pháp điều trị an toàn và không ảnh hưởng đến huyết áp, bao gồm:
- Nước muối: Sử dụng nước muối là giải pháp hiệu quả để làm thông mũi. Xịt mũi bằng nước muối có thể giúp làm sạch xoang và rửa trôi các hạt, chất gây dị ứng và vi trùng. Súc miệng bằng nước muối ấm với nước cốt chanh và mật ong cũng làm giảm cơn đau hoặc ngứa họng.
- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước: Nếu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng cảm hoặc cúm, cần nghỉ ngơi. Ngoài ra, uống nhiều nước lọc, nước trái cây hoặc súp giúp làm sạch đờm và chất nhầy khỏi phổi.
Nếu quyết định dùng thuốc trị cảm lạnh và cúm, hãy chọn loại thuốc dành cho người bị huyết áp cao. Đọc kỹ các cảnh báo trên nhãn thông tin thuốc. Tránh bất kỳ loại thuốc nào có nhãn cảnh báo ghi rằng những người bị huyết áp cao không nên dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Không chọn công thức có chứa thuốc thông mũi.
Các loại thuốc cảm lạnh có chứa chất long đờm như guaifenesin, thuốc giảm ho như dextromethorphan, thuốc paracetamol hoặc aspirin để hạ sốt và giảm đau, có thể an toàn cho những người bị huyết áp cao. Tuy nhiên, ngay cả với những loại thuốc này, tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Nếu phải dùng thuốc thì cần tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng và thời gian điều trị. Nếu các triệu không thuyên giảm sau 5 ngày, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Không tự ý uống vượt quá liều chỉ định hàng ngày.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Mách bạn 4 cách ngừa cảm cúm.